Dòng sự kiện:
Ấn Độ tặng tiêm kích MiG-21 cho Putin
05/10/2018 15:00:01
Việc Ấn Độ tặng tiêm kích MiG-21 cho Tổng thống Nga là động thái mang tính biểu tượng, thể hiện quan hệ hợp tác lâu năm giữa hai nước.

Tổng thống Nga (trái) và Thủ tướng Ấn Độ gặp nhau tối 4/10. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tặng ba tiêm kích đánh chặn MiG-21 sản xuất tại Ấn Độ cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô New Delhi ngày 5/10. Giới chuyên gia đánh giá đây là hành động thể hiện sự ủng hộ của Ấn Độ với vũ khí Nga, cũng như đề cao mối quan hệ quốc phòng kéo dài hàng chục năm giữa hai nước, theo Indian Express.

Trong thập niên 1960, Mỹ và Anh từ chối bán tiêm kích phản lực siêu âm cho Ấn Độ, buộc nước này đặt mua 1.200 chiếc MiG-21 từ Liên Xô. New Delhi sau đó được Moskva chuyển giao toàn bộ công nghệ để sản xuất dòng MiG-21 nội địa. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga tiếp tục trở thành đối tác quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ.

Không quân Ấn Độ đang vận hành 244 máy bay MiG-21, với vai trò tiêm kích tiền tuyến chủ lực bên cạnh những chiến đấu cơ Su-30MKI hiện đại.

Động thái tặng tiêm kích MiG-21 của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh New Delhi đang tăng cường quan hệ quốc phòng với Washington bằng việc đặt mua nhiều khí tài hiện đại như máy bay tuần thám P-8I Poseidon, cũng như theo đuổi hợp đồng mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga bất chấp đe dọa cấm vận từ Mỹ.

Trong hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn hôm nay, Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi dự kiến ký nhiều hợp đồng quân sự với tổng trị giá trên 7 tỷ USD. New Delhi sẽ chi 5,2 tỷ USD cho 5 trung đoàn tên lửa phòng không tầm xa S-400. Nước này cũng đầu tư 2,2 tỷ USD để mua 4 tàu hộ vệ tên lửa Đề án 11356, trong đó hai chiếc được chế tạo tại Ấn Độ.

Tiêm kích MiG-21 trong biên chế không quân Ấn Độ. Ảnh: IAF.

Lãnh đạo Nga và Ấn Độ cũng sẽ bàn về cơ chế thanh toán mới, nhằm tránh phụ thuộc vào đồng USD và hạn chế ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cảnh báo Washington nhiều khả năng sẽ không đưa New Delhi vào danh sách miễn trừ khỏi Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) nếu Ấn Độ theo đuổi hợp đồng mua tên lửa S-400 Nga. Lầu Năm Góc lo ngại hợp đồng S-400 giữa Moskva và New Delhi sẽ tác động tiêu cực tới các thương vụ xuất khẩu máy bay không người lái Predator và lá chắn tên lửa Patriot ra quốc tế của Washington.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến