Dòng sự kiện:
Áp lực 'vô hình' nào khiến khối ngoại và ETF bán ròng hàng nghìn tỷ?
11/05/2023 15:30:09
Việc Việt Nam đi ngược thế giới trong điều hành lãi suất gần đây có thể tạo nên những áp lực về tỷ giá khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn.

Khối ngoại đã bán ròng 2.800 tỷ đồng, ETF rút 750 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.

Thống kê cho thấy, trong tháng 4 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2.827 tỷ đồng, đây là mức bán ròng cao nhất của nhóm này kể từ tháng 9/2022.

Trạng thái bán ròng được duy trì xuyên suốt tháng, việc mua/bán giữa các nhóm ngành cũng không có xu hướng rõ rệt. Khối ngoại bán ròng tập trung ở STB -729 tỷ đồng, VNM -418 tỷ đồng, VND -351 tỷ đồng. Chiều mua ròng, HPG +519 tỷ đồng, HDB +235 tỷ đồng, VPB +113 tỷ đồng là các mã có giá trị mua ròng cao nhất. 

KHỐI NGOẠI BÁN RÒNG 2.800 TỶ ĐỒNG, ETF RÚT RÒNG HƠN 700 TỶ 

Tỷ trọng giao dịch khối ngoại giảm mạnh trong tháng 4, khi chỉ chiếm 7,7% tổng giá trị giao dịch trên thị trường – mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022.

Đối với các ETF ngoại, nhóm này cũng đảo chiều rút ròng tổng cộng 418.7 tỷ đồng trong tháng 4, đánh dấu tháng rút ròng đầu tiên kể từ tháng 4/2022.

Rút ròng lớn nhất diễn ra ở quỹ Vaneck với giá trị rút ròng lên đến 590 tỷ đồng trong khi đó tốc độ giải ngân từ Fubon Việt Nam đã hạ nhiệt đáng kể khi chỉ ghi nhận vào ròng 90.1 tỷ đồng so với 1.528 tỷ đồng ở tháng 3. Tuy nhiên dòng tiền đã bắt đầu cải thiện phần nào trong nửa cuối tháng 4 và sau khi hoàn thành hồ sơ cho phép nâng hạn mức từ Uỷ ban Chứng khoán Đài Loan, quỹ ETF Fubon Việt Nam đã huy động tổng cộng được 56,8% hạn mức cho phép.

Với nhóm quỹ ETF nội, ghi nhận rút ròng tháng thứ 2 liên tiếp, với khối lượng giảm nhiệt chỉ rút ròng 338 tỷ đồng, so với mức rút 620 tỷ đồng trong tháng 3. Lực rút chủ yếu đến từ nhóm VNDiamond bị rút 272 tỷ đồng trong khi tốc độ rút từ nhóm VN-Finlead bị rút 28 tỷ đồng và VFM VN30 bị rút 44 tỷ đồng đã thu hẹp đáng kể.

Như vậy, dòng vốn ETF đảo chiều rút ròng 757 tỷ đồng trong tháng 4. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng dòng vốn ETF đạt 5,26 nghìn tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ Fubon (1,65 nghìn tỷ đồng), Vaneck (+1,62 nghìn tỷ) và DB FTSE (+1,35 nghìn tỷ).

https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2023/05/11/screen-shot-2023-05-11-at-10-12-30.png

Đối với các quỹ chủ động, tốc độ giải ngân thu hẹp chỉ còn 39 tỷ đồng trong tháng 4 (so với mức 201,8 tỷ trong tháng 3). Tính chung trong 4 tháng đầu năm, các quỹ chủ động đã vào ròng 3,6 nghìn tỷ đồng, tập trung vào 2 tháng đầu năm.

Động thái rút ròng của khối ngoại đến từ hai lý do chính. Thứ nhất, định giá thị trường đã không còn hấp dẫn. Mùa báo cáo quý 1/2023 cũng như kế hoạch kinh doanh 2023, cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục sụt giảm.

Tính đến ngày 5/5/2023, đã có 1013/1679 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết đại diện gần 97% vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, với tổng lợi nhuận sau thuế giảm 26,3% so với cùng kỳ.

Thống kê của FiinPro cho thấy kế hoạch lợi nhuận năm 2023 của toàn thị trường có thể giảm 3%, trong đó khối phi tài chính giảm 20,6%. Trong khi đó, lợi nhuận nhóm ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 13,6% trong năm nay sẽ trở nên vô cùng thách thức.

Do đó, định giá của thị trường đã có thay đổi: VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 12,26x (tại ngày 4/5/2023), tăng 25% so với đáy tháng 11/2022 (9,8x). Mức tăng về định giá này đã giúp VN-Index tăng +14,1% cho cùng giai đoạn.

Với khối Phi tài chính, P/E hiện ở mức 15,4x, thấp hơn mức trung bình giai đoạn từ 2010 đến nay. Tuy nhiên, mức định giá này không rẻ nếu so với P/E fwd 2023 dự kiến ở mức 19,7x.

Thứ hai, lượng mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua có đến 70% đến từ các quỹ ETF. Suốt từ tháng 4/2022, khi Vn-Index sụt giảm nhóm này đã giải ngân và đỉnh điểm đạt kỷ lục vào tháng 11 đến tháng 12. Do đó, dư địa để giải ngân không còn nhiều dẫn đến tình trạng mua ròng nhỏ giọt hoặc đảo chiều bán. Các ETF mới dư địa phát hành thêm cũng không còn nữa nên họ giảm mua.

Thêm nữa, hầu hết các ETF thường tracking theo chỉ số, khi thị trường tăng lên thì nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào, liên tiếp mua ròng nhưng trong tháng 4 vừa qua, VN-Index áp lực điều chỉnh giảm 1,5% khiến nhà đầu tư phòng thủ giảm mua, quay ra bán.

ÁP LỰC RÚT THỜI GIAN TỚI CÒN LỚN 

Đánh giá về dòng vốn ngoại, quỹ SGI Capital cho rằng điều này là khá ngạc nhiên trong bối cảnh định giá Việt Nam không đắt, USD Index giảm, và thị trường tài chính thế giới ổn định sau nỗ lực của các NHTW. Một số thị trường được cho là hưởng lợi từ đà phục hồi của Trung Quốc như Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan, cũng bị chốt lời và giảm trong tháng 4 có thể là một lý do.

Tuy nhiên, việc Việt Nam đi ngược thế giới trong điều hành lãi suất gần đây có thể tạo nên những áp lực về tỷ giá khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn. Nếu điều này là đúng, việc SBV tiếp tục hạ lãi suất điều hành ngược chiều với FED và ECB một lần nữa có thể tạo hiệu ứng tiêu cực về dòng vốn nước ngoài thời gian tới.

Đồng quan điểm, theo SSI Research, xu hướng dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán yếu dần trong tháng 4 và tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng đối với dòng vốn vào các quỹ ETF và chủ động trong thời gian tới.

Điểm sáng trong thời gian tới là kỳ vọng sự hồi phục nhanh hơn của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã liên tục ra các chính sách nhằm tháo gỡ phần nào những nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản và những nỗ lực nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Xét trong bối cảnh quốc tế, phân bổ dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu ở mức thận trọng và tập trung vào các nhóm phòng vệ và do vậy dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khó có thể đứng ngoài xu hướng. Cụ thể, các quỹ cổ phiếu toàn cầu tiếp tục trong trạng thái rút ròng 6,1 tỷ đồng tháng 4 vừa qua.

Theo khảo sát từ BofA, rủi ro lớn đối với dòng tiền đầu tư trong tháng 4 duy trì là rủi ro tín dụng do lo ngại về sự sụp đổ trong hệ thống ngân hàng có thể sẽ lặp lại và trạng thái của các nhà quản lý quỹ trở nên thận trọng hơn, khi tỷ trọng phân bổ vào các quỹ cổ phiếu so với trái phiếu về mức thấp nhất kể từ GFC 2008.

Ở giai đoạn này, xu hướng và các đối sách đối với rủi ro tín dụng và lạm phát vẫn chưa thể xác định rõ ràng và khiến cho việc phân bổ vào tài sản tài chính đang nghiêng nhiều về việc thu hẹp phân bổ vào các tài sản rủi ro.

Bên cạnh đó, định giá từ thị trường cổ phiếu đang ở mức cao hơn nhiều so với thị trường trái phiếu, khiến dòng tiền đầu tư khó có sự cải thiện lớn cho nhóm quỹ cổ phiếu.

"Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng áp lực rút ròng sẽ đến nhiều từ các quỹ chủ động, tuy nhiên bất kì cơ hội điều chỉnh lớn nào trên thị trường sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều trên thị trường", SSI Research nhấn mạnh. 

Tác giả: Hoa Phong Linh

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến