Dòng sự kiện:
Bán tháo chứng khoán cuối tuần
21/10/2022 16:08:15
Thị trường ghi nhận có đến 884 mã giảm giá (trong đó có 249 giảm sàn), vượt cả tổng số 166 mã tăng giá đã khiến thị trường chung đỏ lửa.

Giao dịch trên thị trường chứng khoán vẫn chứng kiến cảnh ảm đạm, tâm lý chán nản và những tin tức tiêu cực khiến bảng điện tử ngập tràn sắc đỏ và xanh lơ của giảm kịch sàn.

VN-Index trong phiên cuối tuần diễn biến ngày càng xấu về cuối ngày khi áp lực bán tháo dần lan rộng toàn thị trường. Chỉ số mỗi lúc càng đi xuống và chỉ kịp phục hồi nhẹ về cuối ngày với một lực mua lớn trở lại.

Dù vậy, chỉ số đại diện sàn HoSE vẫn "cắm đầu" giảm 38,63 điểm (-3,65%) về còn 1.019,82 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất trong hơn nửa tháng qua và là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp.

Sàn niêm yết HNX cũng chịu áp lực bán dữ dội khi chỉ số đại diện giảm 8,47 điểm (-3,75%) còn 217,41 điểm. UPCoM-Index rơi nhẹ hơn -2,74% về mức 78,57 điểm.


VN-Index "cắm đầu" trong phiên giao dịch cuối tuần. Đồ thị: TradingView.

Áp lực bán tháo trên diện rộng, nhất là trong nhóm vốn hóa lớn với các tác động xấu nhất. Riêng rổ VN30 ghi nhận mức rơi 42,69 điểm (-4,05%) với 28 mã giảm giá (trong đó có 6 giảm sàn) và chỉ duy nhất SAB là mã tăng điểm và VJC đứng tại tham chiếu.

Ngoài lực đỡ của SAB (tăng giá 0,9% lên 193.000 đồng sau thông tin kết quả kinh doanh tích cực) thì còn có sự giúp sức của một số cổ phiếu riêng lẻ khác. Đơn cử như kDC của Kido tăng 0,65%, TRA của Traphaco tăng 1,1%, VCF của Vinacafe Biên Hòa...

Chiều gây tác động tiêu cực nhất lên thị trường đến từ nhóm vốn hóa lớn. Các mã thuộc VN30 đã giảm sàn trong phiên cuối tuần bao gồm CTG, GVR, MWG, SSI, STB và TCB.

Ngoài ra VHM của Vinhomes cũng có thời điểm giảm sàn nhưng được kéo về cuối ngày giúp còn giảm 4,1% đứng tại 47.950 đồng. MSN của Masan rơi đến 6,7%, HPG mất 6,6%, GAS hay VIC đều giảm hơn 3% giá trị.


Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: FireAnt.

Nhóm lớn tiếp theo là bất động sản giảm sàn hàng loạt ở những mã tầm trung đáng kể như DXG, HDG, DIG, CEO, NBB, LDG, HDC hay các đại diện ngành xây dựng là FCN, CTD, HBC, VCG.

Cổ phiếu đầu cơ là nhóm nằm sàn số lượng lớn nhất. Dễ dàng liệt kê được nhóm Louis với TGG và BII trong sắc xanh lơ, các cổ phiếu họ FLC còn lại giảm hết biên độ. Họ cổ phiếu Apec, DNP, FIT hay các mã CEO, HQC, SJF, DAG cũng không thể thoát khỏi bị bán sàn.

Hàng loạt nhóm ngành quan trọng khác bị bán tháo đến giá thấp nhất có thể kể đến nông nghiệp, bán lẻ, năng lượng, thủy sản, dệt may, thép, hóa chất...

Thị trường về tổng thể chìm trong "biển lửa" với sắc đỏ chiếm áp đảo hoàn toàn. Toàn sàn có 884 mã giảm giá (trong đó có 249 giảm sàn), vượt xa tổng số 166 mã tăng giá và 126 mã đứng tại tham chiếu.

Áp lực bán tháo đẩy thanh khoản trong ngày cuối tuần nhảy vọt lên tổng cộng 16.678 tỷ đồng, tăng 78% so với hôm qua. Trong đó giá trị giao dịch tại sàn HoSE tăng 74% lên mức 14.616 tỷ đồng.

Giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục theo chiều hướng rất tiêu cực khi bán ròng gần 120 tỷ đồng trên sàn HoSE. Đây đã là phiên bán ròng thứ 12 liên tiếp của nhóm tổ chức này.

Trong khi khối ngoại cũng không còn là lực đỡ khi quay sang bán ròng rất mạnh gần 440 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị nhà đầu tư nước ngoài rút mạnh nhất vẫn quen thuộc là HPG, VHM và VND.

 Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến