Dòng sự kiện:
300 người nhảy Flashmob ủng hộ trẻ em điếc
15/12/2015 11:16:52
ANTT.VN – Tại Hà Nội hôm qua 13/12 đã diễn ra Ngày hội gia đình trẻ Điếc với tên gọi “Những đôi tay xinh”, trong đó đặc biệt ấn tượng là màn nhảy Flashmob của 300 người nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của ngôn ngữ ký hiệu trong giáo dục trẻ Điếc.

Tin liên quan

Màn trình diễn nhảy Flashmob của 300 người trong khuôn khổ chương trình “Những đôi tay xinh”. Hà Nội 13/12/2015. Ảnh: IDEO

Chương trình do Dự án Giáo dục trẻ Điếc trước tuổi đến trường – IDEO tổ chức nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức cho toàn xã hội về tầm quan trọng của Ngôn ngữ ký hiệu với việc giáo dục can thiệp sớm cho trẻ Điếc trước tuổi đến trường.

Theo IDEO, có khoảng 15,500 trẻ dưới 6 tuổi là trẻ Điếc hoặc trẻ nghe khó trên cả nước. Phần lớn trong số này không được tiếp cận với giáo dục mầm non, trong khi cha mẹ trẻ không có những hỗ trợ chuyên môn cần thiết.

Bà Lê Thị Kim Cúc, quản lý dự án IDEO cho biết. “Bỏ lỡ việc dạy Ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ Điếc trong 6 năm đầu đời sẽ cản trở khả năng phát triển của trẻ và gây cho trẻ những khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội học tập và hòa nhập sau này”. 

Dự án IDEO, do quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản tài trợ ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới, được thực hiện bởi tổ chức Quan tâm Thế giới và Bộ GD&ĐT từ năm 2011 đến 2016 , là dự án đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này tập trung vào nhóm đối tượng trẻ Điếc trước tuổi đến trường.

Một tiết mục trò chơi trong chương trình. Ảnh: IDEO

Dự án đã giúp cho 255 trẻ Điếc dưới 6 tuổi tại 4 tỉnh/thành phố cua Việt Nam gồm Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh được học ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) tại nhà, qua đó, trẻ Điếc được chuẩn bị sẵn sàng để bước vào môi trường học tập.

“Đối với trẻ Điếc ở tuổi mầm non, gia đình chính là môi trường trẻ tiếp xúc nhiều nhất và học những kiến thức đầu tiên, vì vậy các bậc cha mẹ cần đồng hành và hỗ trợ con trong giai đoạn này để trẻ Điếc có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi vào lớp 1” -  theo bà Vũ Lan Anh, Chuyên gia về Giáo dục, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Tại Ngày hội gia đình, cộng đồng đã được lắng nghe những câu chuyện cảm động của các cha mẹ có con là trẻ Điếc và hành trình hỗ trợ con học tập và giao tiếp bằng Ngôn ngữ ký hiệu, từ đó có sự cảm thông và thấu hiểu với trẻ Điếc và gia đình trẻ, cũng như nhận thấy được sự cần thiết của việc dạy Ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ Điếc trong những năm đầu đời. Một số người lớn điếc cũng chia sẻ câu chuyện thành công trên con đường phát triển bản thân và sự nghiệp để truyền cảm hứng cho phụ huynh và các em.

Ca sĩ Hoàng Bách là đại sứ thiện chí của chương trình. Ảnh: IDEO

Bên cạnh đó, người đến dự còn có thể tham gia nhiều trò chơi trải nghiệm cùng với người Điếc cũng như thưởng thức các tiết mục văn nghệ sôi động do các thầy cô giáo, trẻ Điếc và cha mẹ biểu diễn bằng Ngôn ngữ ký hiệu.

Ca sỹ Hoàng Bách, đại sứ thiện chí của chương trình chia sẻ “Gia đình tôi đã được làm quen với nhiều em nhỏ Điếc, được nghe về nhiều hoàn cảnh khác biệt, những câu chuyện xúc động và học được thêm ngôn ngữ mới – ngôn ngữ ký hiệu. Ngắm nhìn các em tự tin, vui vẻ diễn kịch trên sân khấu bằng ngôn ngữ riêng khiến cho tôi, ở vị trí một người thầy, một người cha, cảm thấy rất xúc động, thấy vui niềm vui của các em, đồng cảm và thấu hiểu được niềm tin yêu của cha mẹ các em. Các em cũng như bao em nhỏ khác đều thông minh và đáng yêu, chỉ khác chúng ta có giọng nói, còn các em có ngôn ngữ của đôi tay và đó là thứ ngôn ngữ kỳ diệu trong cuộc sống”.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến