Dòng sự kiện:
Bản tin chứng khoán chiều 17/3: Chưa dám liều
17/03/2015 17:11:15
Giao dịch trong 2 phiên đầu tuần mới cho thấy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn còn khá lớn, nhưng bên nắm giữ tiền mặt không mạo hiểm để mua đuổi giá, mà chỉ túc tắc gom vào ở mức giá thấp.

Tin liên quan

Trong phiên hôm qua, tận dụng áp lực bán ra từ các quỹ ngoại, cũng như của các nhà đầu tư trong nước trước hiệu ứng ETFs, nhiều nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt đã tranh thủ bắt đáy, giúp thanh khoản thị trường tăng cao trong phiên giảm điểm.

Trong phiên hôm nay, dòng tiền tiếp tục chảy tích cực vào thị trường, giúp cả 2 sàn hồi phục. Tuy nhiên, trước áp lực bán vẫn còn lớn, nhất là trong các phiên tới đây, lượng cung lớn từ các quỹ ETFs, khiến bên nắm giữ tiền mặt chưa dám mạo hiểm mua đuổi giá, nên đà tăng của thị trường rất khiêm tốn và thanh khoản cũng sụt giảm so với phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/3, VN-Index tăng 0,96 điểm (+0,17%), lên 581,76 điểm. VN30-Index tăng 0,61 điểm (+0,1%), lên 611,24 điểm. Độ rộng của thị trường phiên hôm nay khá hẹp khi và có phần hơi nghiêng về phía tích cực với 110 mã tăng và 95 mã giảm. Nhóm VN30 có 15 mã tăng, 9 mã giảm.

Thanh khoản phiên hôm nay sụt giảm so với phiên hôm qua với tổng khối lượng giao dịch đạt 105 triệu đơn vị, giá trị 1.699,48 tỷ đồng. Tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với 16,3 triệu đơn vị, giá trị 267,63 tỷ đồng. Trong phiên thỏa thuận, đáng chú ý có giao dịch của EIB với gần 10,95 triệu cổ phiếu, giá trị 134,66 tỷ đồng được sang tay. Tiếp đó là hơn 1,9 triệu cổ phiếu LGC, giá trị 41,75 tỷ đồng, tương đương mức giá 21.800 đồng, dù trên sàn, mã này còn dư bán giá trần 24.900 đồng.

Trên HNX, HNX-Index hồi phục tích cực hơn khi tăng 0,28 điểm (+0,32%), lên 85,36 điểm. HNX30-Index cũng tăng 0,87 điểm (+0,54%), lên 163,6 điểm. Độ rộng trên sàn này rộng hơn trên HOSE và cũng nghiêng về phía tích cực với 112 mã tăng so với 72 mã giảm. Trong HNX30 cũng có tới 15 mã tăng, chỉ có 3 mã giảm.

Thanh khoản trên HNX cũng giảm nhẹ so với phiên hôm qua khi có 52,7 triệu đơn vị, giá trị 680 tỷ đồng được chuyển nhượng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,4 triệu đơn vị, giá trị 37,2 tỷ đồng.

Trong phiên chiều, diễn biến cũng khá giống phiên sáng, khi VN-Index liên tục đổi chiều bởi khi lực mua giúp chỉ số tăng lên, thì ngay tức khắc, lực bán chờ sẵn được tung vào, đẩy VN-Index thoái lui.

Dù lực mua tiếp tục được duy trì khá tốt trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, nhưng áp lực bán vẫn còn mạnh, nên VN-Index dù đóng cửa với sắc xanh, nhưng mức tăng cũng bị hãm đi khá nhiều khi đóng cửa dưới ngưỡng 582 điểm.

VCB không thể nới rộng đà tăng trong phiên chiều và mức giá đóng cửa của phiên sáng 36.100 đồng cũng chính là mức giá cao nhất trong ngày của mã này. Chốt phiên, VCB tăng 1,13%, lên 35.700 đồng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với FPT khi mức giá đóng cửa phiên sáng 50.500 đồng là mức cao nhất ngày, chốt phiên mã này tăng 1,2%, lên 50.000 đồng.

Các mã lớn khác như VIC, BVH, DPM, GAS, HAG, SSI, HCM… cũng duy trì được sắc xanh như phiên sáng, qua đó giúp VN-Index đảo chiều thành công sau phiên giảm đầu tuần.

Trong khi đó, KDC và KBC dù vẫn nhận được lực cầu ngoại khá tốt, nhưng cuối cùng đã đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó, KBC đứng ở mức giá thấp nhất này 17.000 đồng, giảm 1,16% với 4,76 triệu đơn vị được khớp, khối ngoại mua 1,9 triệu đơn vị. KDC giảm 0,6%, xuống 48.600 đồng với 1,13 triệu đơn vị được khớp, khối ngoại mua vào gần 0,35 triệu đơn vị.

FLC tiếp tục là mã gây chú ý trên HOSE trong phiên hôm nay. Dù không còn duy trì được đà tăng như phiên đầu tuần, nhưng mã này vẫn hút dòng tiền lớn. Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, bất chấp sức ép từ lực bán giá thấp khá lớn với gần 2,3 triệu đơn vị được đặt ở lệnh ATC, tuy nhiên, lực mua cũng không nhỏ, giúp FLC đóng cửa ở tham chiếu 12.200 đồng với 18,27 triệu đơn vị được khớp, riêng đợt ATC được khớp tới 4,72 triệu đơn vị.

LGC do cạn cung, nên gần như án binh bất động ở mức giá trần và không có thêm giao dịch nào diễn ra trong phiên chiều. Sự sôi động của mã này trong phiên chiều chỉ diễn ra ở phiên thỏa thuận như đã đề cập ở trên.

Trong các nhóm cổ phiếu, ngoài VCB, dòng ngân hàng vẫn chưa thể trở lại vị thế dẫn dắt thị trường, nhóm dầu khí cũng đang chịu áp lực lớn từ giá dầu thô thế giới giảm mạnh trở lại. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản bắt đầu phát đi tín hiệu khi hàng loạt mã tăng giá, trong đó có nhiều mã tăng tốt như HBC, UDC, VPH, DXG… Dù vậy, nhóm này cũng chưa có được sự đồng lòng để có thể thay thế nhóm ngân hàng, dầu khí dẫn dắt thị trường.

Trên HNX, sự sôi động cũng chỉ diễn ra ở KLF, FIT và có thêm một số gương mặt quen thuộc khác như PVX, SHB. Tuy nhiên, giao dịch trong phiên chiều không sôi động như phiên sáng, ngoại trừ đợt ATC.

KLF đóng cửa tăng 3,74%, lên 11.100 đồng với 14,86 triệu đơn vị, FIT tăng 2,7%, lên 19.000 đồng với 4,57 triệu đơn vị, PVX và SHB đứng ở mức tham chiếu với 1,8 triệu và 1,55 triệu đơn vị được khớp.

Nếu nói về sự sôi động, thì trong đợt ATC, sau KLF và FIT, S99 chính là mã gây chú ý tiếp theo khi được khớp hơn 0,58 triệu đơn vị trong đợt này, nâng tổng khối lượng khớp cả phiên lên 1,8 triệu đơn vị, tăng 1,57%, lên 12.900 đồng.

Sau chuỗi ngày bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại xu thế mua ròng trên HNX khi mua ròng gần 187.000 đơn vị, giá trị mua ròng 6,87 tỷ đồng. Trong khi đó, khối này tiếp tục bán ròng trên HOSE với khối lượng bán ròng hơn 0,9 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 6,1 tỷ đồng.

Với những lo ngại về hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETFs, nhiều khả năng trong tuần này, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chỉ lình xình và chỉ ổn định trở lại trong tuần sau.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến