Sáng 12/9, Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên giám sát chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Đại diện đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện các nghị quyết trên.
Báo cáo nêu rõ, trong giai đoạn 2019-2021 đã trình 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh thành. Qua đó, giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.
Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện thời điểm được sắp xếp là 2.411, trong đó số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người, số dôi dư là 706 người. Số cán bộ, công chức cấp xã thời điểm được sắp xếp là 20.417 người, đúng quy định là 10.712 người, dôi dư là 9.705 người.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH.
Ông Tùng cho biết, việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đã được thực hiện theo đúng quy định, công khai, minh bạch, góp phần hỗ trợ các đối tượng dôi dư bước đầu ổn định cuộc sống.
Theo đoàn giám sát, kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế mà còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đoàn giám sát, việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp ĐVHC còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều.
Hiện vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Công tác hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với các ĐVHC mới được thành lập chưa kịp thời, đồng bộ, chưa có sự kết nối đầy đủ với các chính sách, pháp luật khác có liên quan.
“Trong giai đoạn đầu sau khi thực hiện sắp xếp, đời sống sinh hoạt của nhân dân ở một số địa phương cũng chịu tác động, ảnh hưởng nhất định do phải điều chỉnh thông tin, thay đổi địa chỉ”, đoàn giám sát cho hay.
Để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau sắp xếp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2022 - 2030, đoàn giám sát kiến nghị tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục các bất cập trong công tác sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 - 2021.
Theo ông Tùng, cần ưu tiên nguồn lực, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý, đặc thù cho các ĐVHC hình thành sau sắp xếp để có điều kiện ổn định tổ chức, hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị không cắt giảm ngay, đồng loạt các chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ đặc thù áp dụng đối với người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách sau khi sắp xếp.
Tác giả: Quang Phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy