Dòng sự kiện:
5,5 tỷ USD bị rút khỏi quỹ thị trường mới nổi toàn cầu từ tháng 7
25/09/2018 11:58:29
SSI Retail Research cho rằng xu hướng đi ngang tại các TTCK trong khu vực sẽ duy trì, thậm chí bị thách thức khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xấu đi.

Theo báo cáo mới đây về dòng vốn toàn cầu tháng 9 của Bộ phận phân tích khối khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Retail Research), xu hướng dòng vốn vẫn tiếp tục chảy vào cả Mỹ và Trung Quốc trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng và chứng khoán giảm điểm diễn ra đồng loạt ở các TTCK trong khu vực.

Tại Trung Quốc, trong 13 tuần kể từ giữa tháng 6 đến nay, chỉ có 2 tuần các quỹ này bán ròng với giá trị dòng tiền chảy ra (outflow) nhỏ. Tuần ngay sau khi Mỹ áp thuế đợt 1 (tháng 6) và đe dọa áp thuế đợt 2 (tháng 9), dòng tiền vào lại tăng mạnh lên trên 1 tỷ USD, gấp nhiều lần những tuần liền trước.

Chiến tranh thương mại nổ ra nhưng tác động đến tăng trưởng kinh tế Mỹ là không đáng kể cũng bởi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm 0,9% GDP của Mỹ. Hay như trường hợp của đỗ tương, dù bị Trung Quốc áp thuế 25% từ tháng 6 nhưng xuất khẩu đỗ tương của Mỹ không có dấu hiệu giảm khi Mỹ và Aghentina là nguồn cung chính.

Dòng vốn do đó có lý do để tiếp tục đổ vào Mỹ. Trong 4 tuần gần nhất, giá trị mua ròng ở thị trường này là 9,1 tỷ USD. Đây là nơi có sức hút với dòng vốn rõ nhất khi so sánh với các nhóm thị trường còn lại. Trong các thị trường phát triển, thị trường Tây Âu bị rút vốn liên tục còn thị trường Nhật thêm bớt không đáng kể từ tháng 4.

Tính chung từ đầu tháng 7 đến nay, tổng dòng vốn chảy vào ở các quỹ cổ phiếu của Mỹ là 20,7 tỷ USD, trong khi nhóm quỹ thị trường mới nổi toàn cầu (GEM) bị rút 5,5 tỷ USD.

Nhóm quỹ GEM bị rút 5,5 tỷ USD từ đầu tháng 7 đến nay

Quỹ GEM cả 4 tuần đều bị khối ngoại rút ròng. Theo báo cáo này, chiến tranh thương mại giai đoạn 2 hiện rõ đã khiến dòng vốn chảy ra trong tuần gần nhất ở nhóm quỹ GEM tăng lên 1,6 tỷ USD, cao nhất 11 tuần.

Ở các nước trong khu vực, hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng và chứng khoán giảm điểm diễn ra đồng loạt. Thống kê giao dịch của khối ngoại tại các thị trường trong khu vực của bộ phận phân tích của SSI cho thấy một điểm tương đồng là các NĐTNN mua ròng trong tháng 1 và chuyển sang bán ròng kể từ tháng 2.

Việc bán ròng của NĐTNN tại các thị trường đã xuất hiện trước khi dòng vốn chảy ra trở nên rõ rệt (tháng 4) cho thấy không phải do đồng USD lên giá (tháng 4) hay chiến tranh thương mại (tháng 6), mà đến từ cú giảm sâu của TTCK Mỹ vào đầu tháng 2 sau báo cáo việc làm khả quan (làm tăng khả năng FED nâng lãi suất). Báo cáo nhận định đây là khởi đầu cho xu hướng bán ròng và rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.

Diễn biến trái chiều của chứng khoán Mỹ và các thị trường mới nổi. (Nguồn: SSI Retail Research)

Xu hướng mua/bán ròng của khối ngoại đã có ảnh hưởng đến TTCK trong khu vực. Tất cả chỉ số chứng khoán đạt đỉnh vào tháng 1 và bắt đầu giảm dần từ tháng 2. Cho đến thời điểm hiện tại, các chỉ số vẫn chưa quay lại vùng đỉnh đã thiết lập trong khi S&P500 là đã vượt đỉnh tháng 1 khoảng 1,98%.

Sau những tháng đầu bán ròng mạnh, tốc độ bán ròng ở một số thị trường như Indonesia và Hàn Quốc đã giảm bớt, tuy nhiên xu hướng chung của các chỉ số chứng khoán vẫn là đi ngang.

Như vậy có thể thấy dù các thị trường có những nền tảng cơ bản riêng, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi giao dịch của NĐTNN và rộng hơn là xu hướng dòng vốn trên toàn cầu.


Chỉ số chứng khoán và lũy kế mua bán ròng của NĐTNN tại các thị trường chứng khoán trong khu vực. (Nguồn: SSI Retail Research)

SSI Retail Research nhận định các TTCK trong khu vực nhiều khả năng sẽ duy trì ở xu hướng đi ngang như hiện tại.

Nguyên nhân khiến thị trường mới nổi khó trở nên hấp dẫn cũng chính bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và khó sớm chấm dứt do Mỹ coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế và lợi ích của Mỹ. Không những vậy, chiến tranh thương mại còn đang lây lan và chủ nghĩa bảo hộ trở thành một công cụ sử dụng thường xuyên hơn, điển hình như trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguyên nhân thứ ba là bởi kinh tế Trung Quốc đang trên đà giảm tốc có thể còn giảm tốc sâu và nhanh hơn do chiến tranh thương mại. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất (khả năng nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018 đã tăng lên 80%) sẽ làm đồng tiền của các thị trường mới nổi mất giá và thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed khiến giảm nguồn cung tiền giá rẻ cho đầu tư mạo hiểm.

Cuối cùng, dòng vốn khi rút khỏi thị trường mới nổi sẽ bị sức hút Mỹ giữ lại. Kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn hoàng kim với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất hàng thập kỷ (3,9%).

Xu hướng đi ngang cũng có thể sẽ bị thách thức khi tác động của chiến tranh thương mại lên tăng trưởng của Trung Quốc cũng như toàn cầu rõ hơn vào quý IV.

Theo Người Đồng Hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến