Tin liên quan
Tại Ấn Độ, ông lớn trong ngành điện Jaiprakash Power Ventures đang bán tháo hàng loạt thiết bị và tiến hành đàm phán với các chủ nợ để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ khi mà các khoản nợ đã tăng lên gấp 30 lần trong 6 năm.
Một sự kiện khác cũng đang gây chao đảo kinh tế Trung Quốc. Kaisa, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ do dính líu đến một số phi vụ liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng ở nước này, đồng nghĩa là vô số người mua nhà sẽ bị mắc kẹt với các khoản tiền bạc tỉ.
Và ở Brazil, một làn sóng các vụ phá sản trong ngành sản xuất đường gia tăng không chỉ bởi sự sụt giảm trong giá đường, mà còn bởi các khoản nợ bằng đô la Mỹ đang trở nên ngày càng “đắt” hơn so với tiền Brazil.
Tất cả đều xoay quanh một câu chuyện: đồng đô la Mỹ đang tăng mạnh những ngày gần đây. Sự tăng giá của đồng bạc xanh đã gây ảnh hưởng đến bức tranh tài chính toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi – nơi có các doanh nghiệp với món nợ hàng nghìn tỷ đô la Mỹ trong những năm gần đây.
Giới đầu tư trên toàn thế giới đang hướng sự chú ý về cuộc họp 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ bắt đầu từ hôm nay, thứ Ba (17/3/2015). Thông tin về việc Fed sẽ quyết định tăng lãi suất đã khiến đồng bạc xanh càng tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Những năm Fed thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất thấp đã khuyến khích các khoản vay bằng đồng đô la Mỹ của các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế đang phát triển nóng. Bởi như vậy, doanh nghiệp sẽ có được các khoản vay với giá “rẻ” hơn so với việc vay bằng đồng nội tệ như đồng rupe của Ấn Độ hay Brazil. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toàn Quốc tế, tính đến tháng 9/2014, đã có 9,2 nghìn tỷ USD các khoản vay bằng đô la đến từ các nước bên ngoài Mỹ, tăng 50% kể từ năm 2009.
Tính đến tháng 9/2014, đã có 9,2 nghìn tỷ USD các khoản vay bằng đô la đến từ các nước bên ngoài Mỹ (Ảnh: Internet)
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ Raghuram Rajan đã đề cập đến vấn đề này từ đầu năm nay trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television. "Vay bằng đô la cũng giống như chơi Roulette, đặc biệt là khi vay ngắn hạn" (Roulette : một trò chơi cá độ của Nga thường được thấy trong các casino, người chơi chọn ra một con số mà mình thích để đặt cược và chờ kết quả). Đô la tăng giá cũng sẽ đồng nghĩa với việc các khoản nợ vay bằng đồng bạc xanh này trở nên “đắt” hơn, các doanh nghiệp sẽ cần nhiều đồng nội tệ hơn để đổi được cùng số đô la như trước.
Và đồng bạc xanh đã tăng. Kể từ mùa hè năm 2013, khi Cục Dự trữ Liên bang quyết định rút dần chương trình "nới lỏng định lượng" tung ra hàng tỷ đô la mua trái phiếu nhằm bơm tiền vào hệ thống, đến nay, đồng USD đã tăng 25% so với rổ tiền tệ quốc tế thông dụng.
Ông Trần Hùng, giám đốc điều hành của Viện Tài chính quốc tế - một hiệp hội của các ngân hàng toàn cầu: "Giờ đây đồng đô la đã mạnh lên và tỷ giá cũng tăng. Điều này đặt ra thách thức và cũng là nguy cơ với nhiều thị trường mới nổi, khi mà gánh nặng nợ nần trở nên nặng nề hơn".
Tại các nền kinh tế mới nổi, với rất đông các doanh nghiệp xuất khẩu, việc mạnh lên của đồng bạc xanh cũng không hề hấn gì bởi tiền thu về của họ là bằng đô la, nghĩa vụ trả nợ của họ cũng không tăng. Nhưng với các doanh nghiệp còn lại trong nước thì khác. Với các nhà đầu tư bất động sản hay ngành điện, USD tăng giá sẽ khiến các khoản nợ dịch vụ trở nên đắt hơn. Để trả cùng một khoản nợ bằng USD, nay doanh nghiệp này phải bỏ ra số tiền nội tệ nhiều hơn.
Hyun Song Shin, nhà nghiên cứu đứng đầu tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho rằng sự tăng giá của đô la có thể thắt chặt nguồn cung tiền trên nền kinh tế toàn cầu. Một công ty của Malaysia làm ăn với một công ty Hàn Quốc sẽ thực hiện các giao dịch bằng USD chứ không phải bằng bằng đồng tiền của hai nước là ringgit hay won. Rõ ràng, quyết định của chủ tịch Fed, bà Janet Yellen và các đồng nghiệp của mình ở Washington có thể gây ảnh hưởng lớn đến các giao dịch ngay cả khi không có sự tham gia của các doanh nghiệp Mỹ.
Chiếc cầu thang bên ngoài tòa tháp Sinopec của tập đoàn Kaisa tại Quảng Châu, Trung Quốc (Ảnh: The Nytimes)
Trong quá khứ, sự tăng giá của đồng USD đã gây ra cuộc khủng hoảng tại các nền kinh tế mới nổi, điển hình như sự sụp đổ của các “con hổ châu Á” cuối những năm 1990 và các nền kinh tế Mỹ Latinh trong những năm đầu thập niên 2000. Nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, nó hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Argentina.
Vấn đề lớn nhất trong thời gian này là các công ty tư nhân với những khoản vay bằng đồng ngoại tệ. Những gì tiếp theo hoàn toàn có thể là phá sản, sa thải bớt nhân công hay cắt giảm mạnh các chi phí. Một vòng luẩn quẩn với sự sụp đổ của nền kinh tế và các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.
Sự tăng giá của đồng bạc xanh và sự xuống giá đồng tiền của các quốc gia mới nổi đã đặt các nền kinh tế vào một câu hỏi. Các doanh nghiệp với khoản nợ ngoại tệ thì gặp khó khăn hơn, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu lại có được ưu thế cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF dự đoán các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm nay, cao hơn nhiều so với 2,4% của các nền kinh tế tiên tiến.
Trong một bài phát biểu về những tác động toàn cầu từ chính sách của Cục dự trữ liên bang, Stanley Fischer, phó chủ tịch Fed (cựu Thống đốc Ngân hàng Israel) đã thảo luận về những rủi ro các thị trường mới nổi phải đối mặt khi lãi suất tăng cao ở Mỹ sẽ kéo đồng USD lên theo.
“Các ảnh hưởng này có thể không nghiêm trọng như những gì đã từng xảy ra trong quá khứ, gây sụp đổ hay khủng hoảng tài chính” ông Fischer lập luận. “Tuy nhiên, nó có thể xảy đến với các nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn, bao gồm cả những quốc gia theo đuổi chính sách tỷ giá hối đoái quá cứng nhắc cần có cho mình những hướng đi cụ thể."
Mọi sự chú ý vẫn đang hướng về cuộc họp 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ bắt đầu từ hôm nay, thứ Ba (17/3/2015).
Thanh Hương (Theo Nytimes)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy