Tại sao cao tốc Bến Lức – Long Thành có giá hơn 540 tỷ đồng/km?
10/05/2015 17:56:34
ANTT.VN – Theo lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành là tuyến đường có vốn đầu tư lớn bởi ngoài việc tuyến đường này đi qua khu vực nền đất yếu và phải xây dựng hai cầu dây văng thì chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án cũng rất cao.

Tin liên quan

Sơ đồ tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (đường màu xanh), (Ảnh: vnexpress.net)

Thời gian gần đây, dư luận và báo chí dành sự quan tâm khá lớn về việc tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang là tuyến đường có suất đầu tư lớn nhất Việt Nam, với hơn 540 tỷ đồng/km.

Theo báo Giao thông Vận tải, ông Mai Tuấn Anh cho biết, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình giao thông đặc biệt vì có đoạn phải đi qua khu vực sinh quyển rừng Cần Giờ trên nền đất rất yếu nên dù chỉ dài khoảng 57 km nhưng phải xây dựng hai cầu dây văng rất lớn vượt sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp.

Dự án có hơn 20 km cầu cạn, lại là cầu đôi và một phần dự án đi qua đường Vành đai 3 (TP HCM) nên cần đến 8 nút giao. Chi phí mỗi nút giao khoảng từ 500 tỷ đồng đến cả nghìn tỷ đồng. Nếu chỉ nhìn vào khoảng cách 57 km mà không phân tích hết các yếu tố cụ thể sẽ không thấy được. Cùng với đó, vì sự đặc thù của dự án nên phải đấu thầu theo tiêu chuẩn quốc tế để lựa chọn nhà thầu.

Không những vậy, chi phí giải phóng mặt bằng dự án cũng rất cao, các khu vực Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ đã hơn 3.100 tỷ đồng, dự án đi qua kh vực Bình Chánh ảnh hưởng tới 1.180 hộ dân.

Cũng theo ông Tuấn Anh, vốn đầu tư dự án không chỉ riêng ngân sách, vốn ODA mà cả vốn vay với lãi suất không ưu đãi bên ngoài.

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, nếu nói 25,8 triệu USD/km là cao nhưng thực tế không đơn giản vì nếu nhìn con số mà nhận xét cao thì góc độ thông tin chưa đầy đủ và thỏa đáng.

Trả lời vấn đề này, VEC cho biết trên báo Vnexpress.net, việc so sánh suất đầu tư đường cao tốc Việt Nam với một số nước cũng là tương đối bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: đặc điểm của sản phẩm xây dựng; thông tin về các dự án đường cao tốc triển khai tại các nước trong khu vực thu thập còn ít; Việt Nam mới triển khai xây dựng đường cao tốc, trong khi các nước trong khu vực đã có nhiều kinh nghiệm triển khai xây dựng…

Theo báo Tiền Phong, ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban quản lý dự án cho hay, hiện tiến độ xây lắp gói thầu đầu tiên đã đạt gần 10% kế hoạch, Các gói thầu từ A1-A3 sử dụng vốn vay Ngân hàng đầu tư phát triển châu Á đã bàn giao mặt bằng vào đầu tháng 3/2015. Riêng gói thầu A4 và các gói thầu thuộc phần đoạn tuyến phía Đông (thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai) dự kiến đấu thầu trong Quý 4/2015 và thi công xây lắp trong Quý 1/2016.

Theo BQL dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành phải xây 2 cầu lớn cắt ngang tuyến hàng hải quốc tế nên độ tĩnh không thông thuyền cao 55 m (cao hơn cầu Phú Mỹ 10 m) và phải làm cầu dây văng chứ không thể làm cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu như cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.

Cũng theo báo Giao thông vận tải, Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, suất đầu tư 25,8 triệu USD/km của dự án này đã được Bộ GTVT rà soát kỹ lưỡng. Theo đó, Bộ GTVT đã giao Cục QLXD&CLCTGT rà soát, điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang (giảm chiều rộng làn xe, làn dừng khẩn cấp…), điều chỉnh vận tốc thiết kế từ 120 km/h xuống 100 km/h với kinh phí ước tính giảm khoảng 2.789 tỷ đồng.

Bộ GTVT cũng đã yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh chiều dài nhịp dây văng cầu Bình Khánh từ 460 m thành 375 m, cầu Phước Khánh từ 375 m thành 300 m, đồng thời chuyển kết cấu dầm cầu Bình Khánh từ dầm thép thành dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, điều chỉnh thiết kế mặt đường… với kinh phí giảm khoảng 7.000 tỷ đồng. Nếu sử dụng kết cấu dầm thép như yêu cầu thiết kế của phía Nhật Bản đưa ra ban đầu, chắc chắn suất đầu tư của dự án này sẽ không dưới 30 triệu USD/km.

Thiên Di (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến