Họ chính là những người vợ, là hậu phương vững chắc để các chiến sĩ bộ đội biên phòng yên tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đóng quân ở các huyện biên giới vùng cao, quanh năm gắn bó với nhân dân vùng biên giới. Với họ, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
Xa người thân, xa gia đình với họ là chuyện thường tình, nhưng người thiệt thòi nhất là vợ của các anh. Vẫn biết thiệt thòi, song bằng tình yêu mãnh liệt của các chị dành cho người lính biên phòng mà điều đó lại trở thành niềm vui, hạnh phúc.
Tết Nguyên Đán là ngày đoàn viên, là ngày mà mọi người cố gắng sắp xếp công việc để về sum họp cùng với gia đình, nhưng đối với gia đình có chồng là người chiến sỹ biên phòng hầu như ngày Tết họ phải chịu đựng sự xa cách, hy sinh hạnh phúc của riêng mình cho cái chung của Tổ quốc.
Thời chiến hay thời bình, vợ của những người lính luôn vượt qua gian khổ, xây dựng hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác
Chị Dương Thị Lộc, trú tại xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) có chồng là Trung uý Lê Phi Hùng, hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đóng chân trên biên giới Việt - Lào. Chồng mình là bộ đội nên việc chăm lo gia đình, dạy dỗ các con nên người một tay chị làm.
Chị tâm sự rằng: “Đã xác định lấy chồng bộ đội thì rất vất vả, nhưng chị cố gắng vượt qua, trước hết là phải lo chu toàn việc trong gia đình, lo cho con cái hàng ngày ăn uống, học hành; đồng thời, chị thường xuyên động viên anh yên tâm công tác, cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặc dù chị vất vả, nhưng anh Hùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thì đó cũng là động lực để chị chăm các cháu và lo mọi việc cho gia đình”.
Tết năm nay cũng giống như Tết mọi năm, chị Lộc 1 mình dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ và sửa soạn hương hoa, bánh trái dâng lên bàn thờ tổ tiên cúng tất niên. Những lúc như thế này, mẹ con chị lại lấy hình chụp gia đình ra xem, để nhớ về những kỷ niệm khi có chồng, có bố ở nhà.
Ngày Tết nhìn gia đình nhà người khác được sum vầy, chở nhau đi chúc tết, chị Lộc càng cảm thấy trống vắng và tủi thân. Để lấp đầy những khoảng trống vắng đó, chị lại không ngừng nỗ lực nuôi dạy các con nên người. Còn anh Hùng chồng chị Lộc chỉ có những tấm hình, tấm Huân chương chiến sỹ vẻ vang là tài sản vô giá mà anh có thể dành tặng cho vợ và các con.
Cũng có chồng là BĐBP, chị Bùi Thị Hương là giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), vợ Trung tá Thạch Hữu Trung, hiện đang công tác tại Đồn biên phòng Đèo Ngang hạnh phúc hơn chị Lộc vì được ở gần nơi chồng đóng quân.
"Gọi là ở gần nhưng cũng chỉ ngày nghỉ cuối tuần nếu đơn vị ít việc thì các anh mới được chỉ huy đơn vị giải quyết nghỉ tranh thủ. Mỗi khi Tết đến xuân về hay những lúc trái gió trở trời, con ốm đau cũng một tay chị cáng đáng, cũng có lúc buồn tủi bởi bao nhiêu gia đình khác lúc khó khăn đều có người đàn ông bên cạnh để làm chỗ dựa. Nhưng trước khi lấy anh, chị cũng tự nhủ mình phải cứng rắn để anh còn an lòng công tác", chị Hương nói.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh chia sẻ: "Tôi cũng 24 năm công tác trên biên giới, tôi thấu hiểu anh em hơn ai hết. Bây giờ là thời bình nhưng 2 năm, 3 năm thậm chí 5 năm không về quê đón Tết cùng gia đình là chuyện bình thường của chiến sỹ biên phòng. Với chúng tôi, nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu, vì nhiệm vụ chúng tôi sẵn sàng hi sinh cả cuộc sống riêng tư, bỏ qua những phút giây đoàn tụ đầm ấm bên người thân mỗi độ Tết đến Xuân về, bám trụ với miền biên ải Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Chính vì lẽ vậy, hậu phương BĐBP là thiệt thòi nhất nên tôi luôn nhắc nhở anh em trên 2 tuyến, phải động viên cho vợ con hiểu về nhiệm vụ. Tỉnh mình còn đỡ, có những tỉnh còn khó khăn hơn mình nữa".
Cũng theo Đại tá Hải, trong dịp Tết này, Đảng ủy, Bộ chỉ huy đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt tất cả các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về bảo vệ Tết đến mọi cán bộ, chiến sĩ. Với quyết tâm vui xuân mới không quên nhiệm vụ, đảm bảo giữ vững biên giới, địa bàn vững mạnh, bình yên, đảm bảo cho quần chúng nhân dân trong nội địa đón một cái Tết đầm ấm, vui vẻ, an toàn.
Cuộc sống của những gia đình chiến sỹ biên phòng có thể không khó khăn về kinh tế, nhưng họ luôn thiếu thốn về mặt tinh thần, biết bao nỗi cơ cực, bao buồn tủi đều được các chị, các mẹ nén chặt trong lòng, nhiều lúc sự nhớ nhung trào dâng đành ôm con ngồi khóc. Có thể nói, ở thời chiến hay thời bình, vợ của những người lính luôn vượt qua gian khổ, xây dựng hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.
Khánh Linh - Quốc Hoàn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy