Dòng sự kiện:
World Bank: Thuế đất ở Việt Nam quá thấp
15/12/2015 10:50:20
ANTT.VN – Ngân hàng Thế giới nhận định rằng thuế đất ở Việt Nam chưa hợp lý, khiến Ngân sách thất thu, đồng thời không tạo được động lực phát triển cho thị trường BĐS.

Tin liên quan

WB cho rằng thuế đất thấp đang kìm hãm sự phát triển của thị trường BĐS trong nước.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) cùng Chính phủ Việt Nam vừa công bố báo cáo “Nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam: Con đường phía trước” bàn về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nhằm bắt kịp nhu cầu nhà ở đang lên ở Việt Nam hiện nay.

Theo đó, WB phân tích rằng mặc dù tăng trưởng về kinh tế, chất lượng nhà ở của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Gần 20% - tương đương 4,8 triệu hộ gia đình ở Việt Nam vẫn còn đang sống trong điều kiện khó khăn. Trong khi đó, phần lớn nhu cầu mới về nhà ở sẽ tập trung chỉ ở một vài thành phố lớn và các khu công nghiệp. Các vùng đồng bằng sông Hồng, xung quanh Hà Nội, và vùng Đông Nam Bộ, xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ chiếm khoảng 2/3 nhu cầu nhà ở mới.

WB cho rằng sự chuyển dịch cơ cấu từ khu vực nông thôn hướng tới một nền kinh tế sản xuất có năng suất cao hơn và dựa vào dịch vụ sẽ thúc đẩy tăng dân số và gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các thành phố. Tỷ lệ dân số đô thị dự kiến ​​sẽ đạt 50% vào năm 2040, ước tính sẽ cần thêm khoảng 374.000 đơn vị nhà ở tại các thành phố mỗi năm để đáp ứng nhu cầu.

"Đô thị hóa đã được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước trên thế giới, và nhà ở giá hợp lý sẽ là công cụ để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng năng suất và tăng trưởng đô thị cho mọi người ", báo cáo nêu rõ.

Thuế đất quá thấp

Đặc biệt, WB nhận định rằng thuế đất ở Việt Nam chưa hợp lý, khiến Ngân sách thất thu, đồng thời không tạo được động lực phát triển cho thị trường BĐS.

Cụ thể, cơ quan này cho biết mức thuế BĐS của Việt Nam hiện đang rất thấp, góp phần gây ra tình trạng đầu cơ và giá đất ngày càng cao.

Thuế BĐS ở Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Thuế đất chỉ chiếm 2-3% tổng nguồn thu của Nhà nước do thuế suất quá thấp và việc định giá đất thấp hơn giá thị trường của UBND các tỉnh trong Khung giá đất. Điều này làm giảm đáng kể nguồn thu để từ đó cung cấp dịch vụ, hạ tầng và vốn cho các chương trình công”, WB nhấn mạnh.

Trong báo cáo này, WB đã khuyến nghị tăng thuế đất hàng năm hoặc cân nhắc thu thuế bổ sung khi xem xét lại việc triển khai Thuế Đất 2013:

“Chính phủ Việt Nam có thể từng bước tăng thu thuế đất theo giai đoạn, cho phép các chính quyền địa phương quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên đất, giảm tình trạng đầu cơ, tăng ngân sách, và tăng nguồn cung đất cho một thị trường vận hành tốt hơn”.

WB bổ sung rằng để tránh các tác động tiêu cực lên những người có thu nhập thấp, người được quyền sử dụng đất có thể bị thu thêm thuế đối với trường hợp sở hữu nhiều đất hoặc đất rộng hơn dựa trên quyền sử dụng đất đã được phê duyệt, dù có được xây dựng hay không.

Kiến nghị của WB đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh Ngân sách của Việt Nam đang diễn biến xấu đi trong vài năm qua.

WB chỉ ra rằng Ngân sách Chính phủ dựa chủ yếu vào các loại thuế tiêu dùng như thuế GTGT và thuế doanh nghiệp (chiếm 33,4% trên tổng nguồn thu năm 2013). Do sự sụt giảm tín dụng và tiêu dùng nội địa, NSCP đã giảm từ 25,6% GDP năm 2009 xuống mức dự kiến là 20,1% trong năm 2015, khiến thâm hụt Ngân sách tiếp tục diễn biến căng thẳng (ở mức 5,3% trong năm 2013,2014).

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ.

Trao đổi với PV ANTT.VN, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng có cùng quan điểm với WB khi cho rằng Chính phủ nên tăng thuế BĐS để tạo ra nguồn thu bền vững cho Ngân sách trong dài hạn:

“Trong khi nước ta đang rất thiếu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, thì thuế đánh vào BĐS lại quá thấp so với nhiều nước khác, chỉ ở mức 0,03%-0,2%. Do đó rất lãng phí, vừa không đóng góp lớn cho Ngân sách vừa không kích thích được doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có trách nhiệm và hiệu quả với tài sản của mình”.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Xuân Trường cho rằng nên xem xét điều chỉnh thuế đất, đặc biệt đối với các mức thuế suất 0,07% và 0,15% tương ứng với diện tích đất vượt từ trên 1 lần đến 3 lần và trên 3 lần hạn mức sử dụng đất.

“Mức thuế này là thấp, chưa thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, chưa góp phần mạnh mẽ ngăn ngừa hiện tượng đầu cơ đất. Nhiều nước trên thế giới có mức thu khá cao so với Việt Nam: Indonesia 0,5%; Chile từ 1% đến 2%; Mỹ từ 0,2%  đến  4%,  Đài  Loan  (Trung Quốc) từ 0,2% đến 6%”, ông nói.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến