Ngày 4/8, Sở Công Thương Hà Nội thông tin về tình hình đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa phục vụ người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo cơ quan này, nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa những ngày qua nhưng việc đáp ứng thực phẩm, hàng hóa cho người dân vẫn được đảm bảo.
Hai hướng chỉ đạo của Hà Nội
Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn Hà Nội, Sở Công Thương đưa ra hai hướng chỉ đạo. Thứ nhất, rà soát lại các vùng trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn TP để cơ cấu tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi, nhất là mặt hàng rau ăn lá, củ, quả, trứng gia cầm…
Các mặt hàng này cần phù hợp nhu cầu tiêu dùng người dân trong phòng chống dịch, nhằm đảm bảo nguồn tự cung cao nhất cho Hà Nội.
Nhiều chợ đầu mối ở Hà Nội phải đóng cửa do có các ca mắc Covid-19 là tiểu thương. Ảnh: Đức Anh.
Thứ hai, ngành chức năng của Hà Nội tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành phố cung cấp hàng hóa cho thành phố qua các kênh phân phối nhằm cân đối cung cầu, đảm bảo đủ nhu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Với phương án này, Sở Công Thương Hà Nội đã rà soát nguồn hàng các tỉnh đang cung cấp trọng tâm là với 21 tỉnh, thành phố phía bắc trong Ban điều phối chuỗi cung ứng rau, thịt, thực phẩm an toàn cho Hà Nội. Đồng thời, thành phố tập trung khai thác nguồn hàng gần 800 chuỗi, các doanh nghiệp chế biến lớn, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã của các tỉnh, thành phố để đưa về Hà Nội.
Mở nhiều điểm bán hàng thiết yếu
Thời gian qua, dịch bệnh đã khiến 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội phải tạm dừng hoạt động. Để đảm bảo được nguồn cung và tiếp tục phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, UBND Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết nhiều hệ thống tăng lượng dự trữ lên trên 50% so với bình thường, đổi mới các hình thức kinh doanh như tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/7...
Ngoài ra, một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công xuất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối. Sở Công Thương đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát lại nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, nắm nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân để chỉ đạo các hệ thống phân phối thu mua giúp người dân hạn chế đi lại, đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn và đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa cho thành phố.
Hà Nội mở nhiều điểm bán hàng lưu động để đảm bảo cung cấp kịp thời nhu yếu phẩm cho người dân. Ảnh: Việt Linh.
Hiện, Sở Công Thương đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch Covid-19, trong đó mỗi phường/xã ít nhất tổ chức thêm một điểm bán. Những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên.
Địa phương ở các cửa ngõ ra vào thủ đô được yêu cầu rà soát các điểm đất trống, sân vận động, bến xe (đang dừng hoạt động), các chợ đang hoạt động chưa hết công suất… để làm nơi trung chuyển hàng hóa, giãn cách cho các chợ đầu mối đang dừng hoạt động.
Số liệu từ Sở Công Thương cho thấy Hà Nội hiện có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được niêm yết, công khai. Ngoài ra, cơ quan này sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.
Bên cạnh đó, UBND Hà Nội cũng xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa, chỉ đạo lực lượng chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông. Tính đến hết ngày 3/8, Sở GTVT Hà Nội đã cấp được 1.443 xe ôtô; cấp mã xác nhận cho 4.351 xe mô tô hai bánh phục vụ giao nhận, vận chuyển cho các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết thành phố đã đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân. Trong 2 ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội (24-25/7), sức mua của người dân tại các hệ thống phân phố tăng bình quân 30% so với ngày thường. Từ ngày thứ 3 trở đi, hoạt động mua sắm của người dân trở lại bình thường.
Tác giả: Mỹ Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy