Dòng sự kiện:
ACB: Trích lập dự phòng nghìn tỷ bằng niềm tin của Ban lãnh đạo?
04/04/2015 12:41:36
ANTT.VN - Rất nhiều những khoản tiền gửi và cho vay lên tới nhiều nghìn tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác (phần nhiều đã phải thực hiện gia hạn thêm thời gian) không được tiến hành trích lập dự phòng thận trọng khi Ban lãnh đạo tin tưởng là sẽ thu hồi được đầy đủ các gốc và lãi liên quan của các khoản này.

Tin liên quan

Sau cơn mưa, liệu trời có sáng?

Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2015 của ngành ngân hàng trên địa bàn Tp. HCM, Ông Đỗ Minh Toàn, TGĐ Ngân hàng thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cho biết tổng tài sản của ACB tăng khoảng 8%, huy động vốn tăng 12%, và tín dụng tăng xấp xỉ 10%, đặc biệt nợ xấu được đẩy lùi về 2,1% vào thời điểm cuối 2014, lợi nhuận trước thuế đạt 1.215 tỷ đồng (vượt kế hoạch 1.189 tỷ đồng đề ra đầu năm).

Còn theo báo cáo tài chính năm 2014 mà nhà băng này vừa công bố mới đây, số liệu cho thấy một số tín hiệu đáng mừng như ngoài việc tổng tài sản tăng 7,81% so với năm trước, giá trị tuyệt đối đạt 179.609.771 triệu đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 17,37% so với năm trước đạt 1.215.401 triệu đồng. ACB cũng dường như đã lấy lại niềm tin của KH khi tiền gửi khách hàng đạt 154.613.588 triệu đồng (tăng 11,95% so với năm ngoái).Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng cũng tăng 8,62%. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn huy động (LDR) cũng phản ánh sự cân bằng hợp lý giữa khả năng thanh khoản và khả năng sinh lời. Đồng thời ACB vẫn cho thấy thế mạnh trong phân khúc ngân hàng bán lẻ đang trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt hiện nay, khi tỷ lệ cho vay cá nhân chiếm 46% tổng dư nợ, tỷ lệ này còn “khủng” hơn khi huy động từ cá nhân đạt 127.620.157 triệu đồng chiếm áp đảo 82,5% so với tổng số tiền gửi khách hàng.

Có thể thấy với một ngân hàng đã trải qua nhiều thăng trầm biến cố khi dính líu tới một loạt “đại án” kinh tế như vụ "bầu" Kiên, Huyền Như, những con số ấn tượng trên của ACB quả thực rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, sẽ không khỏi “giật mình” khi còn rất nhiều vấn đề tồn tại ở nhà băng này.

Lập dự phòng nghìn tỷ bằng "niềm tin" của ban lãnh đạo

Asset Quality (Chất lượng tài sản có) được coi là nguyên nhân khởi phát dẫn đến các vụ đổ vỡ ngân hàng.Nếu thị trường biết được chất lượng tài sản kém, ngay lập tức sẽ tạo áp lực lên nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng điều này rất dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng thanh khoản, hoặc KH sẽ rút tiền hàng loạt.

Phản ánh trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 của ACB đã được hãng kiểm toán hàng đầu KPMG soát xét, Chất lượng tài sản có của ACB hiện tại đang thực sự có“vấn đề”.

Trang 6 – Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 của ACB (đã kiểm toán)

Trong đó đáng lưu ý tại mục III. Tiền gửi và cho vay các tổ chức khác đang đặt ra nhiều nghi vấn về khả năng thu hồi các khoản tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác của NH này. Cụ thể, tiền gửi tại Ngân hàng A (Vietinbank-PV) trong vụ “đại án” Huyền Như, Ban lãnh đạo (BLĐ) ACB đã gạt bỏ quy định của NHNN khi không qua kênh tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng, mà “tin tưởng” giao cho 19 nhân viên của mình đứng tên cá nhân gửi tiền tại Vietinbank để hưởng lãi suất “thỏa thuận” cao hơn công bố. Kết quả, Huyền Như bị kết án tù chung thân với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hội đồng xét xử đã bác bỏ lập luận của các nạn nhân là Vietinbank phải chịu trách nhiệm về thiệt hại của họ và Huyền Như phải chịu trách nhiệm bồi thường. Việc thu hồi 718,908 tỷ đồng từ cá nhân Huyền Như gần như “điệp vụ bất khả thi -1” đối với ACB. Không những vậy, Ngân hàng còn phải trích lập dự phòng cho số dư tiền gửi và thoái lãi dự thu liên quan đến các khoản tiền gửi này lên tới ba năm từ 2013 đến 2015. Tổng số tiền trích lập dự phòng tại thời điểm 31/12/2014 là 694,830 tỷ đồng.(31/12/2013: 375,908 tỷ đồng).

Bất ngờ tiếp theo là việc Ban Lãnh đạo tiếp tục “tin tưởng” sẽ thu hồi được khoản tiền gửi lên tới 772 tỷ đồng gửi tại một ngân hàng TMCP trong nước (ngân hàng B) khi không tiến hành trích lập dự phòng cho khoản này. Mặc dù ngân hàng phải ký thỏa thuận với ngân hàng B này để gia hạn thời hạn trả các khoản tiền gửi này thêm hẳn 24 tháng (ngày đáo hạn mới là ngày 4/9/2016), BLĐ ACB vẫn nhất mức “tin tưởng” sẽ thu hồi đầy đủ cả gốc lẫn lãi của khoản tiền gửi đó.

Trang 47 - Thuyết minh BCTC hợp nhất năm 2014 ACB(đã kiểm toán bởi KPMG)

Có thể thấy, “niềm tin” của BLĐ của ACB dành cho Ngân hàng B là rất lớn khi mà món tiền gửi này đã “dây dưa” từ năm 2012 đến nay. Tại thời điểm 31/12/2012 con số này là 1.095 tỷ đồng, ngân hàng B đã đồng ý trả 323 tỷ đồng dư nợ gốc (còn 772 tỷ đồng) và 47,415 tỷ đồng lãi phải thu. Tuy nhiên, từ đó đến đến nay, ACB vẫn chưa thu hồi được một đồng nào từ số tiền gần nghìn tỷ đem gửi tại Ngân hàng B.

Trích trang 36 – Thuyết minh BTCT hợp nhất ACB năm 2014 (đã kiểm toán bởi KPMG)

Một chi tiết thú vị khác là trong phần lưu ý của Công ty TNHH PricewaterhouseCoopers Việt Nam - PWC Việt Nam (đơn vị kiểm toán BCTC cho ACB năm 2012) có lưu ý về việc tại sao không trích lập dự phòng cho món tiền gửi trên:

Trang 5 – Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 (đã kiểm toán bởi PWC Việt Nam)

Nhưng sang đến năm 2013, khi mà ACB quyết định thay công ty kiểm toán PWC Việt Nam bằng KPMG (thông thường các TCTD khác thường rất ít khi thay các đơn vị kiểm toán, trừ khi không thống nhất được giữa hai đơn vị) thì không thấy có lưu ý về món tiền gửi này không trích lập dự phòng mặc dù thông tư 02/2013/NHNN có hiệu lực từ 1/6/2013 và sau này là thông tư 09/2014/TT-NHNN cũng quy định về việc trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác. Nghĩa là, hai năm liền ACB đang dùng “niềm tin” của BLĐ để trích lập dự phòng cho số tiền nghìn tỷ khó đòi tại ngân hàng B.

Không chỉ có vậy, BCTC tiếp tục chỉ ra một khoản tiền gửi 400 tỷ đồng khác của ACB ở Ngân hàng C, theo tìm hiểu của PV, NH C chính là Ngân hàng Xây dựng, nhà băng đã chìm trong đại khủng hoảng . Tại ngày 31/1/2015, NHNN Việt Nam đã tuyên bố sẽ mua lại bắt buộc vốn cổ phần của NH C với giá 0 đồng, ngoài ra ACB cũng đang trong quá trình thương thảo với NH C các điều khoản thu hồi tiền gửi này bao gồm việc mua lại các TSĐB mà NH C đang thế chấp hoặc/và mua lại các khoản nợ do NH C đang nắm giữ. Có thể thấy việc thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi tiếp tục là một điệp vụ “bất khả thi – 3” của Á Châu.

Không chỉ trích lập dự phòng theo kiểu “niềm tin” của ban lãnh đạo đối với khoản tiền gửi “đã phải gia hạn thêm” ở các TCTD, Á Châu còn thực hiện không ít các khoản mục cho vay với nhiều TCTD khác. Nhiệm vụ thu hồi cả gốc và lãi của các khoản này tiếp tục là những vấn đề nan thi.

Trích trang 48 – Thuyết minh BTCT hợp nhất ACB năm 2013 (đã kiểm toán bởi KPMG)

Cụ thể, liên quan đến khoản cho vay với số tiền lên tới 1.193 tỷ đồng tại Ngân hàng D (thời gian đáo hạn: 28/7/2014) với lãi phải thu là 477,6 tỷ đồng. Khởi nguyên của khoản cho vay vốn dĩ là một khoản tiền gửi của Á Châu tại D (căn cứ BCTC hợp nhất đã kiểm toán 2013), được đảm bảo thanh toán bằng các trái phiếu do hai công ty trong nhóm sáu công ty (liên quan đến đại án bầu Kiên-PV) phát hành cho D với tổng mệnh giá đúng bằng 1.193 tỷ đồng. Mặc dù đã tất toán vào ngày 28/7/2014, nhưng tại ngày 15/7/2014, Á Châu đã “dứt ruột” giảm khoản lãi dự thu là 368,132 tỷ đồng trong tổng số lãi dự thu tính đến ngày đáo hạn là 519,809 tỷ đồng (Thuyết minh 17(ii)).

Cùng với đó là trong năm 2014, ACB cũng tiếp tục phải chuyển đổi một khoản tiền gửi trị giá 600 tỷ đồng tại ngân hàng E để thành một khoản cho vay với tài sản đảm bảo là 600 tỷ đồng trái phiếu, một điểm đáng chú ý là lượng trái phiếu trên cũng được phát hành bởi nhóm 6 công ty (Liên quan đến đại án Bầu Kiên). Không chỉ có vậy, Á Châu đã phải đồng ý gia hạn thêm thời hạn trả cho khoản vay này tới ngày 9/3/2015.

Đối với khoản cho vay “có lịch sử đầy trúc trắc” trên, thêm một lần nữa BLĐ ACB tin tưởng rằng NH sẽ thu hồi đầy đủ không những dư nợ gốc mà kể cả lãi dự thu liên quan, do vậy NH không lập dự phòng cho khoản này.

Với hàng loạt những vấn đề như đã nêu, ắt khó lòng để các  cổ đông và KH của ACB có thể “mỗi ngày chọn một niềm vui” như lời bài hát đã góp phần tạo nên thương hiệu ACB những năm trước đây.

Được biết, ACB đã thay đổi phương châm trong chặng đường tới khi "đặt con người làm trung tâm của mọi sự phát triển, ACB-Chỉ có bạn (Focus on you)” – trích lời chủ tịch Trần Hùng Huy.Nhưng với những lần “tin tưởng” như suốt thời gian qua, có thể nói trên con đường tìm lại với quá khứ huy hoàng của mình, ACB sẽ còn vướng phải không ít chông gai và trắc trở.

Trong phần tiếp theo, ANTT sẽ tiếp tục gửi đến quý bạn đọc những phân tích chi tiết về các “góc khuất” khác của Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB. Mời các bạn đón đọc...

Hoàng Nguyên - Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến