Dòng sự kiện:
3 tháng chống dịch qua lời kể của bác sĩ nhiễm Covid-19 khi đi chi viện
05/11/2021 08:33:50
Mắc Covid-19 sau 10 ngày vào TP.HCM chi viện, bác sĩ Hạnh vẫn cố gắng làm việc. Sau 2 tháng chống dịch, chị viết đơn tình nguyện cùng 15 bác sĩ khác tiếp tục ở lại cho đến ngày cuối cùng.

Bác sĩ 2 lần nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2

Ngày 1/11 vừa qua là ngày đầu tiên bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh quay trở lại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) làm việc, sau khi rời TP.HCM. 3 tháng chi viện cho miền Nam, theo chị Hạnh, là những khoảnh khắc khó quên nhất trong đời.

Chị Hạnh kể, vào Bệnh viện dã chiến số 12 (TP.HCM) từ ngày 13/7, chỉ 10 ngày sau, chị trở thành F0.

Kết quả xét nghiệm khiến nữ bác sĩ buồn nhiều hơn là lo lắng. “Chúng tôi xác định “đi chiến đấu là sẽ bị thương” và mình còn trẻ nên không quá lo lắng. Nhưng tôi lại cảm thấy áy náy bởi vào giúp đồng nghiệp chưa được bao lâu, lại bị dương tính”, chị nói.

Mắc Covid-19, chị Hạnh có đủ các biểu hiện của căn bệnh này như sốt, ho, đau họng, may mắn chỉ số SpO2 vẫn ở ngưỡng cho phép.

BS Nguyễn Thị Hạnh

2 tuần sau, khi sức khỏe ổn hơn, chị xin quay trở lại với công việc do bệnh nhân quá tải, bệnh viện thiếu y bác sĩ. Chị Hạnh được phân ở khu cách ly dành cho bác sĩ F0. Đồ bảo hộ, cơm ăn… được các đồng nghiệp đưa lên phòng. Hàng ngày, ngoài việc thăm khám F0, kê đơn thuốc qua điện thoại, chị giải quyết hồ sơ. Hồ sơ sau khi chị hoàn thành, các bác sĩ khác khử khuẩn và chuyển đi.

Sau 3 tuần dương tính, chị có kết quả âm tính. 1 tuần sau, bác sĩ này lại tái dương tính với SARS-CoV-2. “Lúc này, tôi khá bất ngờ vì sức khỏe hoàn toàn bình thường. Cũng 3 tuần sau đó, tôi khỏi hẳn”, chị nhớ lại.

Theo BS Hạnh, công việc quá tải, buộc các y bác sĩ phải dồn hết sức để giải quyết. Mỗi bác sĩ phải đảm nhiệm 150-200 bệnh nhân. 2 lần/ngày, họ lên các tầng để kiểm tra tình trạng người bệnh. Nếu bệnh nhân có triệu chứng, bác sĩ tiến hành đo các chỉ số và xử lý. Ngoài ra, họ còn để số điện thoại tại các phòng bệnh. F0 có vấn đề bất thường đều liên hệ bác sĩ để được giải quyết.

Đơn xin tình nguyện ở lại chống dịch tại TP.HCM của chị Hạnh.

Việc trực chiến đường dây nóng cũng là một vấn đề lớn. Ngoài bệnh, F0 còn thắc mắc rất nhiều vấn đề khác như làm thế nào để gửi đồ vào viện, đồ bị đạc hay làm thế nào để cùng người thân được cách ly, điều trị ở một chỗ.

Các cuộc gọi đến bất kể ngày đêm, có F0 phàn nàn về người bệnh cùng phòng không chịu đeo khẩu trang. Có trường hợp liên tục đòi được xét nghiệm để ra viện, có người xét nghiệm rồi lại hối thúc đòi kết quả sớm… Những lần như vậy, bác sĩ lại phải lên tận nơi động viên, giải thích để họ hiểu và chấp hành.

Do việc trực điện thoại 24/24 quá tải vì vậy sau đó các bác sĩ đã chia ca (8h/ca) để trực đường dây nóng.

“Ngoài khó khăn về ăn uống do không hợp khẩu vị, nhiều bác sĩ nữ còn gặp vấn đề khác là mụn trứng cá. Do chúng tôi mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang liên tục nên mồ hôi chảy ra không thoát được, gây viêm nhiễm da”, BS Giang nói.

Viết đơn tình nguyện ở lại cuộc chiến

Cũng như nhiều bác sĩ vào miền Nam chống dịch, gia đình rất mong chị Hạnh về. Nhà nữ bác sĩ có 2 con (9 tuổi và 5 tuổi). Ông bà ở xa, khi chị đi công tác, việc chăm sóc các con đều do chồng chị đảm nhiệm.

Làm bên ngành xây dựng, những lúc đi công trình, ông bố này lại phải gửi con ở nhà cô giáo. “Cô giáo đón con về nhà, cho ăn, tắm giặt… Sau đó, bố mới đến đón về nhà. Nhờ hậu phương vững chắc như vậy, tôi mới yên tâm công tác”, chị Hạnh kể.

Ngày 13/9, bác sĩ Hạnh nhận được thông báo từ Quảng Ninh về việc thay đổi nhân lực tham gia chống dịch. Theo đó, đoàn được chia làm hai đợt thay quân, sẽ rút cách nhau một tuần để đảm bảo sự liên tục và không gián đoạn điều trị.

Bác sĩ Hạnh (ngoài cùng, bên trái) cùng các đồng nghiệp.

Nhận được tin rút quân, chị Hạnh suy nghĩ rất nhiều. “Ai cũng mong được trở về nhà nhưng do bệnh viện thiếu bác sĩ. Trong khi chúng tôi còn sức khỏe lại phải điều anh em từ xa vào thay người. Là trưởng đoàn, khi tôi nói ý định ở lại của mình, 14 đồng nghiệp khác đều đồng tình ở lại.

Chưa kịp thông báo cho gia đình, chị đã soạn đơn xin ở lại chống dịch. Chị tin, chồng và các con sẽ ủng hộ quyết định của mẹ.

3 tháng ở tâm dịch, điều chị ấn tượng nhất là tình cảm của bệnh nhân dành cho y bác sĩ. Những bệnh nhân được ra viện, họ mừng mừng tủi tủi cảm ơn bác sĩ.

Họ biết chúng tôi từ Quảng Ninh vào đây hỗ trợ nên rất xúc động. Đặc biệt, sau khi hết bệnh, họ được về nhà còn chúng tôi vẫn chưa biết ngày về vì vậy có bệnh nhân viết lá thư 13 trang giấy cảm ơn bác sĩ. Có bệnh nhân nữ khác, vừa khóc vừa tạm biệt bác sĩ khi rời viện.

Đầu tháng 10/2021, tình hình dịch tại TP.HCM đã dần được khống chế, số bệnh nhân giảm một cách nhanh chóng. Ngày 13/9, chị Giang cùng 29 bác sĩ được lệnh rút quân.

“Trước ngày về, một cảm giác khó tả đến với tất cả chúng tôi. Vừa vui vì thành phố khống chế được dịch, sắp được về với gia đình nhưng cũng vừa buồn vì lưu luyến sau 3 tháng gắn bó tại đây”, chị Hạnh nói.

Sau 3 tiếng bay rời TP.HCM, đoàn các bác sĩ Quảng Ninh được về cách ly tại Bệnh viện số 2.

Xuống sân bay, cảm nhận cái rét đầu đông của miền Bắc, chị Hạnh phải nhờ người thân gửi thêm áo ấm vào viện. Đêm đầu tiên cách ly ở bệnh viện, nằm trên chiếc giường bệnh, chị Hạnh và đồng nghiệp thốt lên: “Không gì hạnh phúc bằng”. Bởi trước đó, suốt 3 tháng họ phải nằm giường gấp. Nhiều người không quen, bị đau lưng, phải trải nilon dưới đất để nằm. 1 tuần cách ly tại bệnh viện, họ trở về nhà cách ly thêm 1 tuần nữa. Ngày 1/11, chị quay lại với guồng công việc cũ nơi bệnh viện mình công tác.

“Về Quảng Ninh, các bác sĩ trong đoàn vẫn vui mừng chia sẻ về các con số ca nhiễm, ca tử vong ở TP.HCM giảm. Chúng tôi vui vì được góp một phần công sức vào cuộc chiến. Dù đó là một trải nghiệm đáng nhớ nhưng nếu sau này, được trở lại TP.HCM, tôi hy vọng sẽ là một chuyến du lịch chứ không còn là chống dịch”, chị nói thêm.

Tác giả: Ngọc Trang

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến