Tin liên quan
Theo trao đổi của ông Phạm Trường Giang, đại diện Vụ Thanh toán NHNN, về thực trạng hoạt động thanh toán qua điện thoại di động. NHNN đã đưa vào vận hành Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, kết nối rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu thanh, quyết toán tức thời, đảm bảo chính xác, an toàn và bảo mật với số lượng giao dịch thanh toán ngày càng tăng của nền kinh tế. Hầu hết các Ngân hàng thương mại (NHTM) đã thiết lập hệ thống ngân hàng lõi, phát triển hệ thống thanh toán nội bộ với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, cho phép NHTM cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
Ông Phạm Trường Giang - đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao đổi tại hội thảo
Đối với ngành viễn thông, công nghệ thông tin đã thiết lập được hệ thống hạ tầng kỹ thuật với mạng lưới rộng khắp, sẵn sàng đáp ứng các điều kiện cần thiết để triển khai các dịch vụ và phương tiện thanh toán mới trên phạm vi toàn quốc.
“Tính đến cuối năm 2014 đã có khoảng 30 NHTM cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch bình quân thanh toán qua điện thoại di động trong năm 2014 đạt khoảng 700.000 đồng/người/tháng (khách hàng cá nhân) và 5,8 triệu đồng/doanh nghiệp/tháng (khách hàng doanh nghiệp) tổng số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ đạt gần 750.000 khách hàng” – ông Giang nói.
Theo ông Giang, các ứng dụng thanh toán qua điện thoại di động đã được các NHTM bước đầu triển khai có hiệu quả như chuyển tiền, chuyển khoản, thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại…
Để đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động, từ năm 2008, NHNN đã chấp thuận 9 tổ chức không phải là ngân hàng thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Ví điện tử thông qua kênh internet và điện thoại di động nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán các giao dịch thương mại điện tử và chuyển tiền nhỏ lẻ của người dân.
“Vừa qua, NHNN đã lựa chọn một số mô hình triển khai thí điểm phát triển một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn tại Việt Nam trên cơ sở hợp tác giữa NHTM và các tổ chức đối tác của NHTM, trong đó có thanh toán qua điện thoại di động nhằm mục tiêu mở rộng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo”- ông Giang cho hay.
Đại diện Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính thảo luận tại hội thảo
Tuy nhiên, theo ông Giang, vẫn có những rào cản trong việc phát triển thanh toán qua điện thoại di động. Cụ thể, việc sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có thanh toán qua điện thoại di động của người dân còn chưa thực sự phổ biến, do thói quen sử dụng tiền mặt cũng như tâm lý e ngại rủi ro; thanh toán qua điện thoại di động mới chủ yếu tập trung phát triển tại các thành phố, tỉnh thành lớn, nơi có tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng cao; đa phần các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động chủ yếu dựa trên nền tảng hệ thống tài khoản cá nhân của khách hàng tại các NHTM mà chưa vươn tới nhóm đối tượng dân cư không có tài khoản tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ thanh toán và ngân hàng; các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động vẫn còn chưa đa dạng, phong phú, quy trình thanh toán còn phức tạp, gây khó khăn cho người sử dụng khi thực hiện các thao tác thanh toán.
Không dừng ở đó, nhiều website bán hàng TMĐT chưa hỗ trợ phiên bản di động, khiến người dùng gặp khó khăn khi sử dụng điện thoại di động để truy cập và thanh toán; đồng thời chưa có quy định cụ thể việc sử dụng hóa đơn thanh toán hàng hóa, dịch vụ dưới dạng chứng từ điện tử để giao nhận với khách hàng khi thực hiện thanh toán thẻ qua mPOS.
Ông Giang cũng cho biết, để thanh toán qua điện thoại di động, thời gian tới NHNN sẽ hoàn thiện và đồng bộ hóa hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán qua điện thoại di động nói riêng. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển để đảm bảo an ninh cho các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Tập trung ưu tiên cho việc đầu tư, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thanh toán làm cơ sở cho việc phát triển thanh toán qua điện thoại di động.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, áp dụng chuẩn tin điện tài chính quốc tế ISO 20022 đối với hệ thống thanh toán quan trọng, hệ thống ACH và các hệ thống bán lẻ khác nhằm tạo nền tảng cơ sở chuẩn hóa các hệ thống thanh toán theo ISO 20022.
Đẩy mạnh công tác giám sát, đảm bảo an toàn thông suốt, hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng, các hệ thống truyền thông. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành, cơ quan chức năng trong việc nắm bắt thông tin, đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán qua điện thoại di động nói riêng.
Phát triển thanh toán qua điện thoại di động thông qua việc khuyến khích phát triển mạng lưới các điểm chấp nhận thẻ qua mPOS để thanh toán hàng hóa, dịch vụ, phát triển các phương thức thanh toán qua điện thoại di động, phát triển, các mô hình ứng dụng các phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại phục vụ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuyên truyền phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và qua điện thoại di động nói riêng, nâng cao nhận thức của người dân về các phương thức thanh toán mới, hiện đại…
Thiên Di – Thu Thủy
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy