Dòng sự kiện:
5 án tử trong phiên tòa đầu tiên về vụ sát hại nhà báo Saudi
03/01/2019 22:00:56
Công tố viên Saudi Arabia đã đề nghị 5 án tử hình đối với 5 trong số 11 bị cáo trong phiên tòa đầu tiên xét xử 11 nghi phạm của vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Hình ảnh nhà báo Jamal Khashoggi được đưa ra tại buổi cầu nguyện cho ông ở đền thờ Hồi giáo tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) giữa tháng 11/2018. Ảnh: Reuters

Trưởng Công tố Saudi Arabia cho biết hôm nay (3/1), nước này đã mở phiên tòa đầu tiên xét xử 11 nghi can trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng 10/2018.

Theo hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA), phiên tòa diễn ra tại thủ đô Riyadh, toàn bộ nghi phạm đã có mặt tại tòa trong phiên xét xử này.

Hãng tin Reuters cho biết một công tố viên Saudi đã đề nghị 5 án tử hình đối với 5 trong số 11 bị cáo. Thông báo ban đầu không nêu tên của các bị cáo này.

Nhà báo, nhà bình luận chính trị Jamal Khashoggi mất tích từ ngày 2/10/2018, sau khi vào Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 20/10, chính quyền Riyadh thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau "một cuộc ẩu đả" trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu.

Hình ảnh từ một đoạn clip của camera an ninh quay vào sân nhà ông tổng lãnh sự Saudi ở Istanbul. Tờ A Haber của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố đoạn băng này hồi cuối năm 2018 với cáo buộc người đàn ông khệ nệ xách va-li vào nhà và va-li đó chứa phần thi thể của nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: Reuters

Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ 21 người liên quan.

Vụ việc đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Saudi Arabia với các đồng minh phương Tây và làm sa sút uy tín của vương quốc Hồi giáo này trong khu vực.

Nhiều nước (trong đó có Mỹ, Đức, Canada...) đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt một số quan chức Saudi Arabia được cho là có liên đới, cũng như tạm ngừng cấp giấy phép xuất khẩu mới về chuyển giao vũ khí cho Saudi Arabia (như Phần Lan, Đan Mạch...).

Do vụ việc xảy ra trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ nên chính quyền Ankara rất tích cực trong việc kêu gọi đưa vụ việc ra ánh sáng và thậm chí một vài lần rò rỉ các thông tin gây sốc.

Cho đến nay Ankara vẫn tuyên bố không đồng tình với kết luận sơ bộ của Saudi Arabia và khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman là người phải chịu trách nhiệm trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Hôm 24/12/2018, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu còn khẳng định Ankara đang hợp tác với một số nước khác để điều tra vụ sát hại nhà báo Khashoggi cho minh bạch, công tâm.

Ngoại trưởng Cavusoglu cũng kêu gọi giới chức Saudi Arabia chia sẻ thông tin về công tác điều tra vụ việc với "Thổ Nhĩ Kỳ cũng như toàn thế giới". Theo ông Cavusoglu, Ankara muốn Riyadh giải thích về điều gì xảy ra với thi thể nhà báo Khashoggi cũng như ai được giao trách nhiệm xử lý vấn đề này.

Dù phủ nhận không liên quan vụ việc nhưng vào khoảng nửa cuối tháng 12/2018, chính quyền Saudi đã tiến hành nhiều thay đổi nhân sự chính trị và cải tổ bộ máy tình báo.

Theo Tuổi trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến