Dòng sự kiện:
An ninh tiền tệ và truyền thông - Vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài
27/08/2014 10:26:10
(ANTT.VN) - Để phát triển bền vững thì trước hết cần phải ổn định và muốn ổn định thì phải bảo đảm an ninh. Trong nhiều thứ an ninh hiện nay, thì an ninh tiền tệ có vai trò rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài và an ninh tiền tệ cần gắn với truyền thông
An ninh tiền tệ có thể được coi là có vai trò quan trọng hàng đầu các loại an ninh trong lĩnh vực kinh tế, vì tiền tệ có nhiều chức năng, có liên quan đến mọi hàng hoá và dịch vụ, đến mọi thị trường, đến mọi người, đến tỷ giá, đến lạm phát/thiểu phát, đến lòng tin… Nói đến an ninh tiền tệ là nói đến chống nạn tiền giả, nạn rửa tiền, nạn ăn cắp/ăn cướp tiền, chống đa la hoá, chống vàng hoá và rộng hơn là bảo đảm sự ổn định giá trị của đồng tiền...

Hãy bắt đầu từ nghĩa rộng của an ninh tiền tệ là bảo đảm sự ổn định giá trị của đồng tiền. Giá trị của đồng tiền được biểu hiện trước hết ở lạm phát hay thiểu phát. Lạm phát thấp là một trong bốn đỉnh của tứ giác mục tiêu (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán và thất nghiệp). Chính vì vậy, mà mục tiêu từ 2011 đến nay cũng như dự kiến kế hoạch 5 năm 2016-2020, lạm phát thấp được đặt ở vị trí hàng đầu với các trạng thái được nâng cấp trình độ, từ “kiềm chế lạm phát”, “kiềm chế lạm phát theo mục tiêu”, đến “kiểm soát lạm phát”. Bảo đảm sự ổn định giá trị đồng tiền cũng có nghĩa là chống thiểu phát, bởi thiểu phát sẽ có hiệu ứng phục là làm cho kinh tế không tăng trưởng, rơi vào trì trệ. Giá trị của đồng tiền còn được biểu hiện ở tỷ giá VND/ngoại tệ. Về biểu hiện này hiện có 3 điểm đáng lưu ý:

(1)Tỷ giá VND/USD đã chuyển từ tăng cao sang ổn định từ 3 năm nay.

(2) Các yếu tố góp phần ổn định tỷ giá và tỷ giá ổn định đã góp phần làm cho cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, góp phần làm tăng an ninh tài chính quốc gia, tăng tính thanh khoản của đất nước.

(3) “Cánh kéo tỷ giá” còn lớn, thể hiện ở hệ số giữa tỷ giá hối đoái/tỷ giá sức mua tương đương của Việt Nam còn khá lớn (năm 2012 là 2,86 lần- tức là 1 USD tại Việt Nam có sức mua cao gấp 2,86 lần 1 USD tại Mỹ), cao hơn hệ số tương ứng của nhiều đồng tiền (đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc là 1,8 lần, Đồng Yên Nhật Bản là 0,76 lần, Đồng Won Hàn Quốc là 1,33 lần, Đồng Rupia Inđônêxia là 2,53 lần, Đồng Ringít Malaixia là 2,14 lần, Đồng Pesô Philipin là 2,36 lần, Đồng Đôla Xingapo là 1,4 lần, Đồng Bath Thái Lan là 2,52 lần…). “Cánh kéo tỷ giá” của Việt Nam rộng hơn, chứng tỏ việc định giá thấp đồng VND- tuy có lợi trong việc khuyến khích xuất khẩu, nhưng lại thiệt khi nhập khẩu, khi vay nợ và trả nợ (khi tính bằng VND).

Về chống nạn tiền giả, ngành Ngân hàng đã phối hợp với các ngành Công an, các ngành khác làm tích cực, đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, lơ là, vì “buôn bạc giả” thời nào cũng có và đều bị xử lý thật nghiêm. Về tội phạm “rửa tiền” cần được quan tâm điều tra xác minh trong điều kiện Việt Nam mở cửa, hội nhập ngày một sâu rộng, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam hiện nay giá cả nhiều loại tài sản, doanh nghiệp đang ở mức thấp. Tình trạng ăn cắp/ăn cướp tiền qua thẻ, máy ATM... sẽ ngày một tinh vi.

An ninh tiền tệ đồng nghĩa với việc chống đô la hoá, chống vàng hoá. Kiềm chế lạm phát ở mức thấp là công cụ chống đô la hoá, chống vàng hoá một cách hữu hiệu nhất. Ổn định tỷ giá, phương thức điều chỉnh tỷ giá tránh giật cục, điều hành lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ theo hướng nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

An ninh tiền tệ gắn với sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Nói đến an toàn hệ thống. Bản thân từng ngân hàng thương mại phải thực hiện đúng quy định của pháp luật trong sở hữu, nâng cao trình độ quản lý, quản trị nội bộ, quản trị rủi ro, khống chế nợ xấu, có dự phòng tài chính đầy đủ... Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường giám sát kiểm tra để khắc phục tình trạng sở hữu chéo, các địa gia sân sau các ngân hàng...

An ninh tiền tệ cần gắn chặt với truyền thông, với việc công bố thông tin và ứng xử với các tin đồn. Trong cơ chế thị trường, trong lĩnh vực tài chính- tiền tệ, thông thường có rất nhiều tin đồn, bởi vì:

(1) Đây là lĩnh vực rộng lớn, nhạy cảm, liên quan đến được/mất rất lớn.

(2) Việc công bố thông tin vừa không kịp thời, vừa không chính xác, vừa thiếu thống nhất.

(3) Thị trường chứng khoán mới thu hút được ít doanh nghiệp (khoảng 1,5‰); việc minh bạch công khai còn hạn chế.

(4) Việc đầu tư trên các thị trường phần đông là các cá nhân, thường theo phong trào, theo tin đồn.

Chính tin đồn, nhất là liên quan đến sự chạy trốn của người này, việc bị bắt của người kia, sự mắc bệnh hiểm nghèo của người nào đó... trong thời gian qua đã gây ra sự hoảng loạn thái quá, làm cho thị trường mất hàng tỷ Đô mỗi lần, không chỉ liên quan đến kẻ đầu cơ, các nhà đầu tư, mà còn liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, đến thị trường. Do vậy, thông tin cần được minh bạch; cần được công bố công khai (trừ những thông tin đời tư, thông tin theo danh mục bí mật quốc gia); cần được phân tích, dự báo...

Minh Anh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến