Dòng sự kiện:
Nghề môi giới chứng khoán: Mong hợp đừng tan
02/02/2022 21:03:41
Trong bối cảnh thị trường đi lên, thu nhập tăng và hoạt động đầu tư của môi giới sinh lãi, nhưng họ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn và đối diện với nguy cơ đào thải sau khi chu kỳ thị trường thuận lợi trôi qua.

Hân hoan nhưng nhiều suy ngẫm

Năm 2021 đã khép lại một cách mĩ mãn với cả nhà đầu tư cũ lẫn mới và đương nhiên cũng mĩ mãn với hầu hết những người hành nghề chứng khoán.

Gần đây, một trong những hình ảnh bắt gặp phổ biến nhất của dân môi giới chứng khoán khi lướt trên mạng xã hội là nét mặt tươi vui, hân hoan của đồng nghiệp với những buổi liên hoan tổng kết, tất niên. Sau một năm “chiến đấu” với thị trường và hầu hết đều có được thành quả, chuyến đi chơi xa và các buổi tiệc tùng cùng đồng nghiệp là cách để nhân viên môi giới tự thưởng cho mình.

Tuy nhiên, trong niềm hân hoan đó, có những vấn đề đáng suy ngẫm. Thị trường xuất hiện nhiều nhóm môi giới trẻ, đóng góp lớn vào doanh số. Các bạn trẻ này rất năng động, nhạy bén, đón đầu làn sóng nhà đầu tư đông đảo, có số vốn nhỏ như sinh viên mới ra trường, nhân viên văn phòng… Cách thức tư vấn phổ biến là tập hợp nhà đầu tư thành các nhóm rồi tư vấn theo dòng tiền, cố gắng xoay vòng dòng vốn nhanh. Theo đó, người tư vấn đặt trọng số lớn cho dòng tiền, ít quan tâm đến yếu tố cơ bản doanh nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá cổ phiếu ngày càng biến động, bởi những thái cực của tâm lý đầu tư. Dưới áp lực doanh số, nhiều người làm tư vấn cũng phải cân nhắc đánh đổi hiệu quả đầu tư của khách hàng với mức độ sử dụng nợ vay ký quỹ và tần suất giao dịch.

Nhiều công ty chứng khoán đã và đang thực hiện chính sách phát triển cộng tác viên.

Trong vòng 2 năm qua, dưới tác động của dịch Covid-19, các khóa đào tạo chứng chỉ chứng khoán hầu như không được triển khai, do đó số lượng chứng chỉ ngành nghề được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp mới gần như không có. Điều đó khiến cho số lượng nhân sự có chứng chỉ hành nghề không tăng, trong khi quy mô thị trường lớn hơn trước rất nhiều. Không phải tất cả những người hành nghề không được cấp chứng chỉ đều không có kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nhưng chứng chỉ hành nghề vẫn rất quan trọng, là chuẩn cơ bản nhất để chứng minh cá nhân có đủ năng lực hành nghề môi giới. Việc một lượng lớn người mới hành nghề thuộc nhiều ngành nghề khác nhau trước đó gia nhập thị trường khiến chất lượng đội ngũ tư vấn không được đảm bảo.

Một môi giới chia sẻ, các khuyến nghị với khách hàng có lúc sai, nhưng nhìn vào chuyển động của thị trường trong 2 năm vừa qua (2020 - 2021) có thể thấy, phần lớn nhà đầu tư sinh lời, dù một số tài khoản cũng bị ảnh hưởng do “va vào” những cổ phiếu đầu cơ sai nhịp. Với các môi giới, niềm vui lớn của họ là nhìn thấy tài khoản của khách hàng liên tục sinh lời.

Trong năm qua, lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản ghi nhận con số 1,5 triệu, cao kỷ lục. Không ít người “mới toanh” nên quyết định giao dịch phụ thuộc phần lớn vào sự tư vấn của môi giới, vốn có nhiều thông tin và kinh nghiệm.

Mô hình kinh doanh có biên lợi nhuận mỏng

Thị trường sôi động giúp các công ty chứng khoán lãi lớn, nhưng xét riêng mảng nghiệp vụ môi giới chứng khoán (không tính các dịch vụ kèm theo như cho vay ký quỹ, quản lý tài sản…) thì đây là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận mỏng.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, đối với hoạt động môi giới chứng khoán, đầu vào quan trọng nhất chính là yếu tố con người và con người được xem là những nhà cung ứng chủ chốt trong hoạt động kinh doanh. Áp lực cạnh tranh từ yếu tố “nhà cung ứng” - yếu tố đầu vào đầu tiên, ngày càng gay cấn. Hiện nay, các môi giới lành nghề có nhiều công ty chứng khoán để lựa chọn với xu hướng chính sách hoa hồng ngày càng cao và sẵn sàng nhảy việc khi chế độ đãi ngộ của công ty có dấu hiệu kém đi. Về các kênh đầu tư thay thế, kênh chứng khoán phải cạnh tranh với các kênh khác như tiền gửi, trái phiếu, hàng hóa, tiền số… Tất nhiên, kênh chứng khoán có những nét hấp dẫn riêng trong góc nhìn này. Về phần khách hàng, sản phẩm của các công ty chứng khoán không có nhiều khác biệt, nhà đầu tư dễ dàng chuyển đổi tài khoản giữa các công ty và lựa chọn đơn vị có dịch vụ tốt nhất, phí rẻ nhất. Cạnh tranh trong ngành đang ở mức cao và dự kiến sẽ ngày càng gay gắt với sự xuất hiện của những đối thủ tiềm năng, đặc biệt là công ty chứng khoán có vốn nước ngoài.

Trước áp lực cạnh tranh đó, hướng đi phổ biến của các công ty chứng khoán để giành thị phần là tăng tỷ lệ hoa hồng và các cơ chế đãi ngộ nhằm thu hút nhân sự giỏi. Cùng với đó, công ty nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ phí giao dịch để thu hút khách hàng.
 
Chiến lược kinh doanh này dẫn đến biên lợi nhuận bị thu hẹp. Hoạt động môi giới truyền thống ở các công ty chứng khoán sau khi chi trả tỷ lệ hoa hồng cao cho nhân viên và thưởng vượt doanh số cho các cấp quản lý, còn gánh thêm chi phí lương và các chi phí cố định, nên lợi nhuận còn lại cho công ty rất thấp.

Hiện tại, thanh khoản thị trường tăng mạnh và doanh số của hầu hết nhân viên môi giới vượt xa điểm hòa vốn, mô hình kinh doanh môi giới mới ghi nhận lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, khi thị trường gặp bất lợi, áp lực doanh số đối với đội ngũ môi giới sẽ rất lớn, nguy cơ bị đào thải ở mức cao (khi doanh số ở dưới điểm hòa vốn).

Mong đừng hợp rồi lại tan

Không ít người trong nghề nhận xét, môi giới chứng khoán là một nghề đặc biệt về mặt cảm xúc. Sống trong một thị trường biến động mỗi ngày, một môi trường đầy cơ hội nhưng cũng đầy cám dỗ, một thị trường không thiếu sự thăng hoa nhưng cũng không ít trắc trở, khiến tình cảm, cảm xúc trong nghề được đẩy lên đến giới hạn.

Môi giới chứng khoán là một nghề đặc biệt về mặt cảm xúc. Niềm vui lớn của họ là nhìn thấy tài khoản của khách hàng liên tục sinh lời.

Tình đồng nghiệp trong nghề cũng tương tự như vậy, thân thiết và gắn kết đến lạ thường. Trải qua sóng gió cùng nhau nên không chỉ dừng ở mối quan hệ đồng nghiệp, mà họ xem nhau như những người anh em thân thiết.

Mặc dù vậy, nghề chứng khoán từ trước đến nay đôi khi rất bạc, khó tập hợp và dễ tan rã. Những lần thị trường tạo đỉnh là những lần chứng kiến nhiều cuộc chia ly ngoài ý muốn.

Làn sóng cắt giảm nhân sự môi giới chứng khoán gần nhất là sau khi thị trường tạo đỉnh năm 2018. Khi thị trường lao dốc với thanh khoản sụt giảm, cuộc đào thải nhân sự môi giới diễn ra mạnh mẽ. Số lượng nhân viên tại một số công ty chứng khoán giảm nhanh, một phần vì không trụ lại được ở công ty cũ, một phần họ đi tìm cơ hội ở những công ty mới trong ngành. Con số cắt giảm nhân sự tại các công ty tốp đầu như SSI, VNDIRECT, HSC... trong năm 2019 không thể hiện hết mức độ thanh lọc tàn khốc khi đó, bởi ngoài đội ngũ nhân viên chính thức còn là đội ngũ đông đảo các cộng tác viên và cả những sinh viên tập sự, sinh viên mới ra trường mang trong mình giấc mơ làm nghề chứng khoán nhưng buộc lòng phải rẽ ngang.

Tiệc vui nào cũng có lúc tàn và chu kỳ tăng giá nào rồi cũng đến hồi kết. Để tồn tại, trụ lại trong thị trường giá xuống, điều quan trọng nhất đó là nền tảng kiến thức tư vấn để cá nhân và khách hàng phân bổ tài sản hợp lý, đưa ra những quyết định chính xác nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn. Ở một góc nhìn rộng hơn, hệ sinh thái sản phẩm của các công ty chứng khoán cần phát triển sâu rộng hơn trong chuỗi các tài sản, để nghề tư vấn cổ phiếu có thể nâng tầm thành con đường quản lý tài sản, mang lại giá trị cho khách hàng trong bất kỳ bối cảnh vĩ mô, chu kỳ kinh tế nào.

Tác giả: Hải Vân

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến