Bán hàng đa cấp chi hoa hồng hơn 40% là vi phạm
05/03/2016 11:54:50
Ngày 4/3, sau hàng loạt vụ như Công ty Liên Kết Việt, Cục Quản lý Cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) chủ động ra thông cáo cảnh báo cho người tiêu dùng và hướng dẫn cụ thể cách liên hệ khi nghi ngờ bị bán hàng đa cấp lừa.

Tin liên quan

Hai nhà đầu tư ở Vũng Tàu chờ đợi tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Kim Mỹ (quận Tân Bình) mong lấy lại được tiền vì đã lỡ đầu tư kiểu đa cấp vào công ty này - Ảnh tư liệu.

Theo VCA, điều đầu tiên người tiêu dùng đang dự định ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là tìm hiểu  thật kỹ về doanh nghiệp, như tình trạng đăng ký, cách thức hoạt động, chính sách trả thưởng và các sản phẩm kinh doanh...

 

Cục khuyến nghị người dân có thể trực tiếp hoặc nhờ người tra xem doanh nghiệp có hoạt động bất hợp pháp không bằng cách lên trang web của cục (www.vca.gov.vn).

Doanh nghiệp nào được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đều đã được công bố công khai, không có tên trong danh sách tức là đang hoạt động không phép.

Thứ hai, nếu tham gia hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp thì cần xem hợp đồng mình ký có đúng với mẫu hợp đồng mà công ty đã đăng ký với VCA hay không.

Thứ ba, cần lưu ý các khoản hoa hồng, tiền thưởng bởi VCA cho rằng khoản tiền này phải xuất phát từ hoạt động bán hàng của doanh nghiệp và bản thân các nhà phân phối.

“Mọi lời chào mời tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp có hoa hồng cao, lãi suất lớn hoặc hình thức đầu tư tài chính mà không dựa vào việc bán hàng hóa đều là dấu hiệu lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản” – VCA nêu.

Thứ tư, mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối là 40% doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp. “Vì vậy, mọi cam kết chi trả lớn hơn 40% đều vi phạm quy định của pháp luật”.

Thứ năm, VCA nêu nhà phân phối có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại lượng sản phẩm chưa sử dụng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có nghĩa vụ mua lại các sản phẩm này với mức giá không thấp hơn 90% giá đã bán cho nhà phân phối.

Trong trường hợp thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm hại, VCA “chỉ đường”: người dân có thể liên hệ với các cơ quan quản lý (Cục Quản lý cạnh tranh, Sở Công Thương) hoặc nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đề nghị liên hệ với các cơ quan công an tại các địa phương để được hỗ trợ.

Theo Tuổi trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến