Dòng sự kiện:
BaF Việt Nam: Lợi nhuận bán niên năm 2023 lao dốc, giảm 20,4% sau kiểm toán
31/08/2023 16:02:07
CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF – sàn HoSE) ghi nhận lợi nhuận bán niên năm 2023 giảm 20,4% sau kiểm toán, về 12,79 tỷ đồng và mới hoàn thành 4,2% so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam vừa công bố thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 của Công ty BaF Việt Nam. Trong đó, đáng lưu ý, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Công ty BaF Việt Nam đã giảm 20,4% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 3,28 tỷ đồng, về chỉ còn 12,79 tỷ đồng.

Lý giải lợi nhuận giảm tới 20,4% sau kiểm toán, Công ty BaF Việt Nam cho biết do tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính cho 6 tháng đầu năm 2023.

Luỹ kế trong nửa đầu năm 2023, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 2.406,43 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 12,79 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,1%, về còn 6,5%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 26,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 57,01 tỷ đồng, về 155,49 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 756,9%, tương ứng tăng thêm 20,74 tỷ đồng, lên 23,48 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 11,99 lần, tương ứng tăng thêm 60,09 tỷ đồng, lên 65,1 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 37,3%, tương ứng tăng thêm 24,14 tỷ đồng, lên 88,86 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong nửa đầu năm 2023, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận lãi 1,53 tỷ đồng, giảm 98,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ ghi nhận lãi 142,77 tỷ đồng).

Như vậy, trong nửa đầu năm, lợi nhuận hoạt động cốt lõi không đáng kể, lãi của công ty đến từ doanh thu tài chính.

Đẩy mạnh vay nợ khi kinh doanh lao dốc nửa đầu năm 2023

Được biết, trong năm 2023, BaF Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.525,91 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, BaF Việt Nam mới hoàn thành 4,2% so với kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch lãi 301,43 tỷ đồng.

Bên cạnh kinh doanh lao dốc, trong nửa đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Công ty BaF Việt Nam còn ghi nhận âm 375,5 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 22,8 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 492,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 816,9 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Như vậy, nửa đầu năm 2023, Công ty đã đẩy mạnh vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Được biết, tại thời điểm 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn hạn, dài hạn và trái phiếu chuyển đổi của Công ty BaF Việt Nam đã tăng 66,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 636,65 tỷ đồng, lên 1.593,95 tỷ đồng và bằng 83,3% vốn chủ sở hữu (đầu năm chỉ bằng 54,9% vốn chủ sở hữu).

BaF Việt Nam muốn vay Ngân hàng thêm tối đa 500 tỷ đồng

Một diễn biến đáng lưu ý, Công ty BaF Việt Nam thông qua kế hoạch vay tối đa 500 tỷ đồng tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam – Chi nhánh TP. HCM, Ngân hàng First Commercial Bank – Chi nhánh Hồ Chí Minh, và Ngân hàng Daegu – Chi nhánh Hồ Chí Minh.

Trong đó, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam – Chi nhánh TP. HCM với tư cách là bên đầu mối dàn xếp chính và đại lý nhận tài sản bảo đảm cho hợp đồng vay vốn.

Ngoài ra, ngày 4/7/2023, BaF Việt Nam vừa phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu “3 không” (trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm), lãi suất 10,5%/năm, kỳ hạn 36 tháng. Trong đó, 6 tổ chức trong nước và nước ngoài đã mua 98,87% tổng lượng trái phiếu phát hành.

Được biết, Công ty huy động 300 tỷ đồng trái phiếu, số tiền này, Công ty sử dụng 225 tỷ đồng thanh toán chi phí mua hàng hoá; 50 tỷ đồng chi phí phụ gia, nguyên liệu sản xuất cám; và còn lại 25 tỷ đồng chi phí thuê trang trại.

Ngoài ra, về nhân sự, ngày 25/7, ông Bùi Quang Huy nộp đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT với lý do cá nhân không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò Hội đồng quản trị.

Được biết, ông Bùi Quang Huy sinh năm 1977, được bổ nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT tại BaF Việt Nam từ tháng 3/2021 đến nay.

Trước đó, ngày 22/6, BaF Việt Nam vừa quyết định miễn nhiệm chức vụ thành viên Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị đối với bà Nguyễn Thị Hường.

Ngoài ra, ngày 30/5, BaF Việt Nam Quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc đối với ông Phan Ngọc Ấn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, BaF Việt Nam cũng thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Phan Ngọc Ấn. Như vậy, ông Ấn đã chính thức rút khỏi BaF Việt Nam.

Theo tìm hiểu, ông Phan Ngọc Ấn từng giữ chức Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam từ ngày 2/3/2021, đồng thời sở hữu lên tới 30% vốn điều lệ tại BaF Việt Nam (ngày 30/6/2021). Tuy nhiên, ngày 15/3/2022, BaF Việt Nam thực hiện miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ấn và đồng thời bầu bổ sung ông Trương Sỹ Bá vào vị trí Chủ tịch HĐQT.

Sau khi cổ phiếu BAF niêm yết trên sàn HoSE, ông Phan Ngọc Ấn liên tục bán ra và giảm sở hữu và tính tới cuối năm 2022, ông Phan Ngọc Ấn đã thoái ra toàn bộ và không sở hữu cổ phần nào tại BaF Việt Nam.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/8, cổ phiếu BAF giảm 100 đồng, về 20.500 đồng/cổ phiếu.

Tác giả: Duy Bắc 

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến