Ai sẽ mua “cục nợ” nghìn tỷ - nhà máy xơ sợi Đình Vũ của PVN?
30/09/2016 17:16:47
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN cho biết, nếu được chấp thuận PVN sẽ giảm sở hữu nhà nước tại PVTex xuống 36% hoặc bán toàn bộ nếu tìm được đối tác.

Tin liên quan

Tính đến 30/6, lỗ luỹ kế của nhà máy Xơ sợi Đình Vũ lên đến hơn 3.008 tỷ đồng. Ảnh: TL

Bán toàn bộ nếu tìm được đối tác

Báo cáo về sắp xếp doanh nghiệp năm 2015 và kế hoạch năm 2016 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây cho biết, PVN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại CTCP Hoá dầu và Xơ sợi tổng hợp Dầu khí (PVTex).

Theo đó, PVN sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu 74% tại PVTex để thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, trong trường hợp được chấp thuận, PVN sẽ giảm sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp này xuống 36% hoặc bán toàn bộ nếu tìm được đối tác.

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của PVTex có tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) nhưng ngay từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.

Dự án dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi với mục đích giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may, cụ thể đáp ứng 40% thị phần thị trường sản phẩm xơ và 12% sợi trong nước, hỗ trợ ngành dệt may giảm nhập khẩu, chủ động về nguyên liệu…

Tuy nhiên, dự án đã chậm tiến độ tới 2 năm, khi đi vào hoạt động, vận hành khoảng 7 tháng đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu.

PVTex đã dừng vận hành từ 17/9/2015 do khó khăn, đầu năm 2016 PVTex lên kế hoạch hoạt động trở lại trong quý I/2016 tuy nhiên, nhà máy vẫn “nằm bất động”.

Trước thực tế thua lỗ liên tục, PVN đã từng đề nghị Nhà nước cần có hỗ trợ bằng cơ chế đặc thù đưa nhà máy hoạt động ổn định và thu hồi vốn đầu tư.

Dù có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành dệt may nhưng để doanh nghiệp trong nước tăng mua sản phẩm của PVTex, PVN đã đề nghị Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với sản phẩm sơ sợ polyester nhập khẩu.

Bên cạnh đó, PVN cũng từng đề nghị miễn giảm thuế giá trị gia tăng, miễn giảm chi phí điện nước, chi phí thuê đất, chi phí quản lý, xử lý nước thải của khu công nghiệp Đình Vũ với PVTex trong hai năm…

Báo cáo mới đây của PVTex cho biết, tính đến 30/6 vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã âm 823,1 tỷ đồng, lỗ luỹ kế của nhà máy lên đến hơn 3.008 tỷ đồng.

Lãnh đạo PVTex từng cho biết, việc nhà máy phải tạm ngừng hoạt động vì đầu tư kiểu “đếm cua trong lỗ”, không lường được hết khó khăn khi lấn sân sang làm công nghiệp phụ trợ cho dệt may.

Bán hoặc xử lý thu hồi vốn

Không chỉ sở hữu một công ty với dự án nghìn tỷ đồng trong tình trạng thua lỗ triền miên, lỗ luỹ kế lên đến hơn 3.000 tỷ đồng như PVTex, PVN còn có những dự án nhà máy sản xuất xăng sinh học nghìn tỷ “đắp chiếu” và chủ đầu tư thường xuyên đề xuất các chính sách “hỗ trợ bằng cơ chế đặc thù”.

Tương tự nhà máy xơ sợi Đình Vũ, với cách đầu tư “đếm cua trong lỗ”, PVN từng cho biết, chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học mang tính “đi trước, đón đầu”, đầu tư xây dựng ba nhà máy sản xuất Bio-Ethanol đặt tại Bắc, Trung, Nam với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, nhà máy ethanol Tam Nông (Phú Thọ) vốn đầu tư (tạm tính) 2.484 tỷ đồng từ cuối năm 2011 đã dừng thi công, toàn bộ hệ thống nhà xưởng tạm thời đóng cửa, thuê lực lượng bảo vệ, bố trí một số người bảo dưỡng.

Nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng sau gần 2 năm thi công đã đi vào chạy thử nghiệm nhưng khi xăng sinh học ethanol được sản xuất ra lại không có nơi tiêu thụ, công nhân nghỉ việc, nhà máy phải tạm ngưng hoạt động.

Trong khi, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất với tổng mức đầu tư 2.219 tỷ đồng, công suất của nhà máy đạt 100 triệu lít ethanol/năm cũng phải hoạt động cầm chừng, sống “thoi thóp” từ tháng 4/2015.

Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, với dự án này, cần xem lại, rà soát nguyên nhân vì sao dẫn đến thua lỗ để đưa ra giải pháp khắc phục. Có thể kêu gọi đầu tư hoặc nhà nước bán bớt vốn tại dự án, để doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài xem xét đầu tư.

“Nếu trường hợp xét thấy không thể bảo đảm hiệu quả phải tìm cách xử lý, thu hồi vốn mặc dù có thể thất thoát một phần vốn quan trọng nhưng còn hơn tiếp tục vì có thể sẽ mất nhiều hơn”, ông Hồ nhấn mạnh.  

Theo Bizlive.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến