Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (23/3), khi nỗi lo về kế hoạch hạ tầng và khả năng tăng thuế để chi trả cho việc kích cầu đè nặng lên tâm trí nhà đầu tư - những người vốn dĩ đã tin rằng thị trường còn có thể tiếp tục đi xuống.
Theo tin từ Reuters, phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Trên cơ sở này, bà Yellen bảo vệ việc chính quyền Tổng thống Joe Biden lên kế hoạch tăng thuế trong tương lai để chi trả cho kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cũng như kế hoạch kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD thông qua mới đây. Triển vọng thuế tăng khiến giới đầu tư ở Phố Wall lo sợ.
Trước phiên nay, nhà đầu tư vốn đã lo rằng mức định giá cổ phiếu đã bị đẩy lên quá cao sau đợt tăng kéo dài. Những phát biểu của bà Yellen về kế hoạch hạ tầng như một "đám mây đen"mới phủ bóng lên thị trường - theo ông Rick Meckler, nhà quản lý thuộc Cherry Lane Investments.
"Thị trường vốn đã tính đến nguy cơ có một đợt bán tháo trong tương lai", ông Meckler nói. "Bất kỳ cảm giác lo lắng nào xuất hiện cũng khiến nhà đầu tư bán cổ phiếu nhanh hơn".
Các chỉ số đã giằng co trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, rồi chuyển hẳn sang sắc đỏ trong khoảng 45 phút trước khi thị trường đóng cửa.
Cùng điều trần với bà Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho rằng việc giá cả tăng lên khi đại dịch lắng xuống sẽ không dẫn tốc độ lạm phát cao và kéo dài tới mức nguy hiểm. Gần đây, nỗi lo lạm phát đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ leo thang mạnh, khiến cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.
Giá dầu thô sụt khoảng 6% phiên này vì lo ngại các biện pháp chống làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu và chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp ở khu vực này sẽ cản trở sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Sau khi đạt mức cao nhất 14 tháng trên 1,75% trong tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục đi xuống, hiện còn hơn 1,6%. Lợi suất hạ nhiệt cũng là một nguyên nhân khiến giá dầu giảm.
Trái lại, những cổ phiếu gần đây giảm mạnh do lợi suất tăng đang có chiều hướng hồi phục, theo ông Peter Tuz - Chủ tịch Chase Investment Counsel. "Nhiều cổ phiếu công nghệ đã điều chỉnh 10-20%. Giờ đây, khi lãi suất giảm xuống, dòng tiền đang quay trở lại với những cổ phiếu này, và rút khỏi những cổ phiếu đã tăng mạnh trong 3 tháng qua, nhất là cổ phiếu tài chính và năng lượng".
Nếu tính từ mức đáy trong đại dịch Covid-19 vào năm ngoái, hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones hiện đã tăng khoảng 80%, trong khi chỉ số Nasdaq tăng gấp hơn 2 lần.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,94%, còn 32.423,15 điểm. S&P 500 giảm 0,76%, còn 3.910,52 điểm. Nasdaq giảm 1,12%, còn 13.227,7 điểm.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 3,42 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, số mã giảm nhiều gấp 6,64 lần số mã tăng. Toàn thị trường có 12,1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 14,04 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Tác giả: Bình Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy