Liên quan đến khu đất gần 5 ha ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Cty CP Y dược Vimedimex và một số đồng phạm vừa bị bắt với hành vi dùng thủ đoạn dìm giá trong đấu giá, gây thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng cho nhà nước.
Theo tài liệu của Tiền Phong, trước đó UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất khu đất này với giá 18.200.000 đồng/m2.
Cụ thể, ngày 23/10/2020, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành Quyết định số 4759 về việc phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khu đấu giá Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Theo đó, xét đề nghị của Sở Tài chính - Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể thành phố; Tờ trình số 9282 của Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thuộc dự án với giá là 18.200.000 đồng/m2.
Thời điểm áp dụng giá khởi điểm để đấu giá trong vòng 12 tháng kể từ ngày UBND thành phố ký ban hành Quyết định.
Lô đất có giá khởi điểm 18.200.000 đồng/m2
UBND huyện Đông Anh có trách nhiệm chỉ thực hiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành mọi điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành. Sau khi tổ chức đấu giá, UBND Huyện Đông Anh có trách nhiệm báo cáo tổng hợp kết quả đấu giá khu đất trên cho Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đáng chú ý, thời điểm ký văn bản trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn được UBND thành phố phân công, theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực: Thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm.
Ông Lê Hồng Sơn được giao theo dõi các đơn vị: Sở Tư pháp; Ban Tôn giáo thành phố (thuộc Sở Nội vụ); Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội; Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật; Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội và phụ trách các địa bàn: Cầu Giấy, Đống Đa, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh.
Khách mua dự án sẽ ra sao?
Đối với quyền lợi của khách hàng đặt cọc mua dự án Helianthus Center Red River, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, khẳng định: "Toàn bộ số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu sung công quỹ hoặc trả lại cho tổ chức cá nhân đã bỏ tiền ra để mua các lô đất của dự án này. Sau khi có quyết định hủy kết quả đấu giá, Nhà nước sẽ nhận lại toàn bộ lô đất để quản lý".
Đối với các tổ chức, cá nhân đã nộp tiền đặt cọc hoặc đã nhận chuyển quyền các lô đất của dự án này thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải thanh lý hợp đồng, hoàn trả lại tiền và bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các tổ chức cá nhân đứng ra giao dịch để nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với các lô đất sau khi đã trúng đấu giá sẽ được xác định là người thứ ba ngay tình, được pháp luật bảo vệ.
Trường hợp doanh nghiệp không tự nguyện trả lại tiền và bồi thường thiệt hại, những người đã nộp tiền cho doanh nghiệp có thể yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 9/11, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.
Nhiều khách hàng đặt cọc tại dự án lo lắng sau khi Chủ tịch Tập đoàn này dính vòng lao lý
Các bị can gồm: Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty cổ phần Y dược Vimedimex và 7 bị can thuộc các công ty tham gia đấu giá; công ty thẩm định giá và Ban quản lý dự án huyện Đông Anh.
Theo tài liệu điều tra, khu đất gần 5ha ở xã Cổ Dương, huyện Đông Anh ban đầu được Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định giá trị khoảng 500 tỉ đồng.
Trước yêu cầu của 1 cán bộ thuộc Ban quản lý dự án Huyện Đông Anh, đơn vị thẩm định giá hạ giá xuống còn khoảng 300 tỉ đồng. Để hoàn thiện chứng thư thẩm định giá, các đối tượng đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ.
Bằng nhiều thủ đoạn, công ty thẩm định giá đã hạ giá thẩm định đất xuống còn hơn 17 triệu đồng/m2. Trong khi, giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định từ 60 – 70 triệu đồng/m2. Hành vi này gây thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng cho nhà nước.
Sau khi Hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 và tổ chức đấu giá, bị can Nguyễn Thị Loan đã đưa 3 công ty tham gia đấu giá. Với hành vi chỉ đạo các đối tượng cấp dưới thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, 1 công ty mà bị can Nguyễn Thị Loan nắm quyền chi phối đã trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
Chỉ sau đúng 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bị can Nguyễn Thị Loan đã cho bán đất, trong đó thửa có giá cao nhất lên tới 110 triệu đồng/m2.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy