Dòng sự kiện:
Ba kịch bản vực lại kinh tế của Đà Nẵng
25/09/2021 08:42:31
Ứng phó với diễn biến khó lường của dịch bệnh, Đà Nẵng xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 theo 3 cấp độ: Thấp, trung bình và cao.

Ngày 24/9, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng công bố 3 kế hoạch trên tại hội nghị đối thoại với lãnh đạo các doanh nghiệp.

Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng cho biết đầu tháng 10 địa phương sẽ nới lỏng giãn cách xã hội. Toàn thành phố sẽ chuyển dần sang áp dụng chỉ thị 19 trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ba kịch bản kinh tế

Hiện Đà Nẵng đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 theo 3 cấp độ: Thấp, trung bình và cao. "Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ phục hồi và tăng nhanh hơn khu vực dịch vụ, khu vực nông - lâm - thủy sản sẽ cơ bản duy trì như những năm trước", ông Minh cho biết.

Tại kịch bản thấp, chính quyền Đà Nẵng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,47% so với năm 2021. Trong đó, các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,85%, 5,4% và 3,87%.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Đối với kịch bản trung bình, địa phương này kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 ở mức 5,75% so với năm 2021. Trong đó, các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%; 6,8% và 5,4%.

Kịch bản ở mức cao sẽ có tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021. Trong đó, các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%.

Những tháng cuối năm sẽ rất khó khăn
Theo vị phó chủ tịch, ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ lực của Đà Nẵng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019 và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

Cụ thể, dịch vụ du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng đã phải chịu nhiều tác động trực tiếp từ dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước chỉ đạt 2.000 tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Đà Nẵng đang lên kế hoạch mở cửa đón khách du lịch trở lại. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Hoạt động sản xuất công nghiệp giảm 4,16% so với cùng kỳ 2020. Tổng vốn đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao đạt hơn 1.800 tỷ đồng, giảm mạnh 88,58% so với cùng kỳ 2020.

8 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã giảm 13,4% và giảm 18,2% về số vốn điều lệ đăng ký so với cùng kỳ 2020.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt hon 15.000 tỷ đồng, bằng 69% dự toán mà HĐND TP Đà Nẵng giao.

Ông Minh cho biết những tháng cuối năm sẽ rất khó khăn do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. UBND TP Đà Nẵng phấn đấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2021 (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 1,59% so với năm 2020.

3 đề nghị với doanh nghiệp

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng để đạt những mục tiêu trên cần có sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

Người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng nêu 3 vấn đề lớn, cần sự đồng lòng của doanh nghiệp trong chiến lược phục hồi kinh tế trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ nhất, các doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh tương ứng với các cấp độ dịch bệnh trong dài hạn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định.

Thứ hai, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với thành phố trong thực hiện kế hoạch, phương án phục hồi kinh tế đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn.

Thứ ba, lãnh đạo các doanh nghiệp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong từng đơn vị; sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch. Chăm lo đời sống, chế độ cho người lao động đảm bảo quy định….

Tác giả: Đoàn Nguyên

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến