Agribank sốt ruột vì quy trình cổ phần hóa quá chậm
Trở thành ngân hàng thương mại cổ phần, hoạt động tương tự như 3 ngân hàng TMCP có vốn nhà nước chi phối khác (BIDV, VietinBank, Vietcombank) là mong muốn của Agribank. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo quy trình hiện tại, quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng mới đây, ông Phạm Đức Ấn cho rằng: “Với quy trình thủ tục hiện nay ít nhất phải 2 năm nữa thì Agribank mới thực hiện cổ phần hóa. Bởi vì để thuê tư vấn cổ phần hóa và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mất rất nhiều thời gian”, ông Phạm Đức Ấn lo lắng.
Theo Chủ tịch HĐTV Agribank, kinh nghiệm từ VCB, VietinBank, BIDV cho thấy sau khi cổ phần hóa khoảng 4-5 năm, cổ phiếu được niêm yết, thông tin minh bạch hơn thì nhà đầu tư nước ngoài mới thực sự quyết định đầu tư.
Vì vậy, để có thể sớm chuyển thành NHTMCP, giảm thủ tục, chi phí cổ phần hóa, Agribank đề nghị Chính phủ cho phép Agribank thí điểm cổ phần hóa theo 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1, Agribank sẽ cổ phần hóa với sự tham gia của cán bộ, nhân viên Agribank với tỷ lệ khoảng 0,5% để Agribank thực hiện cổ phần hóa và sớm niêm yết trên TTCK.
Giai đoạn 2, sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, mọi thông tin về Agribank được minh bạch, NĐT đánh giá hoạt động Agribank ở góc độ khác. Giá cổ phiếu đã được thị trường kiểm định sẽ hấp dẫn hơn, được nhìn nhận tích cực hơn, dễ thu hút nhà đầu tư chiến lược và việc định giá lúc đó sẽ thuận lợi hơn.
Cho đến nay, kế hoạch cổ phần hóa của Agribank vẫn chưa thể hoàn tất, vướng mắc lớn nhất là xác định giá trị doanh nghiệp vẫn chưa xong. Với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của nhà băng này đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành vô cùng đa dạng. Cho đến nay, một số cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt. Chính vì vậy, NHNN chưa thể ban hành quyết định để cổ phần hóa Agribank. Chính vì chưa được cổ phần hóa, Agribank cũng chưa thể tìm đối tác chiến lược.
Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Agribank được cải thiện mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2019, ngân hàng có tổng tài sản 1,45 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,12 triệu tỷ đồng trong đó 70% là dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỷ lệ nợ xấu là 1,4%. Thu nợ sau xử lý đạt trên 12.000 tỷ đồng, hoàn thành việc mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán cho VAMC, được đánh giá là một trong số ngân hàng có kết quả xử lý nợ xấu tốt nhất hệ thống tổ chức tín dụng. Đáng chú ý, tổng lợi nhuận kinh doanh năm 2019 ngân hàng đạt 12.700 tỷ đồng, cao thứ nhì hệ thống.
Bước sang năm 2020, do cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid 19, lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm, tuy nhiên, nền tảng tài chính vẫn vững chắc nhờ kết quả đạt được những năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của AgriBank chỉ đạt 6.946 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ nền kinh tế ấm lên nửa cuối năm, nhiều khả năng Agribank vẫn đạt mục tiêu lợi nhuận năm nay, đủ điều kiện để được ngân sách cấp 3.500 tỷ đồng tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại.
Tác giả: Thùy Liên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy