9 tháng: Gian lận thương mại tăng gần 30%
22/11/2015 13:40:51
ANTT. VN – Con số được công bố tại hội thảo “Chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trong hội nhập AFTA, TPP” diễn ra mới đây cho biết: trong 9 tháng 2015 các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý 149.926 vụ việc vi phạm, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Tin liên quan

Lực lượng chức năng đang kiểm tra phát hiện hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại (ảnh minh họa)

Chế tài chưa nghiêm

Tại hội thảo nói trên do Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP.Hà Nội tổ chức sáng 20.11, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) ông Đỗ Thanh Lam – thừa nhận, thời gian qua dù đã huy động chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra xử lý nhiều vụ việc, song tình trạng vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống người dân.

Theo đánh giá của ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi của các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các đối tượng, đường dây ổ nhóm liên quan đến buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên tuyến biên giới phía Bắc.

Để minh chứng, ông Hùng đã đưa ra những con số “biết nói” về công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại: trong 9 tháng 2015 các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý 149.926 vụ việc vi phạm, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2014; số thu nộp ngân sách nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính ước đạt 8.759 tỷ, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái; khởi tố 897 vụ. 

Trong đó nổi trội là các mặt hàng cấm, có thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao hoặc các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm, ma túy, thuốc nổ…

Các mặt hàng làm giả nổi cộm là những hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng như thực phẩm, gồm mì chính, bánh mứt kẹo, đồ uống, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi), dược phẩm, hàng hoá tiêu dùng, đồ điện gia dụng, vật liệu xây dựng...

Đặc biệt, cơ quan chức năng đang phải đối mặt với một thực trạng là “nội địa hóa hàng giả”: bánh kẹo Trung Quốc được nhập nguyên liệu rồi đóng gói ở Việt Nam, dán mác Việt Nam. Tương tự như vậy, bóng đèn Trung Quốc dán mác Rạng Đông. Nhận định được tình trạng trên, song ông Nguyễn Công San – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản thị trường Hà Nội thừa nhận việc xử lý vi phạm vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Thậm chí còn xuất hiện cả yếu tố nước ngoài móc nối với các cá nhân, doanh nghiệp trong nước hình thành đường dây làm hàng giả mạo xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu nổi tiếng trong nước. Hàng giả cũng được sản xuất theo đơn đặt hàng, trà trộn vào hàng thật, nguỵ trang trong bao bì thật nên rất khó phát hiện.

Tại Hội thảo, ông Henry Nishikawa, giám đốc hãng BMB Nhật Bản cũng cho biết khi vào Việt Nam, BMB phải đối mặt với vấn nạn hàng giả vô cùng nan giải. Hiện nay các sản phẩm của công ty đang bị làm giả rất tinh vi.

Những doanh nghiệp làm ăn không chân chính không chỉ làm giả sản phẩm mà cả bản hiệu, logo, tem nhãn. Trong quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cũng tuyên bố là đại diện chính thức của công ty, nhà phân phối độc quyền, giá bán gần như gần bằng sản phẩm thật…khiến người tiêu dùng rất dễ bị lừa.

Một trong những nguyên nhân theo ông San là chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

“Hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cụ thể về thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, song trên thực tế, việc cưỡng chế hầu như không thực hiện được vì còn... chờ văn bản hướng dẫn. Điều này khiến cho đối tượng bị xử phạt không chấp hành quyết định cũng không bị xử lý mà còn tiếp tục vi phạm, gây bức xúc người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính” – ông San cho biết.

Chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Không có vùng cấm

Đó là khẳng định của ông Trần Hùng – Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - về cuộc chiến chống hàng giả, hàng cấm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu.

Đại diện phòng WTO, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, sớm nhất là tới năm 2018, VN sẽ phải mở cửa hội nhập với mức thuế suất gần như 100% mặt hàng sẽ về 0%. Tuy nhiên, hàng hoá 12 nước thành viên TPP không đáng lo, nhưng đáng lo hơn cả là chặn hàng hoá kém chất lượng từ Trung Quốc thẩm lậu vào VN bằng nhiều con đường dù nước này chưa phải là thành viên TPP. Bởi vậy, cần phải thống nhất cơ chế phối hợp với các nước thành viên trong việc minh bạch hoá thủ tục hải quan, truy suất nguồn gốc xuất xứ hàng hoá để tiện việc xử lý hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại.

Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San thẳng thắn: Khó khăn của các lực lượng chức năng hiện nay, là không nhận được sự hợp tác của các doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái do lo ngại người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm. Mặt khác về phía người tiêu dùng còn một bộ phận không nhỏ do điều kiện kinh tế, nhận thức hạn chế đã “tiếp tay” tiêu thụ hàng giả, biết là hàng nhái, nhưng do giá rẻ, phù hợp túi tiền nên vẫn sử dụng. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng làm giả lợi dụng, câu kết với các DN nước ngoài sản xuất hàng giả tung ra thị trường. Vì vậy, hãy là người tiêu dùng thông minh để hàng giả, hàng lậu hết đất sống – ông San chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Lâm, Cục Phó Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động, nâng cao tính tự giác hơn nữa để bảo vệ mình. Hiện nay có hiện trạng, doanh nghiệp đang phó mặc việc bảo hộ đó cho cơ quan thực thi.

Do đó, ông Lâm kiến nghị, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiên cứu, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh, phải tạo được những sản phẩm có tính cạnh tranh, và có ý thức xây dựng và bảo vệ tài sản bằng cách đăng ký sở hữu trí tuệ.

Lấy câu chuyện bõ đũa, ông San muốn nhắn nhủ các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau một cách chặt chẽ, Hiệp hội phải phát huy vai trò của mình để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

P.V (t/h)


 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến