Dòng sự kiện:
Ngân hàng ACB: “Các anh đừng nghĩ chúng tôi là trẻ con lớp 1, lớp 2”
22/04/2015 15:15:14
ANTT.VN - Sáng nay (22/4/2015), Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB đã tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2015. Hàng loạt vấn đề "nóng" đã được các nhà đầu tư chất vấn Ban chủ tọa, đâu đó, người ta lại nhớ tới đến Nguyễn Đức Kiên - ông "bầu" tóc bạc, nức tiếng một thời...

Tin liên quan

“Tôi xin phép bỏ qua bản báo cáo của Ban tổ chức (BTC). Xin nói thẳng, bản báo cáo này chẳng có nhiều thay đổi so với 10 năm trước. Các anh BTC nghĩ chúng tôi là trẻ con lớp một, lớp hai sao mà vẫn tổng kết theo kiểu này” – Đó là phát biểu làm nức lòng giới mộ điệu bóng đá cách đây 5 năm của bầu Kiên tại lễ tổng kết V-League 2011, có thể thấy có những điểm khá tương đồng khi mà thông qua BCTC,  Ban lãnh đạo (BLĐ) của ACB nhiều năm liền trích lập dự phòng theo kiểu “niềm tin” đối với những khoản tiền gửi cho vay lên tới hàng ngàn tỷ ở các Tổ chức Tín dụng (TCTD) khác mà rất nhiều khoản trong số đó phải gia hạn thêm (ANTT đề cập trong bài: ACB: Trích lập dự phòng nghìn tỷ bằng niềm tin của BLĐ?), quan sát kỹ hơn BCTC có những khoản mục khiến dư luận phải đặt câu hỏi:

Phải chăng BLĐ ACB đã liên tiếp cho cổ đông của mình “ăn bánh vẽ”?

Trong đại hội cổ đông thường niên năm 2014 (14/4/2014), BLĐ ACB đã phải “mướt mồ hôi” trước những thắc mắc chính đáng của cổ đông về việc thu hồi các khoản nợ liên quan đến 6 công ty của Bầu Kiên. Cụ thể, Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, cho biết: “Năm 2013 ACB đã thu được 1.247 tỉ đồng nợ gốc, tương đương 18% dư nợ. Phần còn lại là 5.833 tỉ đồng, trong năm 2014 ngân hàng sẽ thu về hơn 3.000 tỉ đồng (45% dư nợ). Toàn bộ nợ thu về là nợ gốc, phần lãi mới chỉ thu một phần và phần lãi còn lại chưa thu được ngân hàng sẽ thu trong kỳ cuối.”

Hứa là vậy, nhưng qua BCTC của ACB năm 2014, nhà băng này dường như cũng chưa đả động gì đến việc thu hồi các khoản vay liên quan đến 6 công ty của bầu Kiên.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2014, tại trang 56 – BCTC hợp nhất 2014 đã được kiểm toán của ACB cho biết: 2.237.248 triệu VNĐ (31/12/2013: 2.237.284 triệu VND) cho vay Nhóm sáu công ty. Ngoài các khoản cho vay, Tập đoàn có số dư đầu tư vào chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn, góp vốn, đầu tư dài hạn và các khoản phải thu với các công ty này. Tại ngày 31/12/2014 và năm 2013, chi tiết, số dư, kỳ hạn và dự phòng như sau:…

 

Trích trang 56 – BCTC hợp nhất 2014 đã được kiểm toán của ACB

Trích trang 59 - BCTC hợp nhất 2014 đã được kiểm toán của ACB

Nhìn vào bảng trên có thể nói lời hứa thu hồi 3000 tỷ trong năm 2014 của BLĐ ACB với các khoản nợ liên quan đến nhóm 6 công ty của bầu Kiên cũng chỉ là “gió thoảng qua”, đấy là chưa kể khoản vay lên tới 600 tỷ đồng với một TCTD khác, được thế chấp bằng trái phiếu do một công ty trong Nhóm sáu công ty phát hành cho Ngân hàng E ,đã phải gia hạn thêm đến ngày 9/3/3015.

Trích trang 48 - BCTC hợp nhất 2014 đã được kiểm toán của ACB

Với sức ép từ nhiều phía, dường như BLĐ ACB đã cố gắng đưa các chỉ số “về đích an toàn” trong năm 2014 khi các chỉ số như tổng tài sản tăng 7,8%, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 10% (loại trừ khoản nợ bán cho VAMC), Lợi nhuận trước thuế đạt 1.215 tỷ đồng, “chớm” đạt kế hoạch đã đề ra, nợ xấu giảm còn 2,2%. Nhưng nếu việc trích lập dự phòng và phân loại nợ được ghi nhận đầy đủ và chính xác, quả thực rất khó để có những con số “trong mơ” làm yên lòng các cổ đông như vậy.

Lại tiếp tục hứa?

Trong buổi họp đại hội đồng cổ đông sáng nay(22/4/2015), trước câu hỏi: “Liên quan đến nợ cho vay từ 6 công ty, số dư nợ 2.237 tỷ và khoản đầu tư trái phiếu 2.429 tỷ đồng được xếp vào nợ nhóm 2, trích lập dự phòng 5%. Từ góc độ của ACB thì khả năng thu 95% còn lại là bao nhiêu? Nếu không thu hồi được thì ACB sẽ trích lập dự phòng bao nhiêu?”.

ĐHCĐ thường niên 2015 của ACB "nóng rẫy" với hàng loạt vấn đề (Ảnh: vietstock.vn)

Đại diện của ACB cho biết ngân hàng vẫn đang trong quá trình thu hồi khoản cho vay này. Ngân hàng dự kiến tiếp tục bán tài sản và dự kiến thu về xấp xỉ 3.000 tỷ trong quý 2/2015. Và bản thân ACB cũng chỉ dám “kỳ vọng” bán phần tài sản còn lại đủ để cân đối và thu hồi hết số nợ. Liên quan đến việc trích lập dự phòng, ACB có kế hoạch trích lập dự phòng 2.000 tỷ đồng trong năm 2015.

Có thể thấy, lãnh đạo ACB đang rất bối rối trước việc thu hồi các khoản nợ cho vay từ 6 công ty này, khi mà hứa thu hồi được “lần lữa” hết năm này qua năm khác, phải chăng ACB đang tiếp tục cho các cổ đông của mình “ăn bánh vẽ” và chịu rủi ro trước những quyết định “táo bạo” trước đây của lãnh đạo ngân hàng. Và việc phải trích lập dự phòng lên tới hàng nghìn tỷ trong năm nay, cổ đông có quyền nghi ngờ về việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2015 – năm cuối cùng của lộ trình tái cơ cấu.

“Trở lại yên chiến mã” thế nào trong năm 2015?

Từ lúc tại vị thay cho ông Trần Xuân Giá, vị chủ tịch “tuổi ngưa”  - Trần Hùng Huy đã trải qua không ít thăng trầm khi mà ngay năm đầu tiên giữ chức, Tổng TS của ACB đã giảm tới 140.340 tỷ đồng (BCTC 2012), năm thứ hai ghi nhận có “khá hơn” khi Tổng TS chỉ hụt hơn 7 nghìn tỷ (BCTC 2013), việc cơ cấu lại nhân sự gặp rất nhiều bất lợi… Dù đã có lúc đưa ra thông điệp “ACB đã trở lại yên chiến mã” nhưng để thực sự tìm lại được ánh hào quang trong quá khứ của mình, ACB sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là trong năm 2015.

Khi mà thế mạnh trong phân khúc bán lẻ của ACB đang bị rất nhiều “ông lớn” trong ngành tham gia. Lãi suất huy động và cho vay của ACB hiện tại cũng không hề cạnh tranh hơn so với nhóm những NHTM Cổ phần, chứ chưa nói đến những NHTM Nhà nước với nhiều ưu thế về nguồn vốn, mạng lưới  và thương hiệu.

Ngay từ đầu năm, cổ đông ACB cũng không lấy gì làm vui khi nhận tin ACB chính thức trở thành cổ đông lớn của CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS-HOSE) – Công ty thành viên của Vinalines, được biết trước đó Vinalines đã nộp hồ sơ đăng ký chuyển nhượng 12,6 triệu CP VOS với giá chuyển nhượng 10.000đ/CP cho ACB để cấn trừ nợ. Trong khi đó chốt phiên sáng nay 22/4/2015 VOS đang được giao dịch với giá thị trường 4.500đ/CP.

Việc ACB dự định thành lập hoặc mua lại công ty tài chính có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và sẽ trình cổ đông thông qua cũng được đánh giá là “chậm chân” và cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với các nhà băng khác. Khi mà một loạt các ngân hàng cũng đã thành lập hoặc mua lại công ty tài chính từ nhiều năm trước. Điển hình như VPbank cũng đã hoàn tất thủ tục chuyển Khối tín dụng tiêu dùng sang Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng, viết tắt là VPB FC (Thương hiệu FE Credit). Techcombank cũng đã được NHNN chấp thuận mua lại Công ty tài chính Hóa chất Việt Nam (VCFC)...

Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.314 tỷ năm 2015 có thể nói đây là một bài toán khó cho BLĐ của ACB khi mà một loạt các khoản cho vay liên quan đến 6 công ty của Bầu Kiên và các khoản tiền gửi nghìn tỷ khó đòi tại các tổ chức tín dụng khác đến kỳ thanh toán, việc trích lập dự phòng sẽ dồn cả vào năm 2015 và sẽ “bào mòn” không nhỏ lợi nhuận của nhà băng này. Đồng thời, 2015 hứa hẹn sẽ cuộc chiến cạch tranh khốc liệt thị phần giữa bản thân các ngân hàng và việc “chỉ hứa” không thôi của BLĐ ACB sẽ không thể đảm bảo việc “về đích an toàn” thêm một lần nữa.

Hoàng Nguyên - Ninh Giang

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến