Ai chịu trách nhiệm cho khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ của 3 “ngân hàng 0 đồng”?
03/11/2015 09:42:03
Tại phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội sáng nay, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh yêu cầu cần phải có ai đó chịu trách nhiệm cho việc để nhiều ngân hàng bị lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng trong một thời gian dài mà không ai phát hiện ra và NHNN đã phải mua 0 đồng 3 ngân hàng.

Tin liên quan

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình bên lề hành lang Quốc hội sáng 2/11

“Trước hết là lãnh đạo của những ngân hàng bị mua 0 đồng, cơ quan quản lý trực tiếp hệ thống ngân hàng phải chịu trách nhiệm về khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng này. Sau đó, cơ quan thanh tra giám sát cần phải xem khoản tiền kia chảy vào đâu, nếu vào túi cá nhân thì phải hình sự truy tố và xử lý theo luật pháp”, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh - đoàn Hải Phòng, yêu cầu.

Đề xuất giảm lãi suất trung và dài hạn xuống 7%

Sáng nay(2/11), Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về kinh tế xã hội và vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà hệ thống ngân hàng đạt được trong thời gian qua như bình ổn thị trường vàng, lãi suất giảm mạnh đã hỗ trợ được doanh nghiệp. Đặc biệt nợ xấu đã giảm mạnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, không ít đại biểu Quốc hội lo ngại việc xử lý nợ xấu chưa được thực chất. Đại biểu Thân Văn Khoa, đoàn Bắc Giang, đánh giá quá trình tái cơ cấu TCTD đã có kết quả bước đầu, công tác kiểm tra giám sát được tăng cường. “Nợ xấu giảm nhưng chất lượng tín dụng của ngân hàng chưa được cải thiện, nợ xấu chưa giảm nhiều, cuối tháng 9 về dưới 3% nhưng thực tế nợ xấu xử lý thế nào?”, ông Khoa băn khoăn.

Ông Khoa đánh giá thực chất chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu chưa giảm thực chất. Cụ thể, nợ xấu đã giảm từ 4,72% xuống còn 2,9% vào tháng 10 năm nay. Nếu cứ nhìn vào tiến triển như vậy thì nợ xấu không có gì đáng lo ngại nhưng trong thực tế nợ xấu được xử lý như thế nào?

Dẫn chứng từ thông tin của VAMC, từ 1/10/2013 đến 25/10/2015 các TCTD bán cho VAMC bán 226.028 tỷ đồng, dư nợ gốc với giá mua 191.006 tỷ đồng; VAMC xử lý được 16.277 tỷ đồng, đạt tỷ lệ rất khiêm tốn 7,2% so với dư nợ gốc.

“Như vậy có thể khẳng định phần lớn nợ VAMC mua mới chỉ đạt 175.529 tỷ đồng, mới chỉ được gom lại mà chưa được VAMC xử lý tận gốc. Bản chất nợ xấu vẫn còn đó. Tái cơ cấu chưa đạt đầy đủ mục tiêu Quốc hội đề ra. Chưa chỉ rõ nguyên nhân và hạn chế yếu kém vẫn còn kéo dài, cần làm rõ trách nhiệm”, đại biểu Khoa bình luận.

Đánh giá về những kết quả mà hệ thống ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn, đoàn Hòa Bình, đánh giá tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; thị trường ngoại hối, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định; nợ xấu giảm còn 2,9%.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn

Tuy vậy, đại biểu Sơn cho rằng tham gia TPP là cơ hội cho Việt Nam tham gia sân chơi chung với các nền kinh tế lớn trên thế giới, song cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

“Do vậy, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh nhằm phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Trước mắt cần tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt có cơ chế ưu đãi về lãi suất đối với các dự án đầu tư ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Nghiên cứu giảm lãi suất tín dụng trung và dài hạn xuống dưới 7%/năm. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu để khơi thông dòng vốn”, đại biểu Sơn đề nghị.

Không cho phép lấy ngân sách đắp vào khoản lỗ của ngân hàng

Thảo luận về vấn đề của hệ thống ngân hàng, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng, cũng đánh giá việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã khơi thông dòng vốn đổ vào thị trường, việc lập VAMC, mua ngân hàng 0 đồng "được đánh giá tốt", và việc giảm nợ xấu từ 17,21% xuống còn 2,9%.

“Điều đáng nói, theo báo cáo của Chính phủ và ngành ngân hàng tính đến thời điểm này chưa lấy đồng nào từ ngân sách để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tôi đánh giá đây là giải pháp tốt, trong điều kiện hiện nay thì không có giải pháp nào tốt hơn. Nhiều chuyên gia thế giới đánh giá đây là giải pháp kịp thời”, đại biểu Vinh bình luận.

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh

Theo đại biểu Vinh, không lo ngại khả năng trong thời gian tới sẽ dùng ngân sách vì Chính phủ và NHNN đã tính đến tình huống này rồi. Trong vài năm tới, ta sẽ có nhiều giải pháp khác và chưa có căn cứ nào để nói sẽ lấy tiền ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

“Hiện ngân sách rất eo hẹp thu chi chưa cân đối được mà còn chi cho ngân hàng nữa thì ngân sách hụt rất lớn. không bao giờ cho phép lấy tiền ngân sách đắp vào khoản lỗ của các ngân hàng. Tôi khẳng định điều đó”, đại biểu Vinh nhấn mạnh.

Đại biểu Vinh cũng nhận định việc để cho nhiều ngân hàng lỗ hàng chục nghìn tỷ trong thời gian dài là một lỗ hổng trong quản lý.

“Có một thời gian hệ thống ngân hàng bung ra nhiều quan, cơ quan quản lý không kiểm soát được. Việc thanh tra kiểm tra còn rất nhiều hạn chế. Khi thanh tra kiểm tra chúng ta phát hiện ra nhiều sai phạm và có những giải pháp tình thế để xử lý những yếu kém của hệ thống từ trước mắt và cả lâu dài. NHNN cần xem xét về mặt chính sách có những thiếu sót gì thì sửa. Còn với những người làm ngân hàng, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý theo luật pháp, như tịch thu tài sản hoặc kể cả biện pháp hình sự.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến