Dòng sự kiện:
Bác Hồ với bầu cử: Nhất định không bầu “quan cách mạng”
19/05/2016 08:22:52
Đề nghị đồng bào để mình được thực hiện quyền công dân thay vì “đặc cách”, không phải ứng cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắn nhủ cử tri, khi thực hiện quyền dân chủ của mình, những người muốn làm “quan cách mạng” thì “nhất định không nên bầu”.

Tin liên quan

Quyền dân chủ thiêng liêng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng là ứng viên 3 nhiệm kỳ Quốc hội, gồm: Quốc hội khóa I, II, III. Trong 3 kỳ bầu cử đó, Người cũng thực hiện quyền thiêng liêng của một công dân - đi bầu cử để chọn ra đại biểu xứng đáng “thay mặt cho mình gánh vác việc nước”.

Trước đó, ngay từ khi giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra vai trò lịch sử của việc nhân dân thực hiện quyền dân chủ thiêng liêng, tự mình bầu ra một Quốc hội đại diện cho toàn dân lo việc đất nước. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước “càng sớm càng tốt”. Và sau ngày tuyên bố độc lập đúng một tuần, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 14, triệu tập Quốc dân Đại hội và quy định việc chính về tổ chức bầu cử Quốc hội.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý, là dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thực sự làm chủ nước nhà…

Cuốn “Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc” (Nhà xuất bản Văn học, 2012) dẫn lại Lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được các báo đồng loạt đăng ngày 5/1/1946, trước ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của người dân Việt Nam. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh ý nghĩa trọng đại của sự kiện, sự thiêng liêng của quyền dân chủ của công dân, lần đầu tiên người Việt Nam được thực hiện: “Ngày mai, mồng 6/1/1946, ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

Bác ví sức mạnh của lá phiếu bầu cử chọn lựa những người đại diện xứng đáng không khác gì viên đạn trên trận tuyến chống quân xâm lược, đô hộ: “Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng, về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù, về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”.

Cùng chiều hôm đó, tại cuộc gặp gỡ hơn hai vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội trong cuộc mít tinh tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), thay mặt các ứng cử viên, Bác một lần nữa nhấn mạnh đến quyền thiêng liêng mà mỗi người dân Việt Nam lần đầu tiên được hưởng dụng: “Từ trước đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa chưa bao giờ làm chủ mình. Xưa, dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây, ta mới giành được độc lập. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu này…”.

Sau này, trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II (ngày 08/5/1960), với cương vị là ứng viên, khi tiếp xúc với nhân dân Hà Nội ở Nhà hát Lớn Thành phố ngày 24/4/1960, Bác Hồ cũng chia sẻ thân mật, làm toát lên vai trò to lớn của nhân dân khi thực hiện quyền nhân dân làm chủ: “Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi ra mắt cử tri. Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào, và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi, xa lạ gì mà phải ra mắt. Nói thế này mới đúng: Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta… Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý, nó là dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thực sự làm chủ nước nhà…”.

Không bầu “quan cách mạng”

Trở lại với bối cảnh trước cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946, bầu ra Quốc hội khóa I, gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội - nơi Bác Hồ ra ứng cử, có 118 chủ tịch UBND và đại biểu các giới làng xã đã công bố một bản đề nghị: “Yêu cầu Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Từ nhiều nơi trong cả nước, đồng bào viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân dân cả nước đồng tình, nhất trí cử Bác vào Quốc hội.

Trước tình cảm tin yêu đó của nhân dân, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới” (Nguyễn Dung, Bác Hồ với chiến sĩ, tập 1, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001).

Chiều 5/1/1946, tại buổi lễ ra mắt các ứng cử viên trước đoàn thể, nhân dân Hà Nội tại khu học xá như đã dẫn, Bác Hồ thay mặt các ứng viên phát biểu ý kiến. Người nhắn nhủ với các cử tri dự buổi gặp mặt: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ của mình…”.

Nhắn nhủ với cử tri, Bác cũng không quên nói với những ứng viên về vinh quang và trọng trách trước nhân dân, đất nước: “Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước. Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử. Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng…” (trích Lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử).

Có thể nói, dù trên vai trò nào, ứng viên đại biểu quốc hội hay cử tri đi bầu người đại diện xứng đáng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng về nhân dân, về Tổ quốc và quyền làm chủ đất nước, làm chủ công cuộc xây dựng Tổ quốc của mỗi người dân. Quan điểm của Bác Hồ về lựa chọn người đại biểu của nhân dân, những lời Bác cặn dặn người đại biểu của dân,  hiện vẫn nóng bỏng tính thời sự, nhất là việc “ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào” và vì thế, “ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”

Theo Đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến