Dòng sự kiện:
Ăn Tết hay chơi Tết: Ăn hay chơi không cần quá rạch ròi!
16/02/2018 09:37:37
Làm sao để hài hòa được nét truyền thống và hiện đại trong việc ăn Tết cổ truyền dân tộc?

PV Infonet có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Linh, Phó bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk, một người rất tâm huyết với quan niệm ăn Tết cổ truyền.

Ông Trần Xuân Linh (Phó bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk)

PV: Thưa ông, ý nghĩa của Tết cổ truyền dân tộc đối với người Việt Nam như thế nào?

Ông Trần Xuân Linh: Chữ Tết là do biến âm của chữ Tiết mà ra. Tết nằm ở trục thời gian (ứng với lịch âm dương, tính theo hệ can chi, được phân bố theo chu kì sản xuất nông nghiệp khép kín, và thường "rơi" vào thời điểm nông nhàn trong năm, nhất là vào mùa Xuân).

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Việt, Tết Việt là một nghi lễ cổ truyền, thường bao gồm 2 phần: Lễ cúng tổ tiên và Ăn (những đồ đã cúng và những món ăn cổ truyền như thịt gà, lợn, dưa hành, bánh chưng…). Và có lẽ trong tâm thế người nông dân Việt như muốn bù lại, muốn thưởng cho mình một năm làm ruộng vất vả, nên phải được sung sướng bằng "ăn Tết".

Thường thường, ăn Tết cũng là dịp sum họp gia đình, ai ai dù đi khắp bốn phương trời, đến ngày Tết Nguyên đán vẫn thích về nhà, về quê, quây quần ăn Tết với người ruột thịt. Cho nên, ăn Tết là quan trọng và thiêng liêng đối với người Việt, mong cầu cho một năm mới khởi đầu đầy may mắn và hạnh phúc. Từ một đất nước trên 90% là nông dân, chủ yếu sản xuất nông nghiệp mà sản phẩm hàng đầu là lúa nước. Ngày nay, đất nước đã đổi mới, đời sống người dân đa số đã thay đổi, chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn.

Khái niệm “ngày ba, tháng tám” năm xưa đã qua, cảnh thiếu ăn đã cơ bản được đẩy lùi... Ngày nay, chuyện ăn uống đã bắt đầu được chú ý khoa học hơn. Ăn ngon, ăn sạch, ăn đẹp... đã thành yêu cầu của cuộc sống. Đây cũng chính là những yếu tố có tác động trở lại với mọi sinh hoạt của chúng ta hôm nay.

Vậy quan điểm của cá nhân ông về vấn đề “Ăn Tết” như thế nào?

Ông Trần Xuân Linh: Có lẽ “Ăn Tết” là khái niệm đã có lâu đời nhất. Tết Nguyên Đán cũng đánh dấu là ngày khởi đầu cho một mùa Xuân mới, một năm mới, đây là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Tết đến gia đình nào cũng vậy, dù sang hay khó cũng chuẩn bị mâm cơm ngày Tết thịnh soạn mà ngày thường không có. Và trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình không thể thiếu cặp bánh chưng xanh.

Tùy từng vùng miền, mỗi nơi có  những sản phẩm đặc trưng khác nhau, như ở một số tỉnh miền Trung còn có bánh tét, ngoài Bắc thì có thêm bánh dày.... Do đó, Tết không chỉ là dịp để gia đình sum họp mà còn là dịp thể hiện nét văn hóa ẩm thực độc đáo của từng vùng miền.

Ngày nay, cùng với sự hội nhập quốc tế, Tết cổ truyền Việt Nam cũng đã có một số thay đổi, nhất là ở các đô thị. Không khí Tết dường như trầm lắng hơn, phần “ăn” đã giảm nhẹ rất nhiều so với trước đây, nhưng không có nghĩa là không còn.

Thế còn "chơi Tết” như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Xuân Linh: Cũng có nhiều quan điểm cho rằng, ngày nay vật chất khá no đủ, hàng ngày đã ăn nhiều lắm rồi, cho nên Tết đến nên dành cho nghỉ ngơi, sinh hoạt văn hoá tinh thần nhiều hơn. Nhưng “chơi Tết” là chơi như thế nào? Ngày nay, đa số chúng ta vì mưu sinh nên phải xa quê, ít khi về thăm bố mẹ, anh em, họ hàng.

Do vậy Tết là dịp để chúng ta có thể về với tổ tiên, quê hương, nguồn cội. Có thể ôn lại tuổi thơ như làm bánh mứt, gói bánh chưng,... tuy có chút vất vả nhưng mà vui vì chúng ta được gần gũi bố mẹ, cháu được gần gũi ông bà, được quây quần bên nhau, để tình cảm gia đình thêm khăng khít đậm đà. Rồi cả nhà cùng nhau đi chợ Tết, đi chúc tết ông bà và họ hàng... Nhờ đó thế hệ trẻ sau này sẽ hiểu thêm về quê hương, đất nước, về truyền thống gia đình, dòng họ....

Thế nhưng, cũng có người cho rằng nên đưa gia đình đi đâu đó chơi Tết như đi du lịch, nghỉ dưỡng... Tôi nghĩ là một năm 360 ngày, chúng ta bận bịu với công việc, Tết là lúc đầm ấm, sum vầy, vậy nếu mọi người chỉ nghĩ là cứ đi đâu đó thì có lẽ chẳng còn gì là Tết nữa, mà như vậy các thế hệ nối tiếp chúng ta sẽ ứng xử như thế nào với Tết cổ truyền của dân tộc ta.

Theo tôi nghĩ, “ăn Tết” và “chơi Tết” cũng đâu phải quá rạch ròi, cần phải được đổi mới, vừa truyền thống, vừa hiện đại, phù hợp với điều kiện lịch sử, cụ thể mà không thiên lệch. Cần có “ăn Tết” nhưng không quá nặng về vật chất, mà cần chú ý chất lượng, cần sự sáng tạo cho kho tàng ẩm thực của dân tộc ta thêm phong phú, phát triển.

Còn “chơi Tết” thực chất là giao lưu văn hoá, để làm giàu thêm văn hoá truyền thống, bản sắc của dân tộc, vun đắp, nuôi dưỡng cho các thế hệ mai sau hiểu và thêm yêu quê hương đất nước, yêu con người Việt Nam cũng như lòng biết ơn tiên tổ đã dựng xây, bảo vệ, vun đắp Tổ quốc này cho mỗi chúng ta.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến