Bản tin chứng khoán chiều 16/12: Đổ kiểu Domino
16/12/2014 19:30:05
ANTT.VN – OPEC kiên tâm tuyên bố không cắt giảm sản lượng kể cả khi giá dầu tụt xuống 40USD/thùng, giá dầu “chìm”, cổ phiếu dầu khí rớt và như một chuỗi phản ứng phụ thuộc, thị trường chứng khoán tiếp tục rơi sâu.

Tin liên quan

VN-Index rơi sâu

VN-Index rơi sâu

Đà rơi của giá dầu chắc chắn sẽ còn nới rộng, khi mà trong thông báo phát đi sau phiên họp mới đây của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tổ chức cung cấp đến 40% sản lượng dầu trên thế giới và chiếm tới ¾ tổng trữ lượng dầu mỏ toàn cầu này đã tiếp tục tái khẳng định sẽ không cắt giảm sản lượng kể cả khi giá dầu tụt xuống 40USD/thùng. Giá dầu “chìm” và tất nhiên diễn biến của nhóm cổ phiếu dầu khí cũng sẽ chẳng có gì tươi sáng hơn. Với việc thị trường có một quãng neo không nhỏ vào GAS và các mã họ P, sẽ là không lạ nếu thị trường lại có thêm một phiên đỏ điểm.

Kết thúc phiên giao dịch thứ Ba (17/12), VN-Index rớt xuống 535,14 điểm, giảm sâu -12,79 điểm (-2,33%), khối lượng giao dịch đạt 128,015 triệu đơn vị (thỏa thuận: 13,315 triệu đơn vị), tương ứng giá trị 2.498,607 tỷ đồng.

Trên toàn sàn có tổng cộng 40 mã tăng giá, 208 mã giảm giá và 39 mã đứng giá.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index chốt lùi ở 82,64 điểm, giảm 1,60 điểm (-1,90%), khối lượng giao dịch chỉ đạt hạn chế 62,486 triệu đơn vị (thỏa thuận: 7,026 triệu đơn vị), tương ứng giá trị 815,880 tỷ đồng.

Trên toàn sàn có tổng cộng 26 mã tăng giá, 109 mã giảm giá, 230 mã đứng giá.

Cả 2 sàn đặc sệt với gam màu sậm, các mã blue-chips đua nhau vùi trong sắc đỏ buồn, duy nhất ACB “chêm” ngang tham chiếu, bỗng hiện diện như một ngôi sao bất đắc dĩ.

Tuy nhiên so sánh với các cổ phiếu ngân hàng khác thì tầm vàng ngang tham chiếu của ACB cũng chỉ là “thường thường bậc trung”, đặc biệt là trước sắc xanh tươi sáng của EIB (+0,1), VCB (+0,2), nhưng dẫu sao so với gam đỏ tràn lai ở STB (-0,3), BID (-0,2), CTG (-0,2), MBB (-0,2), SHB (-0,1) thì tình cảnh “tĩnh lặng” của ACB hay NVB vẫn còn rất “tươi”. Trong nhóm các cổ phiếu ngân hàng, SHB vẫn là mã dẫn đầu về thanh khoản với KLGD rất ấn tượng với 3,384 triệu đơn vị đã được khớp lệnh trong phiên, tương ứng với giá trị 27,91 tỷ đồng.
Ngoài chút xanh le lói đến từ 2 mã cổ phiếu ngân hàng VCB và EIB, trong rổ VN30 còn có thêm một màu xanh nữa của PET nhưng đáng tiếc đó không phải là xanh lá mà lại là… xanh mắt mèo, mã Dịch vụ tổng hợp Dầu khí này đã lao một mạch 1,5 điểm rơi kịch sàn ở 20.400 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch thỏa thuận của PET trong phiên đạt con số rất lớn, lên đến 1,27 triệu đơn vị.

Tuy vậy, trong trụ, KLGD thỏa thuận của PET cũng chưa phải là lớn nhất, thậm chí lại còn rất khiêm tốn nếu so sánh với con số 9,343 triệu cổ phiếu của “ông lớn” VIC (570,56 tỷ đồng), chiếm tới 70,2% tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận toàn sàn. Đóng phiên, VIC lùi sâu 1.100 đồng chốt ngày ở 47.000 đồng/cổ phiếu. Đồng cảm với VIC, hàng loạt ông lớn kéo nhau chìm sâu: BVH (-1,1), DRC (-1,5), HSG (-1,2), HPG (-2,2), VNM (-1,0)… và tất nhiên, các mã họ P tiếp tục rơi không lực đỡ: PGD (-1,0), PPC (-1,0), PVD (-3,5), PVR (-0,3).

 Tương tự, trừ sắc xanh nhạt hiếm hoi ở HMH (+0,1) và 6 mã đứng ngang tham chiếu, trong rổ HNX30 có tới 23 mã vùi sâu trong vụng đỏ. Không có gì lạ khi các mã giảm sâu nhất rổ đều mang một họ P: PGS (-2,1), PLC (-1,0), PVC (-1,7), PVG (-0,3), PVS (-1,8).

Vẫn giữ một phong độ giao dịch rất tốt với 6,6 triệu cổ phiếu đã được khớp lệnh trong phiên nhưng ngôi sao KLF sau 2 ngày tăng liên tiếp cũng đã giảm tới 0,5 điểm (-3,82%) xuống chốt ngày ở 12.600 đồng/cổ phiếu

Khép lại một ngày thảm thê cho các mã dầu khí, “anh cả” GAS thậm chí đã sụt sàn trong màu xanh mắt mèo ở 64.500 đồng/cổ phiếu, sau khi đã giảm tới 4.500 đồng, với 1,36 triệu đơn vị đã được khớp lệnh trong phiên. Ngày buồn của GAS chắn hẳn vẫn chưa hẹn ngày tươi lại khi mà đóng cửa vẫn còn dự bán không ít giá sàn. Bên cạnh đó, mức giá sàn cũng xuất hiện ở hàng loạt mã dầu khí khác như PET, PXS, PXL, PTL.

Phiên hôm nay, trong khi các mã có tính đầu cơ cao như FLC, VHG, ITA, KBC, HQC đều chịu áp lực bán lớn và đồng loạt chìm trong sắc đỏ (không loại trừ là cả áp lực giải chấp), thì lực mua rất lớn giúp OGC có phiên giao dịch ấn tượng với hơn 5,8 triệu cổ phiếu được sang tay, nhưng đóng cửa lại bị mất xanh một cách đáng tiếc, giảm nhẹ 100 đồng, xuống 7.900 đồng.

FLC giảm 400 đồng (-3,67%), xuống 10.500 đồng với 10,17 triệu đơn vị được khớp. ITA đóng cửa giảm 200 đồng (-2,38%), xuống 8.200 đồng với 7,46 triệu đơn vị được khớp. Tương tự, các mã HQC, VHG, KBC cũng có mức giảm khá mạnh. Bên cạnh đó, PVT, SSI dù nhận được lực cầu ngoại lớn, nhưng không thoát khỏi xu hướng chung.

Về thanh khoản, như thường lệ, cái tên xếp đầu tiên trong nhóm các cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên HOSE, tất nhiên vẫn là FLC. Kế đến là ITA (7,457 triệu đơn vị, 61,54 tỷ đồng), OGC (5,818 triệu đơn vị, 46,63 tỷ đồng)…

Còn tại sàn Hà Nội, trật tự đã có sự xáo trộn khi vị trí dẫn đầu quen thuộc của KLF (6,583 triệu đơn vị, 84,457 tỷ đồng) đã bị SCR (7,213 triệu đơn vị, 71,982 tỷ đồng) xoán ngôi. Nối tiếp là PVS (4,965 triệu đơn vị, 120,048 tỷ đồng), PVX (4,018 triệu đơn vị, 21,962 tỷ đồng)…

 Phiên hôm nay, khối ngoại đã mua ròng nhẹ 305 ngàn cổ phiếu về mặt khối lượng nhưng lại bán ròng 7,96 tỷ đồng về mặt giá trị. Về chi tiết, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua vào 8,349 triệu đơn vị (250,97 tỷ đồng), đồng thời, bán ra 8,044 triệu đơn vị (259,93 tỷ đồng). IJC là cổ phiếu được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 1.258.120 đơn vị (chiếm 88,3% tổng khối lượng giao dịch). Các mã tiếp theo là BMI (806.730 đơn vị), SSI (711.300 đơn vị), PVT (603.010 đơn vị), VCB (602.250 đơn vị).

N.G

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến