Dòng sự kiện:
60% ngân hàng Việt Nam có tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng
07/02/2019 06:29:15
Theo số liệu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, 60% các ngân hàng tại Việt Nam có tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, thuộc nhóm quy mô lớn.

Từ ngày 1/4, Thông tư 52 Quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chính thức có hiệu lực thi hành, bãi bỏ Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ngày 12/3/2008 sau 11 năm được áp dụng.

Giữ nguyên chủ trương trong Dự thảo trước đó, quy định mới đã loại bỏ quy định công khai kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng. Dù việc công bố công khai chưa được thực hiện, Quyết định 06 trước đây đã yêu cầu Thanh tra NHNN có trách nhiệm công bố kết quả xếp loại chính thức trên Website của NHNN.

Còn theo Thông tư 52, đối với việc quản lý kết quả xếp hạng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp kết quả xếp hạng cho bên thứ ba bằng hình thức nào. Ngay cả ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng sẽ không được biết.

Phía các cơ quan quản lý khi lưu trữ và sử dụng kết quả xếp hạng theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng.

Theo giải thích của cơ quan soạn thảo dự thảo Thông tư mới trước đây, nguyên nhân không công khai thông tin này là bởi tính chất nhạy cảm của việc công bố và chất lượng của việc xếp loại cũng chưa được bảo đảm chính xác, chủ yếu dựa vào kết quả tự xếp loại do các ngân hàng thương mại cổ phần báo cáo. Ngoài ra, chưa có quốc gia nào mà cơ quan quản lý công bố kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng.

Quy định mới đưa ra 6 nhóm chỉ tiêu với tỷ trọng trong cơ cấu điểm thành phần khác nhau. Chất lượng tài sản được đánh giá với trọng số cao nhất (30%). Chỉ tiêu vè vốn, kết quả hoạt động kinh doanh đều có trọng số 20%. Nhóm tiêu chí có tỷ trọng thấp hơn là khả năng thanh khoản, quản trị điều hành và mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.

Mỗi tiêu chí trên sẽ được đánh giá qua cả chỉ tiêu định lượng và định tính. Phần lớn các chỉ tiêu đo đạc được bằng các con số sẽ có trọng số lớn hơn. Riêng với tiêu chí quản trị điều hành, nhóm chỉ tiêu định tính lại chiếm tỷ trọng áp đảo.

Thứ hạng các ngân hàng quy mô lớn theo giá trị tổng tài sản năm 2017

NHNN cũng sẽ không đánh đồng các đối tượng khi chấm điểm các chỉ tiêu. Thang điểm chấm sẽ được phân loại theo 6 nhóm tổ chức tín dụng gồm: NHTM quy mô lớn (tổng giá trị tài sản bình quân theo quý trong năm xếp hạng trên 100.000 tỷ đồng); NHTM quy mô nhỏ; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Công ty tài chính;Công ty cho thuê tài chính; Ngân hàng hợp tác xã.

Với tiêu chuẩn về giá trị tổng tài sản, NHNN chia nhóm các ngân hàng thương mại thành hai nhóm, áp dụng thang điểm khác nhau khi xét xếp hạng vào các ngưỡng. Theo số liệu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, 60% các ngân hàng tại Việt Nam có tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, thuộc nhóm quy mô lớn.

Có hơn 10 các ngân hàng có quy mô dưới 100.000 tỷ đồng theo thống kê tổng tài sản năm 2017, bao gồm BacABank, ABBank, OCB, NCB, VietABank, BaoVietBank, VietBank, VietCapitalBank, KienLongBank, PGBank và SaigonBank. PGBank là một trong các ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ nhất hệ thống. Tuy nhiên, tương lai gần, nhà băng này sẽ sáp nhập vào HDBank. Thương vụ này đã được NHNN chấp thuận và đang trong quá trình triển khai.

Quy mô tổng tài sản liên tục có sự thay đổi. Nhưng nhìn chung, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước (Big 4) luôn là các ông lớn có quy mô lớn nhất. Tổng giá trị tài sản của BIDV, AgriBank, VietinBank, Vietcombank chiếm khoảng 1/3 tài sản của 31ngân hàng thương mại (không kể 3 ngân hàng 0 đồng và DongABank).

Theo số liệu cập nhật đến hiện tại, đã có 19/31 ngân hàng công bố tổng tài sản năm 2018. Trừ SaigonBank giảm quy mô, các nhà băng khác đều mở rộng giá trị tài sản. VietBank, Techcombank là những ngân hàng tăng tài sản nhanh nhất, lần lượt đạt 24% và 19% trong năm nay.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến