Dòng sự kiện:
Bản tin chứng khoán chiều 25/3: 'Tây lông' ép thị trường
25/03/2015 18:26:56
Sự trở lại của dòng bank, dù không mạnh, nhưng đã giúp thị trường chặn được đợt càn quét mạnh của nhóm dầu khí, nhất là ở 2 đại gia GAS và PVD do khối ngoại ồ ạt bán ra.

Tin liên quan

Thông tin việc quỹ VNM ETF bị rút hơn 700 tỷ đồng trong vòng 1 tuần qua khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, bởi trong danh mục của quỹ này nắm nhiều mã lớn, có tác động tới thị trường.
Nhiều nhà đầu tư đã dự đoán, PVD, PVS, MSN sẽ bị quỹ này bán ròng mạnh.

Đúng như dự đoán, trong phiên hôm nay, khối ngoại đã ồ ạt xuống tay tại PVD, PVS, MSN... và thậm chí tại GAS, ép các mã này giảm mạnh, khiến thị trường lao dốc, trong đó, nếu không có sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, VN-Index đã xuyên thủng ngưỡng cản 560 điểm trong phiên hôm nay.
PVD từ đầu năm đến nay liên tục sụt giảm do chịu ảnh hưởng từ việc giá dầu thô thế giới giảm mạnh, kéo theo triển vọng kinh doanh của Công ty trong năm 2015 không còn khả quan như năm 2014 và các năm trước.

Trong khi các mã dầu khí khác còn có những phiên tăng, thì cổ phiếu PVD rất khó khăn để hồi phục. Đặc biệt, mã này cũng liên tục nằm trong danh mục thoát ra của khối ngoại từ đầu năm. Ngay cả trong đợt tái cơ cấu danh mục của VNM ETF vừa rồi, PVD nằm trong danh sách mua ròng của quỹ này, nhưng giá của PVD cũng không thể tăng, thậm chí là giảm.

Do đó, ngay khi thông tin VNM ETF bị rút vốn khá mạnh, nhiều nhà đầu tư đã dự đoán PVD sẽ là ưu tiên hàng đầu bị thoái vốn của quỹ ngoại. Đúng như dư đoán, trong phiên hôm nay, PVD được khớp gần 2,7 triệu đơn vị, thì khối ngoại đã bán ròng ra hơn 1,2 triệu đơn vị, giá trị bán ròng gần 55 tỷ đồng. Chịu áp lực cung lớn của khối ngoại, PVD bị kéo thẳng xuống sát giá sàn 43.900 đồng khi đóng cửa ở mức 44.000 đồng - mức giá thấp nhất trong ngày. Với mức giá đóng cửa trong phiên hôm nay, PVD đã giảm gần 28% kể từ đầu năm và đây cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này trong vòng hơn 2 năm qua.

Không chỉ PVD, một đại gia khác trong nhóm dầu khí là GAS cũng chịu áp lực cung lớn từ khối ngoại, khi bị bán ròng 17 tỷ đồng trong phiên hôm nay, kéo GAS xuống kịch sàn, thậm chí mã này còn dư bán giá sàn hơn 170.000 đơn vị. GAS nhận được thông tin hỗ trợ là Công ty sẽ mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ và mã này đã có phản ứng tích cực trong ngày đầu tuần. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để khối ngoại thoát hàng. Trên HNX, một mã dầu khí lớn khác là PVS cũng chịu áp lực tương tự khi khối ngoại bán ròng mạnh.

Ngoài họ dầu khí, MSN cũng nằm trong danh sách bán ròng mạnh của các quỹ ngoại, do đó, dù nhận được thông tin tích cực về việc nhảy vào lĩnh vực thịt chế biến đầy tiềm năng khi thâu tóm Công ty Sài Gòn Nutri Food, nhưng MSN cũng chỉ tăng được 1 phiên và sau đó là chuỗi giảm liên tiếp. Hôm nay, mã này cũng bị bán ròng hơn 10 tỷ đồng, đóng cửa giảm 1,86%.

Chính do sức ép lớn từ các đại gia này, nên VN-Index nới rộng đà giảm trong phiên chiều và nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của nhóm ngân hàng, chỉ số này nhiều khả năng không thể giữ được mốc kháng cự tâm lý quan trọng 560 điểm. Một khi VN-Index mất mốc kháng cự này, tâm lý bi quan sẽ lan tỏa khắp thị trường và khi đó, khó có thể dự đoán được điểm dừng của thị trường trong đợt giảm lần này.         

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,5 điểm (-1,15%) xuống 560,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,6 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.754,71 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,5 triệu đơn vị, trị giá 224 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,17 điểm (-0,2%) xuống 83,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,5 triệu đơn vị, trị giá 514.38 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,4 triệu cổ phiếu, trị giá 71 tỷ đồng.

Như đã phân tích ở trên, điểm sáng nhất trong phiên hôm nay chính là sự trở lại của dòng Bank dù vẫn có sự phân hóa. VCB, STB tăng 100 đồng, CTG tăng 300 đồng, BID, ACB tăng 200 đồng, MBB về tham chiếu và EIB suy yếu giảm 100 đồng về cuối phiên. Có lẽ với việc hồi phục của nhóm cổ phiếu này, dù không mạnh, nhưng cũng giúp thị trường không bị giảm sâu, ngay cả trong đợt khớp lệnh đóng cửa ATC - thường được xem là “cơn ác mộng” của không ít nhà đầu tư.

Nhóm VN30 do không chịu ảnh hưởng từ GAS, nên có mức giảm khiêm tốn hơn. Trong đó, VN30-Index giảm 3,63 điểm (-0,61%) xuống 590,17 điểm.

Với 6 mã tăng, 15 mã giảm và 9 mã đứng giá, HNX30-Index giảm 1,25 điểm (-0,79%) xuống 157,32 điểm.

Một điểm tích cực khác trong phiên hôm nay là thanh khoản. Mặc dù điểm số giảm mạnh, nhưng thanh khoản lại tăng nhẹ so với hôm nay. Trong đó, tập trung lớn vào một số mã, như trên HOSE, FLC dẫn dầu với gần 13,5 triệu cổ phiếu. Tiếp đến là HAI với 4,5 triệu; CII, DXG : hơn 3 triệu cổ phiếu…

Trên HNX, ngoài FIT (4,76 triệu) và KLF (4 triệu cổ phiếu), PVS cũng là mã có thanh khoản cao trên sàn, khớp được gần 2,3 triệu, Đây cũng là mã bị khối ngoại bán ra mạnh nhất sàn với 264.400 đơn vị.

Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài gần 7 triệu cổ phiếu trên HOSE, nhưng bán ròng trên HNX.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến