Dòng sự kiện:
Ban lãnh đạo và nhân viên Vietcombank nhận lương, thưởng ra sao?
03/02/2023 11:02:34
Năm 2022, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng nhận mức thù lao 1,67 tỷ đồng và thu nhập bình quân của nhân viên Vietcombank vào khoảng 36 triệu đồng/tháng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV vừa công bố của ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) tiết lộ đã tiêu tốn 9.564 tỷ đồng chi phí lương, phụ cấp năm 2022 cho nhân viên, tăng đến 12,5% so với năm trước.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng số nhân viên tại nhà băng này là 22.619 người. Như vậy, ước tính thu nhập bình quân của nhân viên Vietcombank sau quý IV vào khoảng 36 triệu đồng/tháng, tăng 1,5 triệu đồng so với mức 34,5 triệu đồng quý III trước đó.

Theo Báo cáo này, năm 2022, Vietcombank đã chi hơn 37,4 tỷ đồng để trả thù lao, lương, thưởng cho Ban lãnh đạo ngân hàng. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng và thành viên HĐQT Đỗ Việt Hùng cùng nhận mức thù lao 1,67 tỷ đồng, tức 140 triệu đồng/tháng, tăng nhẹ so với năm 2021.

Các thành viên khác trong HĐQT nhà băng này có mức thù lao đều tăng so với năm trước, khoảng từ 2 - 2,38 tỷ đồng. Người nhận được mức thù lao hậu hĩnh nhất trong HĐQT là ông Nguyễn Mạnh Hùng, với gần 199 triệu đồng/tháng.

Về Ban Điều hành, Tổng Giám đốc vừa được bổ nhiệm ngày 30/1 - ông Nguyễn Thanh Tùng nhận mức lương thưởng trong năm 2022 là 2,09 tỷ đồng. Các thành viên khác có mức lương thưởng trong khoảng từ 2 - 2,2 tỷ đồng.

Người nhận được mức lương thưởng cao nhất trong Ban điều hành là bà Đinh Thị Thái, với 2,28 tỷ đồng trong cả năm 2022, tương đương 190 triệu đồng/tháng.

Mức thù lao, lương, thưởng của các lãnh đạo Vietcombank năm 2022. (Nguồn: BCTC quý IV/2022)

Cũng trong Báo cáo tài chính quý IV/2022, hoạt động chính của Vietcombank tăng 26% so với năm trước, mang về gần 53.246 tỷ đồng trong năm 2022.

Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng tăng 32%, đem lại cho ngân hàng gần 5.768 tỷ đồng nhờ thu ngoại tệ giao ngay tăng 17% lên mức 9.559 tỷ đồng và thu từ công cụ tài chính phái sinh tiền tệ tăng gấp 2 lần, đạt 918 tỷ đồng.

Ngoài ra, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh hơn 60% lên 208,4 tỷ đồng. Mảng chứng khoán đầu tư có lãi 81,5 tỷ đồng trong khi năm trước lỗ đến 85,2 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ gần 115 tỷ đồng, trong khi năm trước có lãi hơn 137 tỷ đồng, do chi phí mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp 3,4 lần, ghi nhận hơn 233 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ hoạt động dịch vụ cũng giảm 6%, còn hơn 6.839 tỷ đồng, do chi về dịch vụ thanh toán tăng gần 48% lên 4.424 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Vietcombank giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 17%, chỉ còn 9.446 tỷ đồng. Kết quả, ngân hàng thu được khoản lãi trước thuế lên đến hơn 37.358 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm 2021, vượt 20% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2022 là 30.675 tỷ đồng.

Với kết quả này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống năm thứ 5 liên tiếp, và còn bỏ xa hai nhà băng đứng kế là Techcombank với 25.600 tỷ đồng và BIDV với 23.058 tỷ đồng.

Tính đến ngày cuối năm 2022, tổng tài sản Vietcombank mở rộng 29% so với năm trước, lên mức hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng gấp 4 lần năm 2021, lên đến 92.557 tỷ đồng; tiền gửi tại TCTD khác tăng gần 57%, lên 283.682 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 19%, lên gần 1.12 triệu tỷ đồng

Về chất lượng nợ, tổng nợ xấu nội bảng của Vietcombank tăng hơn 27% so với đầu năm, ghi nhận 7.808 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 50%, chiếm hơn 85% tổng nợ xấu, từ đó, kéo tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,65% lên 0,7%.

Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 9,5% so với đầu năm, ghi nhận hơn 1,24 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 32,3% đạt gần 402.104 tỷ đồng.

Tác giả: Lê Thanh Hồng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến