Dòng sự kiện:
Bản tin chứng khoán sáng 25/3: Sức ép từ đại gia
25/03/2015 14:11:54
Có được sắc xanh ngay từ đầu phiên, nhưng sức ép từ những đại gia họ dầu khí, cũng như MSN khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều.

Tin liên quan

Trong phiên hôm qua, lực cầu bắt đáy khi VN-Index lùi về gần mốc 560 điểm giúp thị trường bật trở lại, hãm bớt đà giảm và báo hiệu tín hiệu tích cực cho phiên hôm nay.

Theo nhận định từ nhiều CTCK, tín hiệu tốt này đem lại hy vọng về sự hồi phục hay ít ra là dấu hiệu cho thấy khả năng về việc điều chỉnh giảm sâu thêm của thị trường sẽ không diễn ra trong các phiên sắp tới. Và điều này đã được minh chứng ngay đợt khớp lệnh mở cửa phiên giao dịch sáng nay.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,19 điểm (+0,03%) lên 567,62 điểm. Điểm đáng chú ý là thanh khoản tăng vọt, đạt 3,8 triệu đơn vị, tương đương giá trị 190 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với giá trị giao dịch cùng thời điểm hôm qua. Tuy nhiên, thanh khoản tốt này chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận của CTD với giá trị tới 166,25 tỷ đồng (2,5 triệu cổ phiếu tại mức giá sàn 66.500 đồng).

Đây có thể là lượng cổ phiếu mà Indochina Holdings Group Limited vừa đăng ký bán. Được biết, Indochina Holdings Group Limited toàn bộ 3 triệu cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Cotec - Coteccons mà tổ chức này đang nắm giữ (tỷ lệ 7,12%) nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 23/3 đến 21/4/2015.

Quay trở lại với diễn biến phiên giao dịch, dù có được sắc xanh nhẹ, nhưng lực đỡ chính cho đà tăng này đến từ GAS trong khi các mã trụ khác vẫn đang lình xình quanh tham chiếu. Vì thế, cũng dễ hiểu khi mất đi giá đỡ, thị trường nhanh chóng đảo chiều.

Ngoài GAS, tạo sức ép lên Vn-Index còn có MSN, PVD, VCB và đôi lúc cả VNM cũng tham gia.

Nhóm ngân hàng không còn gây sức ép lên chỉ số nhưng cũng chưa tạo được động lực cho thị trường một đà tăng khi chỉ còn CTG và BID tăng, các mã khác đều ở tham chiếu.

Trên HNX, dù không giảm mạnh và nhanh như HOSE, nhưng sau 45 phút giao dịch, chỉ số sàn này cũng bắt đầu đảo chiều khi sức ép bán tăng dần.

Cụ thể, đến 9h45, HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,04%) xuống 83,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5 triệu đơn vị, tương đương giá trị 70,21 tỷ đồng.

Hầu hết mã đầu cơ như VND, SCR, AHB, PVX, HNX, ACB… đều đứng giá. Sắc xanh xuất hiện rải rác ở một vài mã, như KLS tăng 100 đồng; PVL tăng 100 đồng; PGS tăng 200 đồng.

Áp lực từ nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt là từ GAS và PVD khi 2 mã này giảm mạnh, nhất là GAS đã có thời điểm rơi xuống kịch sàn, khiến VN-Index gần như lao dốc. Tuy nhiên, cũng giống như kịch bản chiều qua, khi chạm đến mốc 560 điểm, lực cầu bắt đáy đã giúp các chỉ số đi lên.

Mặc dù vậy, thị trường vẫn chịu sức ép từ những mã lớn, khiến chỉ số chỉ hãm bớt được đà rơi. Hai sàn tạm nghỉ phiên sáng với mức giảm khá sâu.

Cụ thể, kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 5,45 điểm (-0,96%) xuống 561,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị 902 tỷ đồng, trong đó, có 191 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,26%) xuống 83,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,14 triệu đơn vị, trị giá 251,29 tỷ đồng.

Tuy vậy, độ rộng thị trường không lớn, số mã giảm không phải chiếm áp đảo. Điều này cho thấy, thị trường đang chịu áp lực từ một số mã (PVD, GAS, MSN) trong khi nhưng mã ở những nhóm ngành khác như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản vẫn không bị tác động xả ồ ạt.

Theo đó, trong nhóm ngân hàng, ngoài VCB giảm 100 đồng, thì hầu hết đứng tham chiếu, thậm chí CTG và STB tăng với mức lần lượt 100 và 200 đồng.

Chứng khoán (HCM, SSI) và bất động sản (KBC, ITA, FLC) cũng giống như ngân hàng, lực cầu giúp cổ phiếu duy trì được thanh khoản tốt và không chịu áp lực điều chỉnh. Thậm chí, một số mã dẫn dất trong những nhóm này đang tăng khá vững như DXG tăng 500 đồng; HQC tăng 100 đồng; VND, KLS tăng 100 đồng…

Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường chịu tác động mạnh của dòng tiền ngoại, đặc biệt là việc quỹ VNM rút vốn. Theo thống kê mới đây, tại thời điểm 31/12/2014, có khoảng 15.800 tỷ đồng tiền mặt tại 21 công ty chứng khoán, trong đó có khoảng 7.900 tỷ là tiền gửi của các nhà đầu tư đang đứng ngoài chờ đợi cơ hội đầu tư. Điều này cho thấy, dòng vốn nội là rất lớn. Nhưng liệu dòng vốn này có đủ sức dẫn dắt thị trường đi lên khi không có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường ngoài thông tin về ĐHCĐ của các DN niêm yết?

Theo Đầu Tư Chứng Khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến