Mỹ, Anh, Canada và một số nước thuộc EU hôm 26/2 đã cam kết loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. (Ảnh: Russia Bussiness Today/TTXVN)
Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) những ngày gần đây đã tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga khi căng thẳng giữa nước này và Ukraine liên tục leo thang, trong đó bao gồm biện pháp hạn chế quyền tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của các ngân hàng Nga.
Câu hỏi ở đây là những lệnh trừng phạt đó sẽ tác động ra sao đến các ngân hàng và nhà đầu tư?
Những biện pháp trừng phạt từ phương Tây
Mỹ, Anh, Canada và một số nước thuộc EU hôm 26/2 đã cam kết loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, triển khai cái mà Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trước đó gọi là "vũ khí hạt nhân tài chính" vì những thiệt hại mà nó sẽ gây ra cho Nga cũng như các đối tác thương mại của họ.
Vòng trừng phạt mới nhất được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đang nhắm vào "cơ sở hạ tầng cốt lõi" trong hệ thống tài chính Nga, theo đó trừng phạt hai ngân hàng lớn nhất của nước này là Sberbank và VTB. Nằm trong danh sách trừng phạt còn có các ngân hàng như Otkritie, Sovcombank và Novikombank cùng một số lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng quốc doanh.
Theo lệnh trừng phạt, các ngân hàng Mỹ phải cắt đứt quan hệ ngân hàng đại lý - vốn cho phép các ngân hàng thực hiện thanh toán với nhau và giao dịch trên quy mô toàn cầu - với ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank trong vòng 30 ngày.
Ngoài ra, giới chức ở Washington cũng sử dụng công cụ trừng phạt mạnh mẽ nhất của chính phủ khi thêm VTB, Otkritie, Novikombank và Sovcombank vào danh sách thuộc quốc gia bị chỉ định trừng phạt đặc biệt. Động thái này sẽ đẩy các ngân hàng đó ra khỏi hệ thống tài chính của Mỹ, cấm giao dịch với công dân Mỹ và đóng băng tài sản của họ ở Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng nhằm vào hai ngân hàng quốc doanh của Belarus là Belinvestbank và Bank Dabrabyt - dựa trên cáo buộc nước này đã hỗ trợ Nga.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được đưa ra ngay sau khi Chính phủ Anh cho biết họ sẽ áp đặt lệnh đóng băng tài sản đối với tất cả các ngân hàng lớn của Nga, bao gồm cả VTB và ngăn các công ty lớn đang huy động vốn ở Anh. Thủ tướng Boris Johnson cũng cho biết các ngân hàng Nga sẽ bị cấm tiếp cận thị trường đồng bảng Anh và hoạt động thanh toán bù trừ tại đây.
Chính phủ Anh cũng tuyên bố đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các thành viên của giới chính trị và tài chính Nga. Hơn 100 cá nhân, tổ chức và công ty con dự kiến sẽ bị ảnh hưởng theo biện pháp này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 25/2 cho biết các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý các biện pháp trừng phạt nhằm vào 70% thị trường tài chính Nga. Khối đã áp đặt lệnh cấm phát hành trái phiếu, cổ phiếu hoặc khoản vay ở EU để tái cấp vốn cho ngân hàng Alfa và Otkritie, sau khi đóng băng tài sản của ngân hàng Rossiya, Promsvyazbank và VEB hồi đầu tuần.
Tuy nhiên, ba ngân hàng hàng đầu của Nga là Sberbank, VTB và Gazprombank chưa phải đối mặt với lệnh đóng băng tài sản của EU.
Khối cũng đặt ra mức giới hạn 100.000 euro (112.700 USD) đối với tài khoản ngân hàng mở tại EU của công dân Nga, những người sẽ không được phép mua cổ phiếu mệnh giá bằng euro.
Việc tái cấp vốn tại EU đối với các doanh nghiệp nhà nước Nga cũng bị cấm, trừ một số dịch vụ tiện ích cơ bản. Các trung tâm thanh toán chứng khoán ở EU sẽ không được phép phục vụ các đối tác Nga.
Bên nào sẽ chịu thiệt hại lớn hơn?
Lệnh cấm tiếp cận SWIFT sẽ đi kèm với các lệnh trừng phạt khác nhằm hạn chế khả năng kinh doanh quốc tế của một số ngân hàng lớn nhất của Nga.
Theo giới quan sát, các biện pháp trừng phạt nhắm vào gần 80% tổng số tài sản ngân hàng của Nga. Các thể chế tài chính của nước này có khả năng đối phó với các lệnh trừng phạt tốt hơn 8 năm trước đó, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ không chịu thiệt hại.
Nhiều nước châu Âu đã thông báo đóng cửa không phận với máy bay Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ Tài chính Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt hôm 24/2 sẽ làm gián đoạn các giao dịch ngoại hối hàng ngày trị giá hàng tỷ USD do các tổ chức tài chính Nga thực hiện.
Nhìn chung, các tổ chức này mỗi ngày thực hiện lượng giao dịch ngoại hối có giá trị khoảng 46 tỷ USD, 80% trong số đó là bằng USD. Phần lớn các giao dịch đó hiện giờ sẽ bị gián đoạn vì lệnh cấm.
Ngân hàng Sberbank nói rằng họ đã chuẩn bị cho bất kỳ diễn biến nào. VTB cũng cho hay đã chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất.
Về phần mình, giới ngân hàng và các chủ nợ phương Tây từ trước khi các lệnh trừng phạt được đưa ra đã lo ngại viễn cảnh Nga bị chặn tiếp cận SWIFT, một hệ thống thanh toán được hơn 11.000 tổ chức tài chính ở hơn 200 quốc gia sử dụng.
Các ngân hàng lớn của Nga đã hội nhập sâu rộng vào hệ thống tài chính toàn cầu, đồng nghĩa là bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với các tổ chức tài chính lớn nhất có thể dẫn tới tác động vượt khỏi biên giới nước này. Việc loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT sẽ khiến hoạt động giao dịch khó khăn và tốn kém hơn.
Lệnh trừng phạt cũng dự kiến sẽ tổn thương các đối tác thương mại của nước Nga ở châu Âu và những nơi khác. Giới chức phương Tây cho biết việc chặn các ngân hàng Nga khá khó khăn về mặt kỹ thuật và sẽ gây tổn hại cho các đối tác thương mại. Chẳng hạn, đã có những lo ngại về việc sẽ thanh toán cho nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga ra sao và liệu các chủ nợ nước ngoài có được thanh toán hay không.
Nhiều ngân hàng nước ngoài đã giảm đáng kể mức độ tiếp xúc với ngành tài chính Nga kể từ sự kiện sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Song một số ngân hàng phương Tây vẫn tham gia các thương vụ khác nhau cũng như có nhiều mối quan hệ khác.
Dựa trên số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các ngân hàng của Italy và Pháp đều có khoản nợ chưa thu trị giá khoảng 25 tỷ USD đối với Nga trong quý 3 năm 2021. Đối với các ngân hàng Áo, con số này là khoảng 17,5 tỷ USD, cao hơn mức 14,7 tỷ USD của Mỹ.
EU tuy cam kết áp đặt các hạn chế lên Ngân hàng trung ương Nga để giảm khả năng hỗ trợ đồng ruble, song họ vẫn chưa nêu rõ những ngân hàng nào khác sẽ bị đưa vào tầm ngắm. Giới chuyên gia cho hay điều đó sẽ rất quan trọng đối với tác động của biện pháp này.
Hội đồng châu Âu ngày 25/2 thông báo sẽ tạm đình chỉ mọi sự tham gia của Nga tại cơ quan này liên quan chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông Sergey Aleksashenko, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương Nga hiện đang sống ở Mỹ, cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể sẽ ảnh hưởng mạnh đến đồng ruble khi thị trường mở cửa vào thứ Hai (28/2). Điều đó có thể dẫn đến việc nhiều mặt hàng ngừng xuất khẩu sang Nga nếu doanh nghiệp không thể thực hiện thanh toán cho chúng.
Nhưng tác động của các biện pháp có thể giảm bớt nếu các ngân hàng trong tầm ngắm lần này vốn đã bị trừng phạt từ trước và Ngân hàng trung ương Nga có thời gian để chuyển tài sản đi nơi khác. Còn nếu đó là 30 ngân hàng hàng đầu của Nga, vấn đề sẽ hoàn toàn khác.
Trong khi chờ đợi thêm thông tin chi tiết, chính phủ Đức hôm 26/2 đã đề xuất rằng các đồng minh nên tìm cách cấm các ngân hàng Nga tiếp cận những chức năng cụ thể của hệ thống SWIFT nhằm hạn chế thiệt hại tài sản liên đới cho các ngân hàng phương Tây./.
Tác giả: H.Thủy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- luận văn thạc sĩ ngành kinh tế chính trị
- mở tài khoản chứng khoán online
- The true cost of outsourced bookkeeping service
- Top accounting bpo company in Vietnam
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy