Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia đều cho rằng hoạt động cho vay cầm đồ hiện nay tồn tại rất nhiều vi phạm, đặc biệt là các chuỗi cầm đồ đang nở rộ gần đây.
Tuy nhiên, mô hình này lại đang bị bỏ ngỏ nhiều khâu, chưa được quản lý chặt chẽ dẫn tới tình trạng sai phạm tràn lan.
Cả làng cùng sai?
Là nhóm cho vay theo quy định của Bộ Luật dân sự, lãi suất của cho vay cầm đồ hiện nay không được vượt quá con số 20%/năm. Tuy nhiên, theo ông LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, hầu hết cửa hàng cầm đồ hiện nay đều vượt quá con số này.
Vị luật sư cũng phân tích, cầm đồ là hoạt động chỉ được phép cho vay qua cầm cố tài sản và định giá trên cơ sở tài sản đó, nếu trả được nợ thì lấy đồ về, không trả được thì phải mất đồ. Đồng thời, trong cho vay cầm đồ cũng không có khái niệm thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm.
“Thực tế hoạt động này đang vi phạm nghiêm trọng các quy định về cho vay dân sự, thậm chí cả làng cùng sai nhưng không ai để mắt tới”, ông Đức nói.
Trong hoạt động cầm đồ không có khái niệm thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm. Ảnh: Hà Phương.
Ông Đức liệt kê, cầm đồ online, cho vay tín chấp, cho vay bảo đảm bằng tài sản không phải đồ như bằng cấp, chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên… Thậm chí, cho vay thế chấp sổ đỏ cũng không thuộc diện cho vay của cầm đồ.
“Đã là cầm đồ thì phải mang đồ đến giao cho người cầm cố, chứ làm sao có online. Cho vay tín chấp là sai phạm nghiêm trọng nhưng rất nhiều nơi vẫn quảng cáo công khai. Đây là hoạt động của ngân hàng chứ không phải các cửa hàng cầm đồ” - ông Đức nhấn mạnh.
Theo vị này, các chuỗi cầm đồ chuyên nghiệp hiện nay mọc lên có nhiều nghiệp vụ cho vay như ngân hàng nhưng lại quản lý theo mô hình của cầm đồ truyền thống. Điều này dẫn tới nhiều sai phạm, bất cập của hoạt động cầm đồ.
Niêm yết lãi suất 20%, thực tế đều vượt 100%/năm
Một trong những sai phạm phổ biến nhất của hoạt động cho vay cầm đồ hiện nay chính là lãi suất. Theo luật sư Đức, dù nhiều chuỗi cầm đồ tuyên bố lãi suất niêm yết dưới 20% nhưng con số thực tế đều vượt trên 100%/năm.
“Lãi suất trong lĩnh vực ngân hàng có quy định rất rõ, nhưng trong hoạt động cho vay dân sự dường như chưa có điều gì rõ ràng. Về nguyên tắc, toàn bộ chi phí vay cầm đồ đều phải coi là lãi suất chứ không phải chi phí ngoài lãi”, ông Đức nói.
Lãi suất vay cầm đồ so với các loại hình vay khác:
|
“Lãi suất trên 100% thì gọi là quá đáng, trong khi đó vay các công ty tài chính hợp pháp lãi suất đã là 50-70%”, ông Đức nhấn mạnh.
Còn theo LS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, lãi cộng phí là một cách giải thích Luật không đúng. Lãi suất trong Bộ Luật dân sự là lãi suất cộng với tất cả khoản phí, lệ phí đi kèm chứ không phải niêm yết lãi riêng rồi cộng thêm nhiều khoản phí để lách luật.
Đối với trần lãi suất của cho vay cầm đồ là 20%/năm, dù không phải là mức hợp lý so với mô hình hoạt động nhưng đã là pháp luật thì phải tuân theo.
Trên thực tế, hầu hết cửa hàng cầm đồ hiện nay đều đưa ra mức lãi suất vượt trần quy định 20%. Tuy nhiên, các đơn vị này đều lấy lý do số thu khách hàng không phải là lãi suất mà bao gồm cả các khoản phí như tư vấn, bảo quản tài sản, bảo hiểm khoản vay… còn thực tế lãi suất khoản vay vẫn dưới 20%.
Ai quản lý cho vay cầm đồ?
Một lãnh đạo cấp Vụ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho hay, bản chất hoạt động cầm đồ không phải là cho vay như các tổ chức tín dụng nên hoạt động này thuộc quản lý của Bộ Công Thương chứ không liên quan tới các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Cũng theo vị này, cầm đồ dù là các cửa hàng truyền thống hay chuỗi lớn đều thuộc nhóm quan hệ cho vay dân sự, và tuân theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015. Trong đó quy định lãi suất cho vay không vượt quá 20%/năm.
Nói về trường hợp các cửa hàng cầm đồ cho vay vượt lãi suất quy định, vị lãnh đạo cho hay để làm rõ bản chất phải cần thêm thông tin từ Bộ Tư pháp. Trên thực tế, cho vay dân sự đều phải tuân theo trần lãi suất 20%/năm, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cho vay vượt quá số trên đều coi là vi phạm pháp luật.
Mô hình chuỗi cửa hàng cầm đồ đang nở rộ gần đây. Ảnh minh họa: Ngọc Dương.
TS LS Bùi Quang Tín cũng cho biết các cửa hàng cầm đồ có thể có nhiều đơn vị cấp phép khác nhau tùy theo pháp nhân đại diện.
“Nếu đại diện là công ty thì sẽ xin giấy phép của Sở kế hoạch Đầu tư như một doanh nghiệp bình thường chứ không thuộc diện quản lý của NHNN. Trường hợp là một hộ kinh doanh cá thể thì sẽ xin phép từ quận, thậm chí nhỏ hơn nữa thì xin phép từ phường”, ông Tín nói.
LS Trương Thanh Đức cho hay hoạt động cầm đồ không liên quan tới hoạt động tín dụng ngân hàng.
Trước đây, NHNN từng kết hợp với Bộ Thương mại ban hành văn bản quản lý, nhưng từ lâu hoạt động này đã thuộc về Bộ Công Thương.
“Hiện nay có vài chục loại hình cho vay khác nhau từ Nhà nước, doanh nghiệp cho đến cá nhân không theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Ví dụ như quỹ đầu tư phát triển địa phương cũng là cho vay nhưng lại thuộc diện quản lý của Bộ Tài chính và NHNN không cấp phép”, ông Đức nói.
Theo Zing
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy