Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán với một loạt thay đổi trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm so với báo cáo công ty tự lập trước đó. Đáng chú ý, thay đổi lớn nhất sau kiểm toán là việc ACV mất gần 169 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với trước đó.
Cụ thể, trên báo cáo tài chính kiểm toán của ACV, tổng công ty này ghi nhận 3.428 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm nay, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm ròng hơn 1.200 tỷ trong chỉ tiêu doanh thu 6 tháng.
Nếu so với số liệu công ty tự tập, doanh thu thuần sau kiểm toán của ACV kể trên cũng thấp hơn 48 tỷ đồng.
Lợi nhuận giảm 12%
Bên cạnh đó, thay đổi cũng ghi nhận ở chỉ tiêu chi phí tài chính khi tăng 139%, lên 112 tỷ đồng sau soát xét. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp của ACV cũng tăng 11%, lên 612 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do bổ sung chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Với những thay đổi lớn kể trên, lợi nhuận ròng bán niên 2021 của ACV đã giảm từ 1.369 tỷ đồng (báo cáo tự lập) xuống còn gần 1.200 tỷ đồng sau kiểm toán, thấp hơn 169 tỷ đồng, tương đương 12%.
Ban lãnh đạo tổng công ty cho biết doanh thu sau soát xét giảm chủ yếu do chính sách giảm giá của ACV áp dụng hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại các cảng hàng không trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn ra từ 1/5.
Trong khi đó, chi phí tài chính trên báo cáo hợp nhất 6 tháng biến động lớn do điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Hàng không Việt Nam vì công ty này phát hành cổ phiếu cho người lao động dẫn đến tỷ lệ sở hữu của ACV giảm xuống, không đủ điều kiện hợp nhất theo quy định.
Còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu do ACB phải trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định của Bộ Tài chính.
Ngoài việc hụt lãi hơn 169 tỷ so với công ty tự tính, báo cáo kiểm toán bán niên 2021 của ACV cũng ghi nhận loạt ý kiến nhấn mạnh đơn vị kiểm toán liên quan vấn đề cổ phần hóa.
Kiểm toán nhấn mạnh hàng loạt vấn đề
Cụ thể, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) cho biết tại ngày lập báo cáo tài chính, ACV vẫn chưa nhận được quyết định phê duyệt quyết toán cổ phần hóa từ khi chuyển đổi loại hình sang công ty cổ phần vào ngày 31/3/2016 của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đơn vị kiểm toán cho biết ACV đang quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư mà không được tính vào giá trị doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị để cổ phần hóa và các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không hình thành sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được bàn giao lại cho Nhà nước quản lý do Bộ Giao thông Vận tải làm đại diện chủ sở hữu.
Theo đó, ACV đã bắt đầu tiến hành ghi nhận doanh thu và chi phí từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ cho kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6 năm nay.
Vì vậy, đơn vị kiểm toán không so sánh được dữ liệu tương ứng của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và các thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ kèm theo có liên quan… với kỳ kế toán hiện tại.
ACV là doanh nghiệp quản lý và vận hành phần lớn sân bay tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngoài ra, vào ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ này, Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa ban hành quyết định bàn giao danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không nói trên cho ACV, nên việc ghi nhận giá trị tài sản bàn giao này chưa được thực hiện.
Liên quan tới các ý kiến của đơn vị kiểm toán, báo cáo phân tích của VNDirect cho biết ACV đang làm việc với đơn vị kiểm toán để loại bỏ ý kiến nhấn mạnh trong báo các cáo tài chính kiểm toán của tổng công ty, điều này sẽ giúp ACV đủ điều kiện niêm yết trên HoSE trong năm 2022.
Về kết quả kinh doanh nửa cuối năm nay của tổng công ty này, VNDirect cho rằng với tốc độ tiêm chủng vaccine và các biện pháp phòng chống dịch hiện nay, đợt bùng phát Covid-19 lần này có thể được kiểm soát vào cuối quý III năm nay và các đường bay nội địa cũng như quốc tế của Việt Nam có thể dần phục hồi từ quý IV.
Ước tính, lượng khách thông quan nội địa, quốc tế của ACV năm nay có thể giảm lần lượt 18,1% và 25,9% so với năm trước. Tuy nhiên, chỉ số này có thể phục hồi mạnh trong trung hạn, với ước tính lượng khách nội địa giai đoạn 2022-2023 tăng 75,3% và sản lượng khách quốc tế tăng 483,7%.
Ngoài ra, ACV cũng có thể ghi nhận tăng trưởng cao khi Sân bay Quốc tế Long Thành đi vào vận hành.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy