Dòng sự kiện:
Áp lực nợ vay nhìn từ 2.600 tỷ trái phiếu của Tiến Phước Group
11/02/2020 08:24:29
Trong bối cảnh thị trường địa ốc TP.HCM gần như "đóng băng", cách thức quản trị và chiến lược kinh doanh của Tiến Phước phải đặc biệt hiệu quả để biến khoản nợ 2.600 tỷ đồng thành động lực, chứ không phải gánh nợ.

Tiến Phước Group

Tại TP.HCM, CTCP Bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước Group) là thương hiệu thuộc dạng lâu đời nhất, với lịch sử hoạt động từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Người sáng lập và hiện là Chủ tịch HĐQT là doanh nhân Nguyễn Thành Lập, sinh năm 1950.

Lăn lội với nhiều nghề, để rồi bén duyên với nghiệp bất động sản từ thuở sơ khai của thị trường, doanh nhân kỳ cựu năm nay bước sang tuổi 71 là một tên tuổi lớn thực sự trong làng địa ốc Sài thành.

Khác với nhiều tập đoàn trẻ được thành lập sau này như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh..., Tiến Phước trung thành với "lối chơi" ăn chắc mặc bền, nói không với nợ ngân hàng. Kết quả là dù không tăng trưởng quá nhanh, song ở Tiến Phước người ta nhìn thấy sự chắc chắn, trưởng thành của ông chủ Nguyễn Thành Lập, giúp cho Tiến Phước vượt qua nhiều đợt suy thoái của thị trường bất động sản Sài Gòn.

Tới đầu năm 2015, vốn điều lệ của Tiến Phước là 860 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Thành Lập chiếm tỷ lệ chi phối 60%. 4 ái nữ là Nguyễn Thị Mỹ Anh, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Mỹ Linh và Nguyễn Thị Mỹ Phương chia đều 40% còn lại.

Sau gần 3 thập kỷ phát triển, Tiến Phước ghi dấu ấn với thị trường bằng nhiều dự án lớn như Khu biệt thự cao cấp Greenfield 1,4ha (Quận 2), Khu dân cư Long Trường 5,1ha (Quận 9), dự án The Estella 4,9ha (Quận 2) liên doanh với Keppel Land, dự án khách sạn Le Meridien 3C Tôn Đức Thắng (Quận 1) hợp tác với Công ty 990.

Giai đoạn hiện nay, phân khúc biệt thự cao cấp với thương hiệu Senturia đang được Tiến Phước đẩy mạnh, gồm Senturia Vườn Lài 9,8ha ở Quận 12, Senturia Central Point 5,4ha ở Quận 9, Senturia Nam Sài Gòn 19,8ha ở Bình Chánh.

Tiến Phước cũng được biết đến nhiều với vai trò của một "ông trùm" trong các dự án BT khi được chỉ định loạt dự án lớn tại Quận 2, như hợp tác với Keppel Land và Bất động sản Trần Thái thành lập Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc triển khai dự án 1.844 căn hộ tái định cư An Phú - Bình Khánh thuộc Khu tái định cư Thủ Thiêm, đổi lại, Nam Rạch Chiếc được TP.HCM đối ứng 30,2ha đất nằm dọc theo bờ sông Giồng Ông Tố và Mương Kinh mà nay được giới thiệu là dự án Palm City Quận 2; ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến trường hợp Công ty TNHH BĐS Nguyên Phương - công ty con 84% vốn của Tiến Phước được chỉ định 14,8ha đất ở phường An Phú (Quận 2) để đối ứng thanh toán cho hợp đồng BT Dự án nút giao An Phú.

Chủ tịch Tiến Phước Group Nguyễn Thành Lập từng nổi danh với Empire City là tổ hợp tài chính có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, trong đó có toà nhà cao nhất Việt Nam 86 tầng

Đáng chú ý nhất, phải kể đến trường hợp UBND TP.HCM năm 2015 chỉ định liên doanh Tiến Phước - Trần Thái - Gaw Capital thực hiện siêu dự án Empire City quy mô 26.000 tỷ đồng trên lô đất 2B Khu đô thị Thủ Thiêm. Dự án có điểm nhấn là toà nhà 86 tầng cao nhất Việt Nam ban đầu có cơ cấu nhà đầu tư 25:25:50 với một nửa phần vốn do nhà đầu tư ngoại Gaw Capital đảm trách. Tháng 4/2016, không lâu sau khi được cấp phép đầu tư, cả Trần Thái lẫn Tiến Phước giảm mạnh tỷ lệ sở hữu về 15%, trong khi đối tác quen mặt - Keppel Land thông qua Corredan CE PTE bất ngờ chiếm tới 40% dự án, tỷ lệ của Gaw cũng giảm về còn 30%. Tổ hợp tài chính quy mô 1,2 tỷ USD từ đó chính thức về tay nhà đầu tư ngoại.

Bên cạnh TP.HCM, Tiến Phước Group đang nỗ lực mở rộng quỹ đất tại các địa phương vệ tinh trong vài năm trở lại, mà nổi bật là dự án Khu đô thị mới Cỏ May quy mô 149ha, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng tại TP. Vũng Tàu mà tập đoàn của ông Nguyễn Thành Lập đang là ứng viên sáng giá. Cũng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiến Phước đang xin chủ trương thực hiện dự án Điện mặt trời Châu Pha tại huyện Tân Thành có diện tích đất 51ha, vốn đầu tư gần 1.178 tỷ đồng.

Ngoài ra, không thể không đề cập đến lĩnh vực y tế, là một nhánh đầu tư quan trọng của ông chủ Tiến Phước, hiện được phụ trách bởi phu nhân của ông Lập - bà Nguyễn Thị Cửu Kim Chi cùng con gái Nguyễn Thị Mỹ Linh. Tập đoàn, thông qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Mỹ (AIH) tại Phường An Phú, Quận 2 (TP.HCM). Dự án có vốn khoảng 40 triệu USD, đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 10/2018. Tiến Phước cũng có cổ phần lớn trong hệ thống phòng khám quốc tế Victoria Healthcare tại TP.HCM.

Khoản nợ 2.600 tỷ đồng

Thị trường bất động sản TP.HCM đang thay đổi nhanh chóng, không còn phù hợp chiến lược phát triển cuốn chiếu, "ăn chắc mặc bền" trước đây của các doanh nghiệp như Tiến Phước. Doanh nghiệp địa ốc Sài thành nhiều năm trở lại phải liên tục tiến hành nhiều dự án nhằm định vị thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường và quay vòng dòng tiền.

Dường như Tiến Phước tự biết không thể nằm ngoài cuộc chơi này. Tất nhiên, chuyển hướng phát triển nhiều dự án cùng lúc sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn lực, đòi hỏi Tiến Phước phải chuẩn bị đầy đủ cho cuộc chơi dài hơi.

Dữ liệu của ANTT thể hiện, chỉ trong 2 tháng, từ tháng 8-10/2017, Tiến Phước Group đã tăng mạnh vốn qua 2 đợt phát hành cổ phần, từ 1.118 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng, rồi tiếp tục lên mức 2.018 tỷ đồng.

Các dự án cũng bắt đầu tìm về nguồn vốn ngân hàng, như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ thế chấp dự án Khách sạn Quốc tế Mỹ tại BIDV Nam Sài Gòn, Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương thế chấp dự án Senturia An Phú quy mô 182.248,99 m2 tại PVCombank Sài Gòn, Tiến Phước trực tiếp thế chấp dự án Senturia Nam Sài Gòn cũng tại PVCombank Sài Gòn, hay gần đây nhất là thế chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án Bệnh viện Quốc tế Mỹ tại SeABank vào tháng 6/2019.

Tuy nhiên, chiếm tỷ trọng đáng kể nhấn trong cơ cấu đòn bẩy tài chính của Tiến Phước lại là trái phiếu doanh nghiệp.

Theo tài liệu ANTT có được, ngày 25/6/2019, Tiến Phước đã phát hành lô trái phiếu trị giá 350 tỷ đồng cho SeABank (300 tỷ đồng) và 1 cá nhân (50 tỷ đồng). Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11%/năm đầu tiên. Trước đó, tập đoàn này ngày 7/3/2018 cũng đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với lãi suất khoảng 10,4%/năm.

Các công ty thành viên của Tiến Phước Group cũng tích cực tìm kiếm nguồn vốn qua phương thức phát hành trái phiếu.

Cụ thể, CTCP Tư vấn Đầu tư và Kỹ thuật Mê Kông ngày 23/1/2019 đã phát hành 900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm; hay như CTCP Sàn giao dịch Bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước Land) trong 4 đợt từ 31/7-11/11/2019 phát hành liên tiếp 4 đợt trái phiếu, thu về 1.023,5 tỷ đồng, gấp 51 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp này (20 tỷ đồng).

Tổng cộng, Tiến Phước và hai công ty thành viên đã phát hành gần 2.600 tỷ đồng trái phiếu trong gần 2 năm trở lại. Nguồn lực thu về rất lớn giúp Tiến Phước có thể vững tin hơn trong bối cảnh thị trường địa ốc TP.HCM gần như "đóng băng" và đang gặp không ít rủi ro, cả về cơ chế pháp lý cũng như thị trường.

Ở chiều ngược lại, khối nợ hàng nghìn tỷ đồng cũng sẽ là áp lực không nhỏ, tạo gánh nặng khổng lồ nếu chỉ cần một vài dự án của Tiến Phước bị "tắc", "nghẽn", không tạo về dòng tiền. Tương lai của Tiến Phước ra sao, liệu tập đoàn địa ốc lâu đời bậc nhất Sài Thành có vượt qua cuộc suy thoái thấy rõ đang diễn ra, như cái cách họ thực hiện trong 3 thập kỷ qua hay không, sẽ phụ thuộc rất lớn vào tài chèo chống của doanh nhân năm nay bước qua tuổi thất thập - ông Nguyễn Thành Lập.

Nguồn vốn tính bằng đơn vị nghìn tỷ thu về qua kênh trái phiếu được kỳ vọng sẽ là một động lực quan trọng để Tiến Phước phát triển các dự án bất động sản, nhờ đó vượt qua cuộc "khủng hoảng" địa ốc đang diễn ra tại TP.HCM. Tuy nhiên, vay nợ lớn cũng sẽ là áp lực không nhỏ, nhất là khi thực trạng khó khăn về pháp lý chưa có dấu hiệu được gỡ bỏ đáng kể.

Hiểu Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến