540 tỷ/1km đường cao tốc: Tôi chỉ nghe giải thích là đi qua nhiều sông ngòi
11/05/2015 11:33:24
ANTT.VN – TS.Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, xây dựng cầu đường, những công trình công ích phải tính chi phí so với lợi ích thực tế mà nó mang lại.

Tin liên quan

TS.Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng (Ảnh: petrotimes.vn)

Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành được coi là tuyến đường có suất đầu tư lớn nhất Việt Nam hiện nay với chi phí bình quân là 540 tỷ đồng một km, PV ANTT.VN đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề này.

Thưa ông, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành có chi phí bình quân mỗi km là 540 tỷ đồng (với 57 km), đây được coi là tuyến đường có suất đầu tư lớn nhất hiện nay, ông có ý kiến đánh giá như thế nào về việc này?

Muốn đánh giá thì phải hiểu thực trạng của tuyến đường ấy, tôi chỉ đọc báo thấy Ban Quản lý giải thích là tuyến này đi qua địa hình nhiều sông ngòi, cho nên phải có nhiều cầu, trong đó cũng có cầu khá lớn. Do đó, đã có cầu thì phải chi phí nhiều tiền hơn đường không có cầu, cho nên tính cả tiền đường, tiền cầu chia đều cho km thì sẽ tốn chi phí cao. Rất khó so sánh với tuyến đường đi qua địa hình thuận lợi hơn, vì vậy muốn đánh giá chắc chắn chuyên gia phải được hiểu rõ tình hình thực trạng, rồi mới có thể đưa ra kết luận được.

Nói mức chi phí là hợp lý hay không hợp lý phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, có thể ở hoàn cảnh này thì hợp lý, hoàn cảnh khác lại có thể không hợp lý, chỉ biết như thế này tôi không thể đưa ra đánh giá là hợp lý hay không hợp lý, có điều xây dựng cầu đường, những công trình công ích thì phải tính chi phí so với lợi ích thực tế mà nó mang lại. Nếu thực tế mang lại rất lớn thì giá thành có cao cũng chẳng sao, nhưng nếu tiết kiệm được ít tiền mà lợi ích không cao thì cũng không nên đầu tư. Lợi ích rất khó suy ra bằng tiền, tuy rằng hiện nay các chuyên gia quốc tế người ta đã có tính ra được, ở ta thì chưa quen việc tính này.

Ông đánh gia như thế nào về chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam hiện nay?

Đường cao tốc là loại đường mới hình thành của Việt Nam, do đó, xong được cái nào thì nên tiến hành tổng kết toàn diện, cả về thiết kế, khảo sát, thi công, giá cả, tiến độ, giải phóng mặt bằng, rồi chất lượng…, nhưng rất tiếc những dự án đó nếu có tổng kết thì cũng  không thấy công bố để làm bài học chung, nhưng mà tôi đang nghi ngờ, có lẽ là cũng không tổng kết. Nói ví dụ con đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, một con đường dài như thế mà xảy ra chất lượng bị nứt, lún ở một vài đoạn nhỏ thì cũng không phải điều gì quá lạ lẫm. Thế nhưng có một chuyện chúng ta ít lưu ý là nhân dân chặn đường để đưa yêu cầu là làm con đường để xuyên qua con đường đó để dân tại địa phương có thể qua lại dễ dàng không bị vướng phải đường cao tốc, cái đó là một yêu cầu rất chính đáng, bởi vì đường cao tốc làm lợi cho cả một khu vực rộng lớn nhưng lại gây thiệt hại cho việc giao thông, cản trở việc giao thông tại địa phương, cho nên ở những vùng đông dân chẳng hạn như vùng Tam giác sông Tô Giang ở Quảng Đông, hay vùng xung quanh Tp.Thượng Hải, Trung Quốc, thì đường co tốc đều đi trên cao, đều là cầu cả, còn phía dưới thông thoáng, để giao thông ở địa phương có thể đi lại dễ dàng, nhất là nông dân có thể đi đến thửa ruộng của mình không phải vòng vèo quá xa.

Nếu trong trường hợp đó thì đường cao tốc quả thực là tốn kém nhưng lợi ích nó đem lại thì rất lớn, chứ còn nếu làm ngay trên mặt đất thì giá thành rất hạ đấy nhưng thiệt hại của giao thông địa phương thì không tính ra được bao nhiêu cả, rất là lớn. Cho nên, giá cả như vậy phải so sánh chi phí và lợi ích mà nó đem lại, đây không phải là ý kiến tôi mà đó là những nguyên tắc để đánh giá dự án của các công trình hạ tầng mà quốc tế đã tổng kết lại.

Để được phê duyệt một suất đầu tư lớn như cao tốc Bến Lức – Long Thành thì sẽ phải qua những bước như thế nào, thưa ông?

Một dự án thì tất nhiên là do bên thiết kế người ta tính toán ra tổng dự toán, chi phí dự kiến. Cái tổng chi phí dự kiến thực ra cũng không phải cách xa lắm với tổng mức đầu tư ở trong báo cáo khả thi.

Ở đây, muốn có một đoạn đường như thế và có xác định tổng mức đầu tư thì nó đã bắt đầu hình thành trong báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi rồi mới thể hiện trong dự toán khi thiết kế công trình, tất cả mọi khâu như thế đều qua thẩm định, xét duyệt, một là thẩm định, xét duyệt một cách đại khái để lọt ra những sai sót, hoặc đã làm đúng rồi việc đội như thế này là do yếu tố khách quan thực sự, cho nên cần phải xem xét một cách toàn diện mới nói được.

Nhưng dù sao thì trong bối cảnh nước ta ngân sách còn eo hẹp, phải đi vay, mượn để đầu tư thì cần phải so sánh thứ tự ưu tiên của các loại công trình, chứ không phải nói là cần hay không cần, cái gì mà chả cần. Có điều, cái này cần trước, cái kia cần sau thì phải chọn đúng cái cần trước để mà làm, tôi thấy về việc này của chúng ta thì không thấy rõ thứ tự ưu tiên này lắm mà cứ lâu lâu lại đột xuất chủ trương nào đó mà không ai ngờ đến cả, không có trong quy hoạch.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Kiều Chinh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến