Dòng sự kiện:
Bài 3: Chặn gian dối, thất thoát thu phí bằng kênh giám sát độc lập
29/04/2019 10:29:17
Hệ thống phần mềm giám sát thu phí BOT sẽ có đường truyền độc lập được kết nối từ các trạm BOT về trung tâm giám sát tại Tổng cục Đường bộ.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai hệ thống phần mềm giám sát độc lập tại tất cả trạm thu phí BOT. (Ảnh: TTXVN)

Trước việc nhiều nhà đầu tư BOT lo ngại chưa thể giám sát được dòng tiền của đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ triển khai hệ thống phần mềm giám sát độc lập tại tất cả trạm thu phí BOT trên cả nước.

Đối chiếu doanh thu tất cả các trạm BOT

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống phần mềm giám sát có tổng mức đầu tư dự án hơn 12 tỷ đồng được triển khai thí điểm ở 3 trạm thu phí BOT trước tiên sau đó sẽ nhân rộng ra 66 trạm BOT trên cả nước vào tháng 7/2019. Giai đoạn 2 của dự án sẽ nhân rộng các trạm lên 88 trạm, tiến tới tất cả các trạm do Bộ Giao thông Vận tải quản lý sẽ được giám sát bằng hệ thống này.

“Hệ thống phần mềm giám sát thu phí BOT có đường truyền độc lập được kết nối từ các trạm BOT về trung tâm giám sát tại Tổng cục Đường bộ. Theo đó, khi xe qua trạm, mọi thông tin giao dịch, dữ liệu liên quan đến thu phí sẽ tức thì truyền trực tiếp về trung tâm này để phân tích các chỉ số như lưu lượng xe, doanh thu thu phí của các trạm trong ngày,” ông Thắng cho hay.

Thậm chí, khi cần tra cứu về tổng mức đầu tư, ngày bắt đầu thu, dự kiến thời gian thu và doanh thu lũy kế, doanh thu và lưu lượng xe trong ngày và sáu tháng gần nhất cũng sẽ được hiển thị một cách công khai và minh bạch.

Đối với dịch vụ thu phí tự động không dừng, theo ông Thắng, dữ liệu sẽ được truyền trực tiếp từ phần mềm thu phí tự động tại trạm về phần mềm giám sát của trung tâm nói trên. Qua đó vé tháng, vé quý, xe ưu tiên cũng được tích hợp qua phần mềm để Tổng cục giám sát.

“Dữ liệu này qua đường truyền riêng biệt, đảm bảo tính độc lập, được mã hóa và đảm bảo an toàn dữ liệu. Đây là số liệu quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước đối chiếu với doanh thu của nhà đầu tư BOT để xem doanh nghiệp có báo cáo trung thực hay không, nhằm tạo sự minh bạch, tránh kê khai gian dối từ nhà đầu tư. Đặc biệt, phần mềm này không thể sửa, xóa mà chỉ xem và trích xuất dữ liệu để cơ quan chức năng đối soát với nhà đầu tư,” ông Thắng phân tích.

Với hệ thống này, cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ giám sát được việc thu phí của nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Bên cạnh đó, khi toàn bộ các trạm thu phí BOT được bàn giao lại cho VETC (đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng), hệ thống này cũng sẽ giúp nhà đầu tư BOT giám sát ngược lại VETC.

Đề cập đến việc vì sao phải giám sát cả nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, ông Thắng lý giải, ở giai đoạn đầu của thu phí không dừng vẫn còn một số làn thu hỗn hợp và dư luận cũng có sự lo ngại khi nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng và nhà đầu tư BOT cũng là doanh nghiệp tư nhân. Do đó, việc làm này là rất cần thiết để công khai, minh bạch thu phí, tạo niềm tin cho người dân.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Người dân có thể giám sát qua di động

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đánh giá, hệ thống chống gian lận phí BOT có thể tạo được chút niềm tin đối với người dân. Và, việc này đáng ra phải thí điểm làm và đưa vào triển khai hàng từ lâu, nhất là khi lộ rõ vụ thất thoát phí BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương.

Tuy nhiên, ông Đức vẫn bày tỏ sự hồ nghi ở chỗ hệ thống này có thực sự giám sát độc lập hay không bởi từ xưa tới nay nhà đầu tư với Bộ Giao thông Vận tải thường là “kép chính-kép phụ” do chỉ có một báo cáo về doanh thu, lưu lượng xe và sau đó mới giám sát thu phí nên có chuyện “nhập nhằng.”

“Hệ thống giám sát chỉ là một động thái nhất định, con số thì chưa chắc đáng tin. Sau giám sát có khi con số còn thấp hơn doanh nghiệp báo cáo thì sao? Thu phí tự động hay không không quan trọng mà điều đầu tiên là phải giám sát được doanh thu thu phí. Để có sự công khai, minh bạch thì phải có dữ liệu để kiểm tra và người dân tham gia giám sát cùng,” Luật sư Đức nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, hệ thống giám sát không sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp mà sử dụng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ nên bảo đảm tính công khai, khách quan và chính xác.

“Đặc biệt, khi phần mềm đưa vào hoạt động, người dân cũng có thể tự giám sát thu phí thông qua máy điện thoại di động hoặc trang web của Tổng cục Đường bộ,” ông Thắng khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện các nhà đầu tư BOT đưa ra quan điểm, trong quy trình quản lý thu phí hiện nay cần tách bạch rõ ràng giữa hai phần đầu tư hạ tầng và quản lý khai thác, có nghĩa là phải có bên thứ 3 độc lập đứng ra giám sát thu phí (giám sát cả nhà đầu tư BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng).

“Để công khai minh bạch doanh thu thu phí, cơ quan quản lý phải có dữ liệu để đối soát. Muốn làm được việc này dữ liệu tại các trạm thu phí phải kết nối với cơ quan quản lý Nhà nước, số liệu sẽ rõ ràng, hệ thống sẽ cộng dồn số thu theo từng loại xe qua trạm,” đại diện nhà đầu tư BOT cho hay.

Là đơn vị triển khai hệ thống phầm mềm giám sát độc lập tại tất cả trạm thu phí BOT trên cả nước, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công nghệ Trí Nam cho biết, hệ thống được bảo mật nhiều lớp, cài đặt tường lửa để giám sát khả năng truy cập vào, ra; dữ liệu từ trạm gửi lên sẽ được lưu vào một kho dữ liệu thô, không ai có thể can thiệp.

“Đơn vị cũng ứng dụng công nghệ có các cơ chế và thuật để kiểm tra tính chính xác, toàn vẹn dữ liệu, đảm bảo dữ liệu không bị can thiệp tác động bởi con người hay phần mềm,” ông Dân quả quyết.

Theo đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia, việc để người dân cùng các hiệp hội vận tải, địa phương cùng tham gia giám sát sẽ là bước đồng thuận cao nhất để minh bạch, công khai các dự án BOT về doanh thu, thời gian thu nhằm bịt "lỗ hổng" thất thoát nguồn tiền "nhét túi" vào một số lợi ích nhóm của nhà đầu tư.

Có như vậy, đầu tư BOT mới phát huy đúng vai trò và hiệu quả của việc huy động nguồn vốn tổng lực xã hội hóa hạ tầng giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và vùng miền nơi dự án đi qua.

> Xem thêm

Bài 2: Cách nào để bịt ‘lỗ hổng’ thất thoát, gian lận thu phí BOT?

Bài 1: Gian dối doanh thu BOT giao thông và cách bịt ‘lỗ hổng’ thất thoát

Theo Vietnam+

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến