Dòng sự kiện:
Ai đủ sức cạnh tranh với Thế Giới Di Động trong ngành điện máy?
28/08/2024 15:09:43
Sự khốc liệt của thị trường bán lẻ điện máy đã "đá văng" gần chục doanh nghiệp trong một thập kỷ qua, những cái tên còn lại hiện càng ráo riết hơn trong cuộc đua giành thị phần.

Thị trường bán lẻ điện máy vẫn đang khiến các doanh nghiệp phải chạy theo cuộc đua khốc liệt. Ảnh: MWG.

Sau khi CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) giải thể công ty con là CTCP Thế Giới Số Trần Anh, thị trường đã chính thức mất thêm một thương hiệu bán lẻ điện máy. Trước Trần Anh, một loạt thương hiệu điện máy lớn cũng đã từng đến rồi đi như VinPro, Viễn Thông A, Topcare, Điện máy Việt Long...

Bất chấp việc nhiều chuỗi "chết yểu", thị trường điện mát vẫn liên tục đón nhận các nhà đầu tư mới tham gia giành giật thị phần.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), thị trường điện máy hiện có quy mô rất lớn, đạt khoảng 120.000-150.000 tỷ đồng mỗi năm. Con số ấn tượng này cho thấy tiềm năng của thị trường điện máy, nhưng cũng cho thấy sự khốc liệt của ngành hàng này.

Thế Giới Di Động dẫn đầu

Theo báo cáo tình hình kinh doanh 7 tháng từ đầu năm của Thế Giới Di Động, chuỗi bán lẻ này ghi nhận 76.541 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 67% doanh thu đến từ 2 chuỗi điện thoại và điện máy (Thegioididong.com và Điện Máy Xanh).

Trong suốt nhiều năm kinh doanh, ngành hàng điện thoại, điện máy vẫn luôn là "gà đẻ trứng vàng" cho Thế Giới Di Động. Đáng chú ý, kết quả kinh doanh ấn tượng kể trên lại diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa “thẳng tay” đóng tới 59 cửa hàng Điện Máy Xanh, kéo số lượng điểm bán tính đến cuối tháng 7 xuống còn 2.034 cửa hàng.

Cuối năm ngoái, Điện Máy Xanh vẫn sở hữu 2.190 cửa hàng trên toàn quốc, dẫn đầu thị trường bán lẻ điện máy xét theo quy mô điểm bán. Trong suốt nhiều năm, việc mở rộng mạng lưới nhanh chóng đã giúp Điện Máy Xanh xác lập vị thế thống trị, khiến cho các doanh nghiệp còn lại không còn nhiều dư địa cạnh tranh.

Cuộc chạy đua cho vị trí số 2 hoặc số 3 trong ngành trở thành vấn đề sống còn đối với các chuỗi điện máy khác nếu muốn tiếp tục tồn tại.

Ngành hàng điện thoại, điện máy vẫn là nguồn doanh thu chính của Thế Giới Di Động. Ảnh: MWG. 

Một đối thủ lớn của Thế Giới Di Động trên thị trường điện thoại là Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) với chuỗi FPT Shop mới đây cũng tuyên bố lấn sân ngành hàng điện máy. Tuy nhiên, đơn vị này mới chỉ khai trương 10 cửa hàng đầu tiên.

Các cửa hàng điện máy của FPT Shop chủ yếu tập trung tại khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang và số ít cửa hàng được đặt tại miền Trung, miền Bắc như tỉnh Đắk Lắk, Hải Phòng, Cao Bằng.

Ông Phạm Quốc Bảo Duy, Giám đốc ngành hàng điện máy của FPT Shop, cho biết tháng 6 năm ngoái, công ty đã bắt đầu lên kế hoạch triển khai kinh doanh nhóm hàng điện máy với sản phẩm thử nghiệm đầu tiên là tivi.

Tới tháng 1 năm nay thì tiến hành thử nghiệm mở bán điện máy tích hợp bên trong cửa hàng FPT Shop và có kết quả khả thi nhất định. Đây là cơ sở để FPT Shop tiếp tục đầu tư, mở rộng danh mục nhóm hàng điện máy và chính thức kinh doanh trên toàn quốc.

Về kế hoạch dài hạn, Phó tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Việt Anh cho biết FPT Shop đặt kỳ vọng nâng tổng số điểm bán lên 50 cửa hàng điện máy trong năm nay.

“Mục tiêu doanh thu của ngành điện máy trong năm 2024 sẽ chiếm khoảng 8-10% tổng doanh thu của FPT Shop. Trong năm 2025, nếu mọi sự suôn sẻ, kinh tế vĩ mô thuận lợi, FPT Shop sẽ mở rộng thêm các cửa hàng điện máy để đến cuối năm 2025 có thể sở hữu 200-250 cửa hàng và trở thành chuỗi bán lẻ điện máy lớn thứ 2 ở Việt Nam, sau Điện Máy Xanh”, ông Việt Anh chia sẻ thêm.

Còn ai cạnh tranh với Thế Giới Di Động?

Với việc FPT Shop tham gia thị trường điện máy, “chiếc áo” vốn đã chật nay còn chật hơn. Bởi ngoài Điện Máy Xanh, thị trường điện máy cũng đang là sân chơi của các hệ thống lớn, tồn tại nhiều năm như Nguyễn Kim, MediaMart, Điện máy Chợ Lớn, Điện máy HC hay Thiên Nam Hòa...

Với Điện máy Chợ Lớn, đơn vị này cũng có gần 100 cửa hàng khắp 35 tỉnh thành, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam, miền Trung. Kế hoạch mở rộng ra phía Bắc hiện vẫn chưa được thực hiện, một phần là do thị trường chưa phục hồi hoàn toàn.

Giống một số doanh nghiệp bán lẻ lớn khác, Điện máy Chợ Lớn đang dần chuyên dịch sang kênh bán hàng trực tuyến (online).

Là một tên tuổi lớn trên thị trường điện máy phía Bắc, chuỗi siêu thị MediaMart, vốn theo đuổi mô hình chuỗi lớn đánh vào cảm giác trải nghiệm của khách hàng bằng diện tích sàn rộng “thênh thang”, lớn nhất đạt hơn 5.000 m2. Chuỗi này hiện có hơn 300 cửa hàng, phủ sóng tại 33 tỉnh, thành.

Hơn 20 năm tuổi, điện máy Nguyễn Kim từng có thời gian dài là “anh cả” của ngành điện máy Việt Nam nhưng hiện đã đánh mất vị trí dẫn đầu, thậm chí là theo sau nhiều đối thủ khác.

Trụ sở chính của Nguyễn Kim hiện vẫn đặt tại quận 1 (TP.HCM) với tổng diện tích gần 4.000 m2 với 6 tầng kinh doanh. Tính tới đầu năm nay, Nguyễn Kim duy trì hệ thống hơn 50 cửa hàng, trải rộng trên 30 tỉnh thành, chủ yếu là các tỉnh phía Nam.

Với HC, đây được coi là hệ thống siêu thị điện máy có diện tích trưng bày lớn nhất trong danh sách siêu thị kể trên với diện tích mặt sàn rộng 1.000-4.000 m2 đầy đủ hệ thống kho bãi, logistics phụ trợ. Xét về quy mô, siêu thị điện máy HC hiện có hơn 40 chi nhánh khắp cả nước.

Cũng theo đuổi xu hướng đại siêu thị với quy mô diện tích trưng bày lớn, Pico - chuỗi điện máy thuộc sở hữu Pico Retail - hiện có khoảng 20 siêu thị phủ sóng rộng khắp Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn phía Bắc.

Tương tự Điện máy Chợ Lớn, hệ thống siêu thị điện máy Thiên Nam Hòa của Chủ tịch Nguyễn Quang Hòa cũng đang cắt giảm mặt bằng, chỉ giữ lại những lĩnh vực cốt lõi, đẩy mạnh bán hàng online.

Thiên Nam Hòa hiện đặt mục tiêu 60-70% doanh số bán hàng đến từ hình thức online. Năm ngoái, quy mô của hệ thống Thiên Nam Hòa vẫn ở mức 10 siêu thị lớn.

Đáng chú ý trên thị trường điện máy cũng có thêm "ông lớn" bán lẻ ngành hàng công nghệ - Digiworld - cùng nhảy vào kinh doanh mảng điện máy từ năm 2021 khi bắt đầu bằng việc triển khai bán tivi thuộc thương hiệu Xiaomi.

Sang năm 2022, Digiworld tiếp tục bắt tay với đối tác mới là Whirlpool, Eufy, Joyoung với danh mục mở rộng bao gồm tủ lạnh, máy giặt, máy sấy quần áo.

Digiworld mới đây cũng đã hé lộ kế hoạch kinh doanh quý III trong mảng điện máy bằng việc thêm một số sản phẩm như tủ lạnh, máy lạnh. Trước đó, CEO Digiworld Đoàn Hồng Việt cũng từng khẳng định điện máy sẽ là thị trường mới tiềm năng mà công ty này hướng đến trong tương lai đồng thời có kế hoạch cố gắng để chiếm một thị phần đáng kể tại thị trường này.

 Tác giả: Hồng Nhung

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến