Tin liên quan
Ngân hàng ACB đã dụng kế “ve sầu thoát xác” cho 600 tỷ đồng tiền gửi?
Diệu kế “ve sầu thoát xác”
“Khoản tiền gửi 600 tỷ đồng này đã được tất toán trong Quý I/2015 và không còn ảnh hưởng gì đến hoạt động của ACB” – Chủ toạ Đoàn đã giải thích như vậy trước chất vấn của các cổ đông ACB về khoản tiền gửi ngân hàng 600 tỷ đồng lâu ngày vẫn chưa thể thu hồi trong ĐHCĐ thường niên 2015 mới diễn ra vào cuối tháng 4 vừa rồi.
Nhưng thực tế mọi chuyện có đúng là “không còn ảnh hưởng gì đến hoạt động của ACB” như lời giải thích mà lãnh đạo có trách nhiệm của ngân hàng Á Châu đã phân trần.
Báo cáo tài chính hợp nhất Quý II/2015 mới được ACB phát hành đã thuyết minh khoản 600 tỷ đồng đó như sau: Tại ngày 31 tháng 12 năm 2014, Ngân hàng có khoản cho vay một ngân hàng thương mại cổ phần trong nước (“Ngân hàng D”) với số tiền 600.000 triệu VND. Khoản cho vay này với khoản lãi phải thu tại ngày 31 tháng 12 năm 2014 là 111.667 triệu VND được đảm bảo thanh toán bằng trái phiếu do một công ty trong Nhóm sáu công ty phát hành cho Ngân hàng D với tổng mệnh giá là 600.000 triệu VND. Khoản vay này và lãi lũy kế phát sinh liên quan có cùng ngày đáo hạn là ngày 9 tháng 3 năm 2015.
Thế có nghĩa khoản 600 tỷ đồng mà các cổ đông cũng như lãnh đạo ACB nhắc tới tại đại hội thường niên 2015 chính xác phải là khoản cho vay TCTD khác chứ không phải là tiền gửi tại TCTD khác?
Nói sao cũng đúng, bởi lẽ, đó là cho vay TCTD khác “hóa kiếp” từ tiền gửi tại TCTD khác. Theo đó, ngày 12 tháng 8 năm 2013, Ngân hàng Á Châu đã kí hợp đồng chuyển khoản tiền gửi trên thành khoản cho vay mới với “Ngân hàng D” với số tiền 600.000 triệu VND khi khoản tiền gửi này đến hạn vào ngày 10 tháng 3 năm 2014. Ngoài ra, ACB cũng đồng ý gia hạn thời hạn trả các khoản vay này cũng với lãi lũy kế phát sinh liên quan đến ngày 9 tháng 3 năm 2015.
“Ban lãnh đạo tin tưởng rằng Ngân hàng sẽ thu hồi được khoản cho vay này và phần lãi dự thu liên quan và do vậy Ngân hàng không lập dự phòng cho khoản này” – giới tinh hoa của ACB cho hay vào thời điểm cuối năm 2014.
Vậy Ngân hàng Á Châu đã thu hồi khoản cho vay “hóa kiếp” và phần lãi dự thu liên quan như thế nào?
“Vào ngày 9 tháng 3 năm 2015, Ngân hàng đã thu hồi toàn bộ khoản cho vay và khoản lãi dự thu với số tiền là 117.250 triệu VND thông qua việc mua lại tài sản đảm bảo của khoản vay này bao gồm trái phiếu với mệnh giá 600.000 triệu VND do một công ty trong Nhóm sáu công ty phát hành và 117.250 triệu VND lãi phải thu phát sinh từ trái phiếu này” – đó là cách mà ACB đã miễn cưỡng thực hiện để thu hồi 600 tỷ đồng “tiền tươi thóc thật” gửi ở “Ngân hàng D” cũng như phần lãi liên quan.
Bằng phép cấn trừ trên, đúng là khoản tiền gửi đã được “tất toán trong Quý I/2015” như lời phát ngôn của các lãnh đạo ACB, nhưng có phải là “không còn ảnh hưởng gì đến hoạt động của ACB”?
Ngậm bồ hòn làm ngọt…
Hoán vị trách nhiệm hoàn trả từ “Ngân hàng D” sang đơn vị phát hành trái phiếu (một công ty trong Nhóm sáu công ty), về hình thức có thể tất toán được khoản vay trên tài khoản kế toán của ACB, nhưng về bản chất thì việc đòi lại khoản tiền 600 tỷ đồng cũng sẽ vẫn chỉ là một giấc mơ đeo đẳng…
Được biết, ACB đã thực hiện thoái thu 117.250 triệu VND lãi phải thu phát sinh từ số trái phiếu gán nợ này khi các trái phiếu này được phân loại vào Nhóm 2 – Nợ cần chú ý và thời gian đáo hạn của các trái phiếu này sẽ lần lượt rơi vào tháng 12 năm 2015, tháng 3 năm 2018 và tháng 11 năm 2020 với hai mức lãi suất là 5,29%/năm và 5,30%/năm.
Câu hỏi được đặt ra: Công ty phát hành trái phiếu là công ty nào? Và tại sao ACB lại chấp nhận lấy trái phiếu để gán nợ mà không phải “tiền tươi”?
"Ngân hàng D" có liên quan gì đến "bầu" Kiên (?)
Nguyên căn có lẽ đến từ các “mánh lới” làm ăn dưới thời Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên). Khi mà ACB dưới sự chỉ đạo của ông trùm này đã thực hiện “bơm” hàng nghìn tỷ đồng cho các ngân hàng khác (thông qua các nghiệp vụ liên ngân hàng) và để rồi, từ các ngân hàng này, dòng tiền lại được chuyển về (cho vay) các công ty sân sau (có hợp tác với CTCK ACB – ACBS) của ông Kiên như Công ty cổ phần đầu tư Á Châu – ACI, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội - ACI HN… hay nhóm sáu công ty để thực hiện các hành vi đầu tư chứng khoán, thao túng thị trường.
Đến lúc sự việc vỡ lở, Nguyễn Đức Kiên vướng vòng lao lí thì các công ty của “ông bầu” này cũng mất khả năng chi trả, dẫn đến việc các ngân hàng trung gian không có nguồn để hồi lại vốn cho ACB. Qua đó, khiến Ngân hàng Á Châu “sa lầy” trong việc thu hồi tiền gửi (hoặc cho vay) tại các tổ chức này và cuối cùng, ACB cũng đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, dụng kế “ve sầu thoát xác” cho các khoản như khoản tiền gửi 600 tỷ đồng tại “Ngân hàng D” nêu trên.
Câu hỏi cuối: “Ngân hàng D” là ngân hàng nào?
Theo tìm hiểu của phóng viên, “Ngân hàng D” nhiều khả năng là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín – VietBank, nhà băng mà ông Nguyễn Đức Kiên cũng 8 người thân trong gia đình mình từng sở hữu đến 41% cổ phần trong giai đoạn cuối năm 2010, đầu năm 2011.
ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin…
Ninh Giang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy