Dòng sự kiện:
6 công ty chiếm phân nửa thị phần môi giới chứng khoán
06/07/2022 06:24:36
Nhóm công ty dẫn đầu tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động với tổng thị phần tăng lên trên 68% trong quý II dù thị trường chung không mấy thuận lợi.

Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố top 10 thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm quý II và bán niên 2022 với sự mở rộng về quy mô của nhóm dẫn đầu.

Quý vừa qua ghi nhận một số biến động đáng chú ý là thị phần của Chứng khoán VPS đã hạ nhiệt. Đơn vị kinh doanh này chỉ còn chiếm 17,1%, giảm rất đáng kể so với con số quý đầu năm nhưng vẫn dẫn đầu 5 quý liên tục và cách khá xa nhóm phía sau.

Chứng khoán SSI cũng duy trì vị thế đứng tiếp theo nhưng thị phần đã có sự nhích lên trong quý II với mức trên 10%. Trong khi VNDirect vẫn đứng ở vị trí thứ 3 nhưng giảm nhẹ về 7,96%.

Sự xáo trộn xảy ra ở vị trí thứ 4 khi Chứng khoán TP.HCM (HSC) bứt phá lên 6,06% về thị phần môi giới, đồng thời đẩy ngược Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) về thứ hạng phía sau với con số 5,37%.

Có thể thấy thị phần của top 6 công ty dẫn đầu là khá lớn khi đã chiếm hơn 51,6% tổng giao dịch toàn thị trường trong quý II, tiếp tục mở rộng nhẹ so với quý liền trước.

Một sự xáo trộn khác là Chứng khoán Bản Việt (VCSC) lấy lại đà tăng thị phần lên mức 4,94% để chiếm vị trí thứ 7 trong danh sách trên, điều đó đẩy MBS xuống phía sau dù đơn vị này cũng có mức tăng nhẹ.

Tổng thị phần của top 10 tiếp tục gia tăng lên mức 68,05% trong quý gần nhất. Điều đó cho thấy các công ty lớn đang tiếp tục lấy thêm thị phần từ nhóm công ty nhỏ hơn dù thị trường chung không mấy thuận lợi.

Chứng khoán Việt Nam ghi nhận đà lao dốc kể từ đầu tháng 4 đến nay do nhiều yếu tố tác động. VN-Index giảm đến 20% so với vùng đỉnh để bước vào thị trường giá xuống, thanh khoản cũng teo tóp do sự ảm đạm về mặt chỉ số.

Việc các chỉ số đi xuống khiến giá trị vốn hóa toàn thị trường cũng bốc hơi trông thấy với mức giảm hơn 1,22 triệu tỷ đồng (tương đương 52 tỷ USD). Trong đó, riêng sàn HoSE đánh mất gần 1,08 triệu tỷ đồng (khoảng 46 tỷ USD).

Thanh khoản cũng diễn biến tiêu cực khi giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE chỉ đạt 17.113 tỷ đồng/phiên, tức giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái; đặc biệt là có một số phiên khớp lệnh chưa đến 10.000 tỷ đồng.

Dù thị trường không mấy thuận lợi nhưng số lượng nhà đầu tư mở tài khoản lại tăng đột biến, tháng 5 bùng nổ với gần nửa triệu tài khoản mở mới trên toàn thị trường. Tổng số lượng mở mới 5 tháng đầu năm gần 1,38 triệu tài khoản, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái và xấp xỉ mức kỷ lục của cả năm 2021.

Tính chung nửa đầu năm, thị phần của các công ty chứng khoán trên không có thay đổi nhiều với tổng giá trị của nhóm dẫn đầu đạt 67,35%. Thứ hạng của các đơn vị cũng không có biến động so với quý II.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến