Dòng sự kiện:
Ai có quyền xử lý kỷ luật hiệu trưởng đại học công lập?
30/11/2020 19:42:16
TS Thái Thị Tuyết Dung cho rằng việc ai có thẩm quyền xử lý kỷ luật hiệu trưởng đại học công lập đang bị đề cập sai, dẫn đến những tranh cãi không đáng có dù luật đã quy định rõ.

Sau sự việc ông Lê Vinh Danh, nguyên hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng bị cách chức, nhiều tranh luận liên quan đến thẩm quyền xử lý kỷ luật người đứng đầu các trường đại học công lập, gây xôn xao trong giới chuyên môn và cả trên diễn đàn Quốc hội.

Hiện, có 2 quan điểm về vấn đề này. Nhiều người cho rằng thẩm quyền thuộc về Hội đồng trường. Phía ngược lại cho rằng thẩm quyền thuộc về cơ quan chủ quản của đơn vị sự nghiệp công lập.

TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đào tạo trực tuyến, ĐH Luật TP.HCM.

Điều 16 Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi bổ sung năm 2018) có quy định: “Hội đồng trường trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học”.Tuy nhiên, khảo sát các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này, tôi cho rằng thẩm quyền xử lý kỷ luật hiệu trưởng thuộc về cơ quan chủ quản của trường đại học công lập (đối với ĐH Tôn Đức Thắng là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Điều 8 Nghị đinh 99/2019/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Giáo dục Đại học cũng khẳng định sau khi gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp, nếu cơ quan chủ quản không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, hiểu theo tinh thần Luật Giáo dục Đại học sửa đổi bổ sung 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP, thì chức danh hiệu trưởng các trường công lập theo nguyên tắc “song trùng trực thuộc”, tức không phải Hội đồng trường bầu một người làm hiệu trưởng thì người đó đương nhiên là hiệu trưởng, mà còn phụ thuộc vào sự công nhận của cơ quan chủ quản hay không. Việc công nhận này có ý nghĩa pháp lý quan trọng. Chỉ khi cơ quan chủ quản công nhận, chức danh hiệu trưởng mới được chính thức thừa nhận.

Đồng thời, Luật Giáo dục Đại học cũng quy định Hội đồng trường không được bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng do mình bầu ra, mà quyền quyết định thuộc hoàn toàn vào cơ quan quản lý trực tiếp.

Đây là quy định phù hợp với bối cảnh nước ta hiện nay, nhằm tránh tình trạng “nhóm lợi ích” chi phối các trường đại học công. Bởi, thực tế hiện nay, dự kiến nhân sự Hội đồng trường chủ yếu do Ban giám hiệu đề xuất. Sau đó, Hội đồng trường bầu hiệu trưởng. Lúc này, mặt trái của câu chuyện có thể xảy ra là trường công - tài sản công có khả năng rơi vào tay một nhóm điều hành. Khi Nhà nước thấy nhà trường đó có vấn đề, muốn thể hiện vai trò quản lý của mình thì khó mà can thiệp vào vòng tròn khép kín này.

Việc xử lý kỷ luật hiệu trưởng thì thẩm quyền được xác định rất rõ tại khoản 1 Điều 14, Nghị định 27/2012/NĐ-CP. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Cùng quy định vấn đề này, Điều 31 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ghi rõ đối với viên chức giữ chức vụ, chức danh do bầu cử thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

Từ hai điều trên, thẩm quyền xử lý kỷ luật hiệu trưởng đại học công lập đương nhiên thuộc về cơ quan chủ quản. Nếu các trường đã thành lập Hội đồng trường, thì thẩm quyền xử lý kỷ luật cũng thuộc cơ quan chủ quản.

Như vậy, pháp luật đã quy định rõ, cơ quan chủ quản không chỉ có quyền công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, mà còn có quyền xử lý kỷ luật hiệu trưởng các trường đại học công lập.

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến