Dòng sự kiện:
Bản tin chứng khoán sáng 4/5: Vỡ tuyến phòng thủ
04/05/2015 14:02:59
Tưởng chừng ngưỡng 560 và 82 điểm là những tuyến phòng thủ vững cho các chỉ số, nhất là sau những nhận định tích cực của các chuyên gia và công ty chứng khoán, nhưng lực bán cuối phiên đã khiến các tuyến phòng thủ này bị xuyên thủng dễ dàng.

Tin liên quan

Sau ít phút đầu giằng co quanh mốc tham chiếu, cả 2 chỉ số đã giảm mạnh, Trong khi tâm lý của đại đa số nhà đầu tư còn chưa thật sự trở lại sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, thì những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu OGC đã nhanh chóng tục trực để tháo chạy nhanh nhất có thể.

Sau cú sốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) thuộc về sở hữu của Ngân hàng Nhà nước được công bố ngày 25/4, khiến các cổ đông của OceanBank, trong đó có OGC là một cổ đông lớn mất trắng khoản đầu tư vào ngân hàng này, OGC lại tiếp tục bị HOSE nhắc nhở trên toàn thị trường liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. Nếu không khắc phục được tình trạng này, nhiều khả năng OGC có thể bị hủy niêm yết bắt buộc.

Chính vì vậy, không khó hiểu khi OGC tiếp tục bị bán tháo ngay khi bước vào phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kéo dài và cũng là phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5. Trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, OGC cũng chịu cảnh tương tự, nhưng rất ít nhà đầu tư đủ dũng cảm để mua vào. Khối ngoại sau khi có ý định bắt đáy đầu phiên, nhìn thấy cơn lũ xả hàng đã phải dừng tay.

Trong phiên sáng nay, ngay trong đợt khớp lệnh mở cửa, trong khi cả thị trường còn thận trọng với những lệnh thăm dò, thì lệnh bán đã chất đầy ở OGC, dư bán giá sàn và ATC lên tới gần 14 triệu đơn vị, nhưng chỉ có chưa tới 300.000 đơn vị được khớp.

Như đã nói, ngoại trừ OGC, diễn biến chung của thị trường diễn ra khá thận trọng, nhà đầu tư vẫn chưa lấy lại được đủ năng lượng cần thiết sau kỳ nghỉ dài ngày.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,78 điểm (-0,32%), xuống 560,62 điểm với tổng khối lượng khớp 1,68 triệu đơn vị, giá trị 26,7 tỷ đồng.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, dường như ngưỡng 560 điểm đang tạm thời là chốt chặn an toàn, nên sau khi lùi thêm một bước nhỏ nữa, VN-Index đã hồi phục trở lại, nhưng cũng không thể bứt phá, mà chỉ giằng co quanh tham chiếu với thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp.

Sự hồi phục của thị trường nhờ vào một vài mã bluechip như PVD, VCB, GAS, HPG…, nhưng đà tăng của các mã này cũng không chắc chắn.

Trên HNX, sau ít phút lình xình trên tham chiếu đầu phiên, chỉ số HNX-Index cũng xác định xu hướng giảm của mình khi độ rộng trên sàn đang nghiêng về hướng tiêu cực.

Một vài mã dầu khí lớn tăng giá nhờ thông tin giá dầu thế giới tăng không đủ sức giúp tạo hiệu ứng cho cả thị trường khi sự thận trọng, thăm dò vẫn chưa được gỡ bỏ.

Sau 30 phút giao dịch, 2 chỉ số chính trên 2 sàn đang có sự trái chiều. Trong khi VN-Index có được sắc xanh nhạt, thì HNX-Index đang giảm 0,3%, độ rộng trên cả 2 sàn đang nghiêng về hướng tiêu cực. Thanh khoản thị trường bị cạn kiệt khi mới chỉ có 150 tỷ đồng được chuyển nhượng trên cả 2 sàn.

Câu nói “Sell in May and go away - Bán tháng 5 và đi chơi” dù xuất phát từ thị trường Mỹ, nhưng nó cũng được đem ra sử dụng ở thị trường chứng khoán Việt Nam và ít nhiều cũng tạo nên những nỗi ám ảnh cho nhà đầu tư, nhất là theo thống kê, 4/5 năm gần đây, thị trường thường giảm trong tháng 5. Tuy nhiên, theo một thống kê khác của Đầu tư Chứng khoán, cũng trong khoảng thời gian trên, nhà đầu tư nước ngoài đều mua ròng trong tháng 5.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn, nhận định thị trường tuần này, đa số chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng, hiện các thông tin tích cực đang ủng hộ thị trường, như vĩ mô sáng sủa, kết quả kinh doanh và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp khả quan, dòng vốn ngoại đang trở lại… khiến những nhà đầu tư nội đứng ngoài trong tháng 4 sẽ quay trở lại trong tháng 5 khi tâm lý "Sell in May" giúp nhà đầu tư kỳ vọng mua hàng giá rẻ. Những điều này sẽ hỗ trợ thị trường không tiêu cực trong tháng 5 ngoại trừ có tin gì quá xấu bất ngờ và chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn trong năm.

Tuy nhiên, cuối cùng câu nói “Sell in May” vẫn ám ảnh nhà đầu tư trong nước trong phiên sáng nay. Sau nửa thời gian đầu cầm cự, lực bán đã gia tăng mạnh, kéo hàng trăm mã trên 2 sàn giảm giá, trong khi sắc xanh chỉ còn le lói ở một số ít, khiến 2 chỉ số chính giảm mạnh, xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ gần 560 và 82 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm 3,53 điểm (-0,63%), xuống 558,87 điểm với 34 mã tăng, trong khi có tới 169 mã giảm. HNX-Index giảm mạnh hơn khi mất 1,2 điểm (-1,45%), xuống 81,55 điểm cũng với chỉ 37 mã tăng trong khi có tới 133 mã giảm.

Nhóm cổ phiếu lớn trong VN30 và HNX30 cũng đều chìm trong sắc đỏ. Trong nhóm HNX30, không còn mã nào giữ được sắc xanh, trong khi VN30 cũng chỉ còn 2 mã tăng giá khi chốt phiên sáng.

OGC vẫn đang còn dư bán giá sàn hơn 11 triệu đơn vị, trong khi tổng khớp chỉ hơn 470.000 đơn vị do rất ít nhà đầu tư dám mạo hiểm bắt đáy với cổ phiếu này. Trong số ít đó, khối ngoại tiếp tục mua vào hơn 112.000 đơn vị.

Sắc xanh le lói ở một số ít mã lớn cũng dần biến mất, chỉ còn VCB và MSN giữ được mức tăng nhẹ, trong khi PVD về tham chiếu, GAS, HPG đảo chiều đóng cửa trong sắc đỏ. Các mã lớn khác cũng đóng cửa dưới tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản đã trở lại với các mã thị trường như FLC, HQC, DLG, CII… và cả 4 mã này đều giảm khá mạnh, từ 1,4 - 4,7%, trong đó FLC có thanh khoản tốt nhất với 3,68 triệu đơn vị.

Trên HNX, chỉ còn SHN là đủ hấp dẫn nhà đầu tư khi tiếp tục duy trì mức tăng tốt 4,88%, lên 4.300 đồng khi chốt phiên với 1,18 triệu đơn vị được khớp, thậm chí có thời điểm đã tăng lên mức giá trần 4.500 đồng.

Đứng trên SHN về thanh khoản là 3 mã FIT, SHB và KLF đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó KLF giống như “người anh em” FLC trên HOSE, dẫn đầu về thanh khoản trên HNX với 3,36 triệu đơn vị, gấp hơn 2 lần so với mã đứng sau là SHB.

Các mã dầu khí sau khi tăng nhẹ đầu phiên cũng đều lần lượt rơi rụng sắc xanh, PVX thậm chí xuống sát mức sàn.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến