Dòng sự kiện:
Anh hùng Nguyễn Tài và ký ức về ngày 30/4
26/04/2015 16:04:30
Đúng trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, đồng chí Nguyễn Tài được bộ đội ta giải thoát. Sau cảnh lao tù, ông trở lại với công việc của mình với cương vị Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban An ninh thành phố vừa mới được giải phóng, rồi là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Năm tháng qua đi, vượt lên những thăng trầm và vết thương thời hậu chiến ông đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Đúng trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, đồng chí Nguyễn Tài được bộ đội ta giải thoát. Sau cảnh lao tù, ông trở lại với công việc của mình với cương vị Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban An ninh thành phố vừa mới được giải phóng, rồi là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Năm tháng qua đi, vượt lên những thăng trầm và vết thương thời hậu chiến ông đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

anh-hung-nguyen-tai-trong-le-don-nhan-danh-hieu-AHLLVTND

Đồng chí Nguyễn Tài trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (nguồn: Internet)

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hằng năm cứ vào dịp kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất lại là một dịp tôi nhớ đến một cán bộ lão thành đã từng là Trưởng ty Công an Hà Nội trong những ngày đầu dựng nước, mười năm sau là Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị (Bộ Công an), tình nguyện đi chiến trường trong những năm cả nước sôi sục đánh Mỹ rồi bị địch bắt vào dịp Noel năm 1970. Mặt đối mặt với các nhân viên CIA trong suốt 4 năm, 4 tháng, 10 ngày trong nhà tù của Mỹ - ngụy, song ông vẫn giữ được khí phách trung kiên của người Công an cách mạng.

Mùa xuân năm 1975 khi Sài Gòn được giải phóng, ông được bộ đội ta giải thoát. Sau cảnh lao tù, ông trở lại với công việc của mình với cương vị Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban An ninh thành phố vừa mới được giải phóng. Sau đó ít lâu, ông được bổ nhiệm giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Năm tháng qua đi, vượt lên những thăng trầm và vết thương thời hậu chiến ông đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Người anh hùng ấy là đồng chí Nguyễn Tài.

Trong cuốn hồi kí của mình, đồng chí Nguyễn Tài viết: “Ngày 23 tháng 12 năm 1970, tôi bị địch bắt trên đường đi công tác. Thời gian đầu còn giấu được tung tích, lừa địch bằng một bình phong giả tạo; nhưng sáu tháng sau do một sơ hở từ bên ngoài, rồi do bọn phản bội khai báo, nhận diện, tôi bị lộ tung tích.

Kể từ đó, một cuộc đấu tranh trực diện gay go, quyết liệt đã diễn ra đối với tôi trong hoàn cảnh bị biệt giam từ đầu đến cuối, khi thì với bọn tình báo ngụy, khi thì với bọn CIA Mỹ. Theo nhiều tin tức mà tôi nắm được, địch có chủ trương giết tôi vào những ngày cuối cùng tháng 4 năm 1975, nhưng bọn tay sai dưới quyền không dám thi hành vì thời điểm này quân ta đã tiến sát Sài Gòn. Cuối cùng tôi đã được bộ đội ta giải thoát khỏi nhà tù số 3 đường Bạch Đằng vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975”.

Vẫn theo ký ức của anh hùng Nguyễn Tài thì buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm ấy khi được giải thoát, bộ đội ta tạm đưa ông về nơi trú quân ở Bộ Tư lệnh Hải quân của ngụy cũng ở đường Bạch Đằng. Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, do đơn vị này còn phải tiếp tục hành quân để thực hiện nhiệm vụ mới nên họ phải gửi ông cho một đơn vị bộ đội của ta ở Dinh Độc Lập và đợi các thành viên của Ủy ban quân quản.

Do nóng lòng gặp lại tổ chức, ông quyết định rời khỏi Dinh Độc lập để tìm gặp gia đình cơ sở, nơi đã nuôi dưỡng và che chở ông một thời gian dài trong những ngày ông hoạt động bí mật ở thành phố. Nhưng khổ một nỗi, ra khỏi trại giam, bước ta đường phố, ông không một xu dính túi, chỉ kịp thay bộ quần áo khác, râu ria mọc tua tủa. Giữa lúc còn đang tính đường đi, lối lại, ông gặp hai nữ sinh tuổi mười lăm mặc đồng phục trắng ở đầu phố cạnh Dinh Độc lập.

Vừa nhìn thấy ông, hai nữ sinh đã hỏi thăm. Sau khi biết ông vừa thoát khỏi nhà tù Mỹ - ngụy và có nguyện vọng tìm đến Ủy ban quân quản nhưng chưa gặp được nên phải tìm đường về gia đình ở đường Bình Thới, quận 11. Nghe vậy, hai nữ sinh đã nhận lời dẫn ông đi. Đến gần một bến xe buýt gần khu vực chợ Bến Thành, hai nữ sinh mời ông lên xe và mua vé cho ông. Hết chặng, họ lại tiếp tục mua vé cho ông về Bình Thới. Trước khi tạm biệt ông, các nữ sinh không quên dặn một hành khách trên xe rằng, đến khu vực Bình Thới nhớ nhắc ông xuống xe.

Đêm đó, tại gia đình cơ sở ở Bình Thới, TP Hồ Chí Minh, là một đêm ông sống với bao ký ức về những việc làm của  gia đình chị Ba – gia đình đã từng giúp ông ăn, ở và hoạt động trong thời gian dài. Theo ông kể thì: “Sáng ngày 2 tháng 5 năm 1975, cháu Nhơn – con trai lớn của anh chị Ba, người mà thoát li từ đợt 2 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm Mậu Thân (1968), dừng xe oto ngang trước cửa nhà. Vừa bước vào nhà, chưa kịp hỏi thăm ba má, cháu nhìn thấy tôi rồi ôm chầm và khóc. Thì ra các đồng chí ở Ban an ninh T4 cũ, đã không ngờ tôi còn sống và trở về. Hỏi ra mới rõ cháu nhơn vẫn là cán bộ bảo vệ anh Sáu Dân (đồng chí võ văn Kiệt). Trên đường cùng anh Sáu Dân vào tiếp quản Sài Gòn, cháu được anh Sáu Dân cho phép về thăm gia đình. Sau khi gặp tôi, cháu vội đến gặp anh Sáu Dân để báo là tôi vẫn còn sống. Một lát sau, anh Sáu Ngọc (tức đồng chí Lê Thanh Vân, nguyên Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh) và anh hai Ngự, cán bộ An ninh T4 đến nhà anh chị ba đón tôi về trụ sở Công an TP. Ít ngày sau, tôi được công nhận đảng tịch liên tục và được phân công là Ủy viên Thường vụ Thành Ủy Sài Gòn, Trưởng ban An ninh thành phố. Kể từ thời điểm ấy, tôi lao vào công việc”.

Vẫn theo lời ông thì ít ngày sau, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn vào đến Sài Gòn. Biết tin ông vẫn còn sống, Bộ trưởng đã đến gặp ông và điện báo cho gia đình ông ở Hà Nội. Gặp lại Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và người bạn đời từ Hà Nội vào, trong lòng ông tràn ngập niềm vui. Song Sài Gòn và miền Nam vừa giải phóng với biết bao công việc đảm bảo an ninh, trật tự, ông tạm gác lại những câu chuyện về những ngày xa cách, cũng như những vết thương còn hằn sâu từ thời gian tù đày ở nhà giam của Mỹ - ngụy, phấn khởi tiếp nhận công việc mới: Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh. Ít lâu sau, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và giữ cương vị này đến cương vị cuối năm 1981.

Ba mươi sáu năm trôi đi kể từ khi miền Nam giải phóng, song giờ đây TP Hồ Chí Minh, cũng như đâu đó ở nhiều tỉnh Nam Bộ, cứ mỗi lần nhắc đến tên ông, người ta vẫn gọi ông với cái tên trìu mến: Anh Tư Trọng. Cái tên đó xem ra đã gắn bó với tên đất, tên làng của những người đồng chí, đồng nghiệp và người dân nơi ông từng sống và hoạt động. Với ông, nơi đây vẫn chôn chặt bao ký ức về một thời gian khổ mà hào hùng, sự gắn bó máu thịt giữa người dân và những cán bộ Công an cách mạng.
Có lẽ vì thế mà sau khi rời bỏ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để nghỉ hưu theo chế độ và trở thành một công dân bình thường, không còn được Nhà nước bao cấp tiền tàu, xe, lưu trú, ông vẫn dùng tiền riêng của gia đình vào tham TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tại các chuyến đi như thế, ông lại tìm đến thăm các đồng chí, đồng nghiệp – những người đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi trong những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường; thăm các gia đình cơ sở, bà con cô bác, những người đã đùm bọc, che chở cho ông trong những thời khắc khó khăn của cuộc chiến.

Đến đâu “anh Tư Trọng” cũng được đón tiếp như những người anh hem ruột thịt trong gia đình. Nhiều bà má, người chị, người em bật khóc khi gặp lại ông … Còn ở Hà Nội, thời điểm mới nghỉ hưu, không còn chế độ xe đưa đón, thi thoảng người ta vẫn thấy ông đi chiếc xe đạp cà tàng đến thăm gia đình này, đồng đội kia. Nghỉ hưu, quỹ lương hưu của vợ chồng ông như bà Bắc (vợ ông) nói: Chỉ đủ để trang trải cho tiền điện nước, sinh hoạt hàng ngày.

Khi ông còn đương chức, gia đình ông có căn hộ ở tầng 2, nhà B4, tập thể Trung Tự (Hà Nội). Ông đã nhượng lại căn hộ này cho người khác để về sống với người con trai và dành tiền cho những chuyến vô Nam thăm đồng chí, đồng nghiệp và các gia đình cơ sở. Nêu ra các chi tiết ấy, chúng tôi muốn đề cập đến một thực tế rằng, trong cái bộn bề của thời mở cửa, có người muốn quay lưng lại với quá khứ, lo thu vén cho gia đình cá nhân, phũ phàng với những kỷ niệm ngày xưa… thì với ông – quá khứ luôn ẩn hiện. Phải chăng đó là phẩm chất của người anh hùng.

Có lẽ vì thế mà tại Công văn số 33 ngày 8 tháng 4 năm 1978, tập thể Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có nhận xét rất tốt đẹp về ông: “Trong suốt thời gian công tác ở TP cho đến lúc bị địch bắt, đồng chí Tư Trọng (tức Nguyễn Tài) là một cán bộ cốt cán tích cực, xông xáo không sợ hiểm nguy, không chùn bước trước khó khăn, lăn vào chiến trường và đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự lãnh đạo của thành ủy và xây dựng Ban An ninh thành phố”.

Điều đáng phải kể thêm là đơn vị trinh sát vũ trang, đơn vị điệp báo thuộc Ban An ninh T4 do ông phụ trách đã được phong danh hiệu anh hùng LLVTND. Tương tự như thế, trước đó tại cục bảo vệ chính trị do ông làm Cục trưởng, rồi tại Công an Hà Nội do ông lãnh đạo, cũng có những tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đương thời, trong lá thư gửi Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt, khi ấy là cố vấn ban chấp hành Trung ương, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định và đã có thời gian hoạt động với ông, hiểu ông từ tích cách đến việc làm đã viết thư đề xuất với Đảng và Nhà nước ta xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông.

Trong bức thư ấy, đồng chí Võ Văn Kiệt đã nhận xét: “Quá trình hoạt động cũng như quá trình đấu tranh kiên trung, mưu trí khi bị địch bắt trong thời kì kháng chiến chống Mỹ của đồng chí Nguyễn Tài cho thấy, đồng chí thực sự xứng đáng là một anh hùng. Sau giải phóng, đồng chí đã kiên trì, thẳng thắn và đấu tranh có nguyên tắc để bảo vệ mình trước những nghi vấn về thời gian bị địch bắt, giam cầm và đã được các cơ quan của Đảng xác nhận. Việc đó càng làm sáng tỏ phẩm chất anh hùng của đồng chí”.

Còn nhớ, khi đến thăm ông vào thời điểm ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, tôi có một cảm nhận, cả vợ chồng ông đều khỏe và trẻ ra. Bà Bắc, phu nhân của ông không giấu nổi niềm vui và xúc động kể với tôi rằng: “Từ hôm ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, đồng đội, bạn bè gần xa, đặc biệt là bà con nơi ông từng sống và hoạt động liên tiếp điện ra chia vui”. Không vui sao được, bởi cuộc đời đã trả lại sự công bằng cho ông – đồng chí Nguyễn Tài trong những ngày ở nhà tù Mỹ - ngụy.

Lưu Vinh (Theo cuốn Những ngày ở chiến trường – NXB CAND)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến