Dòng sự kiện:
5 rủi ro lớn nhất khi mua Bitcoin
03/07/2021 09:30:53
Bitcoin đã có khởi đầu ấn tượng đầu năm 2021, nhưng việc bất ngờ giảm 47% trong hơn 2 tháng khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ mô hình này.

Trong khi nhiều người ủng hộ đang tiếp tục nắm giữ Bitcoin và chờ thời cơ bùng nổ, một số nhà đầu tư lại đang cảnh báo về sự biến động dữ dội và có thể thổi bay thị trường bất cứ lúc nào.

Theo CNBC, giới chuyên gia tài chính đã chỉ ra 5 rủi ro lớn nhất của tiền mã hóa mà nhà đầu tư sẽ phải đối mặt khi thế giới bước vào nửa cuối năm.

Quy định nghiêm ngặt của các chính phủ

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã kìm hãm ngành công nghiệp tiền mã hóa với việc đóng cửa hàng loạt các mỏ khai thác, làm hoang phí năng lượng của quốc gia. Chính phủ nước này cũng ra lệnh cho hàng loạt ngân hàng và công ty thanh toán trực tuyến lớn như Alipay không được phép kinh doanh các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa.


Trung Quốc yêu cầu đóng cửa tất cả các mỏ khai thác tiền kỹ thuật số. Ảnh: Blockchain News.

Tuần trước, cuộc đàn áp tiền mã hóa toàn cầu đã lan sang Vương quốc Anh, nơi các nhà quản lý đã cấm sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Binance được thực hiện các hoạt động tài chính.

Trả lời CNBC, đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành của công ty tiền mã hóa StormX, Simon Yu nói rằng các động thái của Trung Quốc nên được coi là một điều “tích cực” đối với Bitcoin và các loại đồng tiền khác như Ether vì nó dẫn đến phân tán nhiều hơn. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “quy định quá mức” đối với tiền mã hóa ở Mỹ có thể là một vấn đề nghiêm trọng.

“Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa tìm ra cách điều tiết ngành công nghiệp tiền mã hóa một cách hợp lý. Điều này đôi khi dẫn đến các quyết định khó khăn trong quá trình vận hành”, Simon Yu nhận định.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen và các quan chức khác gần đây đã cảnh báo về việc sử dụng tiền mã hóa cho các giao dịch bất hợp pháp.

Năm ngoái, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã đề xuất một quy tắc chống rửa tiền, yêu cầu những nhà đầu tư tiền mã hóa phải xác minh danh tính nếu họ thực hiện các giao dịch từ 3.000 USD trở lên.

Biến động khôn lường trên thị trường

Bitcoin đã chạm mốc kỷ lục 64.829 USD vào tháng 4/2021, khi Coinbase niêm yết và được định giá tới 112 tỷ USD trên sàn Nasdaq. Đầu tháng 6, Bitcoin bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất 28.911 USD, làm bốc hơi 500 tỷ USD vốn hóa và khiến tâm lý nhà đầu tư rơi vào hoảng loạn.


Bitcoin đã giảm gần một nửa giá trị trong năm nay. Ảnh: Bitcoinist.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu cơ Bitcoin vẫn tin rằng đây thực sự là một loại “vàng kỹ thuật số” khi nó có thể mang lại lợi nhuận đáng kể trong thời kỳ kinh tế hỗn loạn.

“Nguồn cung hạn chế, không có tính thanh khoản, các loại tiền mã hóa đơn lẻ có thể làm trầm trọng thêm sự biến động. Việc ứng dụng hạn chế trong thế giới thực và biến động giá bất thường cũng cho thấy nhiều người mua chỉ đang tìm kiếm lợi nhuận đầu cơ”, công ty tài chính UBS nói với CNBC.

Mối lo về tác động môi trường

Các thiết bị khai thác Bitcoin đòi hỏi rất nhiều điện năng để chạy và mức tiêu thụ năng lượng đã tăng đáng kể trong những năm trở lại đây.

Trong một phát biểu, CEO Tesla Elon Musk đã đặt vấn đề ô nhiễm môi trường lên hàng đầu sau khi giới chuyên gia cho rằng lượng khí thải carbon khổng lồ sẽ khiến hiệu ứng nhà kính trầm trọng hơn.


Các mỏ khai thác tiền mã hóa làm tiêu tốn năng lượng khủng khiếp. Ảnh: The Verge.

Năm nay, hãng xe điện của Musk đã khiến cả thế giới choáng váng khi đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và bắt đầu chấp nhận nó như một phương thức thanh toán.

Không lâu sau, ông trùm công nghệ này lại tiếp tục làm chao đảo thị trường với các tuyên bố tạm dừng thanh toán bằng Bitcoin do việc sử dụng năng lượng “tốn kém” khi khai khác và phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

“Ít nhất thì nó có thể ngăn cản một số nhà đầu tư nắm giữ Bitcoin. Ngoài ra, sự kiện này cũng có thể thúc đẩy sự can thiệp của nhiều chính phủ vào vấn đề khai thác, như đã thấy Trung Quốc”, các nhà phân tích tại Citi nhận định.

Các stablecoin đang bị kiểm soát chặt chẽ

Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston, Eric Rosengren cho biết Tether, loại tiền mã hóa ổn định (stablecoin) uy tín nhất trong thế giới coin, là rủi ro thực sự đối với vấn đề ổn định của hệ thống tài chính.

Tether khẳng định rằng mỗi token của họ đều được hoàn trả bằng USD và ý tưởng này sẽ giúp giữ mức giá ổn định. Các nhà đầu tư tiền mã hóa thường sử dụng Tether để mua tiền kỹ thuật số như một giải pháp thay thế cho USD.

Tether được cho là nhằm mục đích thao túng Bitcoin. Ảnh: NapBots.

Từ lâu, đã có những lo ngại về việc liệu Tether có đang được sử dụng để thao túng giá Bitcoin hay không. Trong một số nghiên cứu, nhiều chuyên gia cho rằng token này đã được sử dụng để hỗ trợ Bitcoin trong những đợt giảm giá mạnh tương tự trong như đợt phá giá năm 2017.

“Tether là một vấn đề lớn. Các cơ quan quản lý dường như không thể ngăn chặn chúng cho đến nay”, Carol Alexander, giáo sư tài chính tại Đại học Sussex, nói với CNBC.

“Các nhà đầu tư cần Tether hoặc tiền mã hóa khác để mở tài khoản và giao dịch. Nhưng vì các quỹ giao dịch lớn đều có trụ sở tại Mỹ, nên Tether là một sự lựa chọn rõ ràng”, Carol cho biết thêm.

“Memecoins” và các trò lừa đảo

Dogecoin, loại tiền mã hóa được tạo ra như một trò đùa, đã đạt mức cao kỷ lục trong đầu năm nay khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô vào tài sản kỹ thuật số để tìm kiếm lợi nhuận.

Có thời điểm, vốn hóa của Dogecoin còn lớn hơn cả hãng xe Ford và các tập đoàn khác của Mỹ, nhờ một phần không nhỏ từ những phát ngôn gây bão của Elon Musk. Tuy vậy, giá trị của đồng tiền này đã mất giá không phanh không lâu sau đó.


Dogecoin từng gây sốt khi vốn hóa có thời điểm lớn cả hãng ôtô Ford. Ảnh: Gadgets.

Không chỉ riêng Elon Musk, đồng tiền mã hóa Titanium được tỷ phú công nghệ Mark Cuban đầu tư cũng đã mất giá xuống gần 0 chỉ sau 12 giờ, khiến nhiều nhà đầu tư hoảng loạn.

“Một mối quan tâm khác là số lượng các trò gian lận xuất hiện liên tục trong suốt cả năm. Với một số đồng memecoin nhất định, chúng tôi đã chứng kiến ​​nhiều hoạt động bơm và bán phá giá, cũng như​ việc ​các nhà đầu tư cá nhân bị cháy túi”, CEO của StormX, Simon Yu cho biết.

Bitcoin từng là một trào lưu khiến cả thế giới phát sốt khi nó được nhận định sẽ trở thành tương lai của ngành tài chính. Tuy nhiên, với các quy định nghiêm ngặt từ nhiều chính phủ và việc thường xuyên bị thao túng về giá đã khiến đồng tiền mã hóa này trở nên rủi ro trong mắt nhiều nhà đầu tư.

Tác giả: Minh Hoàng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến