Áp thuế nhập khẩu xăng dầu sai: Hai bộ xin ý kiến Thủ tướng
21/03/2016 08:16:35
Sau nhiều ngày im lặng, Bộ Tài chính đã chính thức thừa nhận có sự chênh lệch trong áp thuế nhập khẩu xăng dầu với số tiền hơn 3.500 tỷ đồng được hoàn cho doanh nghiệp (DN). Để “vớt vát” lại lợi ích người tiêu dùng do áp sai cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu trong giá bán lẻ, Bộ Tài chính-Công Thương đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng.

Tin liên quan

DN hưởng lợi 3.500 tỷ đồng từ chênh lệch thuế

Bộ Tài chính cũng vừa có thông cáo lần đầu tiên chính thức thừa nhận có việc áp thuế nhập khẩu xăng dầu cao hơn các cam kết hội nhập. Theo Bộ Tài chính, đến nay, Việt Nam đã ký 11 hiệp định thương mại tự do trong và ngoài khu vực. Theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do, giai đoạn 2016-2020 là thời điểm mà mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu được giảm mạnh. Theo đó, chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định là tất yếu.

“Mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) của xăng dầu đang cao hơn so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì hàng hóa nhập khẩu từ các nước này phải đảm bảo điều kiện về xuất xứ (C/O), về điều kiện vận chuyển... Thực tế, thời gian qua, không phải tất cả hàng hóa đều nhập khẩu từ các nước có ký Hiệp định FTA và cũng không phải tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các nước có ký FTA đều được hưởng theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt”, Bộ Tài chính xác nhận.

Liên quan việc thu thuế xăng dầu và tiền hoàn thuế cho DN do áp dụng chênh mức thuế nhập khẩu, theo số liệu chính thức của Bộ Tài chính, trong năm 2015, số thuế (thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt) đã thu từ xăng dầu nhập khẩu là 35.923 tỷ đồng. Số thuế hoàn theo chứng từ DN nộp bổ sung C/O mẫu D (theo Biểu thuế Atiga) là 3.502 tỷ đồng. “Số liệu hoàn thuế nhập khẩu này chỉ là số liệu sơ bộ, vì có thể tiếp tục được hoàn trong các tháng tiếp theo”, Bộ Tài chính nói. Cũng theo bộ này, xăng dầu nhập khẩu từ Singapore, Hàn Quốc (có FTA với Việt Nam) về tới Việt Nam còn mất thêm chi phí vận chuyển và bảo hiểm (chiếm 6-7% giá xăng dầu nhập khẩu).

Bộ Tài chính cũng thừa nhận, do mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) cao hơn mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại một số FTA, nên việc dùng thuế MFN tính giá xăng dầu cơ sở không còn phù hợp nữa. Do đó, Bộ Tài chính đã khắc phục bằng cách đề xuất dùng thuế nhập khẩu bình quân trong tính giá cơ sở và giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng dầu về 7% từ ngày 18/3/2016 (xăng vẫn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu 20%). Việc vẫn giữ nguyên mức thuế với xăng nhập khẩu, Bộ Tài chính viện dẫn, mức thuế nhập khẩu xăng từ các nước ASEAN vẫn là 20%, chỉ có xăng nhập từ Hàn Quốc được hưởng thuế 10%. Nhưng thuế nhập xăng từ Hàn Quốc mới được áp dụng (từ 1/1/2016), xăng nhập từ nước này về cũng chưa nhiều và chưa có DN nào nộp chứng từ xuất xứ để được hoàn thuế.

Về việc Bộ Tài chính chính thức thừa nhận đã có khoảng 3.500 tỷ đồng chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu đã được hoàn cho DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thu hồi số tiền trên để trả lại cho người tiêu dùng do đây là tiền người tiêu dùng bị “móc túi” từ áp thuế sai quy định của cơ quan quản lý. Việc trả tiền chênh lệch hoàn thuế nhập khẩu xăng dầu cho doanh nghiệp là sai luật và giúp “làm giàu” cho DN đầu mối. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa số tiền chênh lệch hoàn thuế hàng nghìn tỷ đồng này vào Quỹ Bình ổn giá để bù đắp cho những thiệt hại của người tiêu dùng.

Xin ý kiến Thủ tướng về tăng giá xăng dầu

Theo thông tin của PV Tiền Phong, do giá xăng dầu thế giới trong chu kỳ tính giá cơ sở 15 ngày qua tăng khá cao, với mức tăng dự kiến trên 7% nên liên Bộ Tài chính - Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về việc điều chỉnh giá xăng dầu trong ngày hôm nay, 21/3.

Ngoài việc xin ý kiến của Thủ tướng về điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính cũng có báo cáo gửi Thủ tướng về việc chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu từ năm 2015 đến thời điểm hiện nay đồng thời đề xuất một số phương án xử lý đối với số tiền chênh lệch thuế nhập khẩu này. “Chúng tôi đang chờ ý kiến của Thủ tướng nên mọi thông tin liên quan đến việc điều hành cũng như xử lý tiền chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu chưa thể công bố”, một quan chức Bộ Công Thương cho biết.

Theo tính toán của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, giá xăng dầu nhập khẩu (nếu tính theo mức thuế mới được Bộ Tài chính công bố ngày 18/3 vừa qua) đang cao hơn khoảng 1.000 đồng so với giá bán lẻ hiện hành.

15 ngày qua, giá xăng A92 thành phẩm tại thị trường Singapore, nơi doanh nghiệp nhập khẩu chính, dao động ở mức 47-51 USD/thùng. Ngày 10/3, 11/3 và 18/3 giá xăng A92 thành phẩm lên trên 51 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất mà doanh nghiệp phải nhập trong hơn 9 tuần qua.  

Theo tienphong.vn

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến