Vừa “nghèo” vốn lưu động sản xuất kinh doanh, nhà máy này vừa phải “gồng mình” với các khoản nợ ngân hàng và nợ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - nhà cung cấp nguyên liệu chính cho Nhà máy.
Thua lỗ, nợ nần chồng chất
Nhà máy Đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án “nghìn tỷ” thua lỗ của ngành công thương, có tổng vốn đầu tư lên tới 667 triệu USD (tương đương gần 12.000 tỷ đồng), công suất 560.000 tấn/năm.
Vốn vay là một trong 3 vấn đề chính của Đạm Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Nga
Năm 2008, Nhà máy được khởi công với kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận lớn khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên trên thực tế, kể từ khi hoạt động (năm 2012) đến nay, dù chạy máy hay “đắp chiếu” thì nhà máy vẫn liên tục báo lỗ. Máy móc thường xuyên trong tình trạng hư hỏng, hàng hóa tồn kho.
Theo số liệu mới nhất, tổng doanh thu năm 2017 của Nhà máy đạt 1.172 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch năm. Việc đưa Nhà máy trở lại hoạt động sau thời gian “đắp chiếu” đã giúp giảm lỗ gần 270 tỷ đồng so với phương án ngừng máy. Cụ thể, lỗ cả năm 2017 là 933,5 tỷ đồng. Năm 2016 lỗ hơn 1.200 tỷ đồng. Trước đó, năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng, năm 2014 lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 592 tỷ đồng.
Khó khăn lớn nhất của Đạm Ninh Bình hiện nay là vốn. Sau khi được tái khởi động trong năm 2017, Đạm Ninh Bình cho biết đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ đến hạn với các ngân hàng, không để phát sinh nợ quá hạn, giảm được 153 tỷ đồng dư nợ gốc tại các ngân hàng và trả lãi cho ngân hàng 103 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc thiếu vốn lưu động sản xuất kinh doanh trong khi phải “oằn mình” để trả nợ (bao gồm nợ gốc và lãi vay) khiến Đạm Ninh Bình khó lại chồng thêm khó.
Theo báo cáo về tình hình công nợ của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đến ngày 31/12/2017, tổng số nợ vốn vay ngắn hạn là 1.340,5 tỷ đồng (trong đó vay của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là 782,1 tỷ đồng; vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 391,4 tỷ đồng; vay của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là 167 tỷ đồng).
Không chỉ là “con nợ” của các ngân hàng, Đạm Ninh Bình còn nợ TKV - nhà cung cấp nguyên liệu chính cho Nhà máy 133 tỷ đồng tính đến cuối năm 2017. Ngoài ra, khoản nợ khách hàng mua đạm là 92,341 tỷ đồng.
Lãnh đạo Nhà máy Đạm Ninh Bình cho biết, do Công ty đang sử dụng 100% doanh thu để phục vụ sản xuất đợt 1 năm 2018 (khoảng đến giữa tháng 3) nên cơ bản tình hình công nợ trên đến nay không có nhiều thay đổi. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang cho vay với hình thức cho vay thu nợ, “trả 10 cho vay 9”.
Tuy nhiên, “gánh nặng” với Đạm Ninh Bình vẫn là nguồn vốn vay dài hạn cho dự án bao gồm vốn vay VDB và khoản vốn vay Ngân hàng Eximbank Trung Quốc.
Đánh giá của Vinachem từng cho biết, trong nhiều năm tới, dòng tiền của Công ty Đạm Ninh Bình vẫn âm và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ. Khả năng trả nợ của Đạm Ninh Bình, theo đánh giá là hạn chế, lỗ luỹ kế lớn. Thực tế, trong 4 năm liền từ 2012 - 2016, Vinachem đã trả nợ thay Đạm Ninh Bình một phần tiền cho Eximbank Trung Quốc, VDB, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)… và nhiều lần hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho Công ty.
Đạm Ninh Bình lại muốn vay thêm 500 tỷ đồng
Đánh giá về những khó khăn của Nhà máy Đạm Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết câu chuyện vốn vay chính là một trong 3 vấn đề chính của dự án nghìn tỷ này. Theo cơ chế cho vay thu nợ, Đạm Ninh Bình cứ trả 10 đồng thì được vay lại 9 đồng và vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh cứ thế “eo hẹp” dần.
Ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cũng cho biết, mong muốn lớn nhất của Nhà máy hiện tại là có nguồn vốn lưu động để sản xuất. Bởi nếu tiếp tục tổ chức sản xuất chỉ bằng nguồn tiền khách hàng thu về thì rất khó khăn.
“Công ty vẫn được khách hàng tiếp tục ứng thêm 63 tỷ đồng đặt mua urê sau khi biết Công ty đã khắc phục xong thiết bị và chuẩn bị chạy lại máy. Số tiền này theo cam kết chỉ khi có sản phẩm mới được sử dụng cho sản xuất kinh doanh. Trước đó, khách hàng đã cho vay 92 tỷ đồng để chuẩn bị chạy máy và khắc phục sự cố”, ông Nhẫn cho biết.
Đứng trước khó khăn, lãnh đạo Nhà máy Đạm Ninh Bình đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ để ngân hàng cho vay 350 tỷ đồng làm vốn lưu động, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đề nghị ngân hàng cho vay hơn 200 tỷ đồng trong 3 năm để thực hiện kế hoạch đại tu năm 2018. Việc vay vốn phải được thực hiện càng sớm càng tốt do vật tư dự phòng đặt hàng sẽ cần từ 6 - 8 tháng chế tạo trước khi chuyển cho bên mua.
Ngoài ra, lãnh đạo Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng muốn được ngân hàng ưu tiên thu gốc trước, lãi thu sau và cho vay với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp ưu đãi nhất.
Theo Báo Đấu thầu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy